Đại học tư thục không vì lợi nhuận - Từ thế giới đến Việt Nam

Tháng 5 vừa qua, UBND TPHCM đã trao quyết định thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam - trường đại học tư thục (ĐHTT) hoạt động không vì lợi nhuận (KVLN). Lần đầu tiên Việt Nam chào đón trường ĐHTT danh tiếng của thế giới, mở ra tương lai đào tạo nhân tài cho sự phát triển đất nước và xu thế phát triển tất yếu của phương thức ĐHTT  KVLN.
Đại học tư thục không vì lợi nhuận - Từ thế giới đến Việt Nam

Tháng 5 vừa qua, UBND TPHCM đã trao quyết định thành lập Trường Đại học Fulbright Việt Nam - trường đại học tư thục (ĐHTT) hoạt động không vì lợi nhuận (KVLN). Lần đầu tiên Việt Nam chào đón trường ĐHTT danh tiếng của thế giới, mở ra tương lai đào tạo nhân tài cho sự phát triển đất nước và xu thế phát triển tất yếu của phương thức ĐHTT  KVLN.

Nhu cầu tất yếu

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, “ở châu Âu, châu Mỹ đã diễn ra làn sóng tư nhân hóa các trường ĐH, đặc biệt từ năm 2000 trở lại đây. Có 3 lý do chính: Để đáp ứng nhu cầu xã hội; do cần sự đa dạng trong giáo dục ĐH; do nhu cầu về một nền giáo dục chất lượng cao, không bị ảnh hưởng bởi thần quyền, thế quyền, hay các lợi ích đặc biệt khác”. Và cũng theo ông, trong danh sách những trường ĐH hàng đầu thế giới đa số là trường tư thục ở các nước tư bản nhưng lại không vì mục đích lợi nhuận, như Harvard, Yale, Stanford ở Mỹ…

Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, ĐH Kinh tế TPHCM, cũng cho biết nhiều trường ĐHTT KVLN ở những quốc gia châu Á cũng đã trở thành những trường ĐH danh tiếng bậc nhất thế giới như ĐH Yonsei (Hàn Quốc), ĐH Sophia và ĐH Keio (Nhật Bản)… Theo các chuyên gia giáo dục, những trường ĐHTT danh tiếng trên thế giới này là những hình mẫu về mô hình hoạt động KVLN.

Tuy nhiên, cần có một cái nhìn đúng về phương thức hoạt động KVLN. ĐHTT KVLN không có nghĩa là không có lợi nhuận, ngược lại, hệ thống các trường này phải tạo ra lợi nhuận, thậm chí rất nhiều lợi nhuận (ví như ĐH Harvard năm 2013 có nguồn quỹ là 32,7 tỷ USD. Chính phủ Mỹ có thể bị đóng cửa vì thiếu ngân sách hoạt động nhưng các ĐH lớn như Harvard, Stanford thì không bao giờ) Để vận hành tốt, các trường ĐHTT KVLN cần nhận được nguồn vốn đóng góp từ các quỹ, tài trợ từ doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và nhà nước trên cơ sở chứng minh được chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Và những lợi nhuận này đều được dành tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, giáo dục, cơ sở vật chất thay vì ưu tiên phân phối cho cổ đông như mô hình trường vì lợi nhuận.

TS Đỗ Bá Khang, Trưởng khoa Kinh tế thương mại của ĐH Hoa Sen, cho biết: “Lý do chính để tôi từ bỏ công việc ở Thái Lan về Việt Nam và chọn ĐH Hoa Sen làm nơi giảng dạy bởi đây là trường hoạt động theo tiêu chí KVLN từ những ngày đầu thành lập”. Theo TS Khang, dù là ĐH vì lợi nhuận hay KVLN đều có vai trò đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của hệ sinh thái giáo dục. Tuy nhiên, ĐH vì lợi nhuận khó tạo ra tri thức mới cho sinh viên như ĐH KVLN.

Hướng đi nào cho ĐHTT KVLN ở Việt Nam

Trước sự phát triển tất yếu của ĐHTT KVLN trên thế giới, Việt Nam bắt đầu có mô hình trường hoạt động KVLN theo sau Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ. Theo đó, cơ sở tư nhân có quyền hoạt động lợi nhuận hay phi lợi nhuận, nếu hoạt động phi lợi nhuận thì được quyền chia cổ tức cho nhà đầu tư nhưng ở một mức nhất định, còn phần không chia đó thì được miễn đóng thuế vì đó là phần để tái đầu tư trở lại phát triển hoạt động giáo dục. Nghị quyết 05 cũng nói thêm là Nhà nước khuyến khích phát triển loại hình KVLN, dù khuyến khích như thế nào, bằng những ưu đãi gì thì chưa có quy định một cách cụ thể.

Thí sinh, phụ huynh tìm hiểu thông tin để đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
ngày 1-8- 2016.                Ảnh: THANH HÙNG

Theo luật sư Lương Văn Lý (Công ty Luật VLT Lawyers), các văn bản pháp luật và pháp quy ban hành từ năm 2012 là một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện quy định về trường ĐHTT KVLN. Tuy nhiên, khi đi vào xử lý những vấn đề cụ thể, như đối với việc công nhận trường KVLN, các văn bản này, cụ thể là Quyết định 70/2014 của Thủ tướng Chính phủ chưa suy tính đầy đủ đến thực tế Việt Nam. Có thể đề cập hai ví dụ: Một vấn đề đã được nêu ra nhiều là nên bỏ cổ tức hoàn toàn, dù hiện nay theo pháp luật, mức cổ tức cho phép đã là thấp. Cổ tức là nguyên nhân chính dẫn đến những bất đồng quan điểm của nhóm cổ đông vì lợi nhuận tại ĐH Hoa Sen trước đây. Một vấn đề khác cơ bản hơn là cơ chế quản trị được quy định cho trường ĐHTT KVLN còn mang trong mình rất nhiều điều vay mượn của cơ chế quản trị doanh nghiệp. “Luật Giáo dục nói chung và đặc biệt là quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục nói riêng, cần phải được kiến tạo hoàn toàn khác biệt với Luật Doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với trường ĐHTT KVLN thì sự khác biệt càng phải rõ ràng và dứt khoát hơn”, luật sư Lương Văn Lý khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết:  “Tôi hoàn toàn ủng hộ mô hình ĐH hoạt động KVLN. Những người có tâm huyết với giáo dục đều ủng hộ trường hoạt động KVLN. Trong thời gian qua, với phương châm KVLN mà ĐH Hoa Sen là một trong số ít trường có chất lượng giáo dục tốt, với tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt khoảng 90%”.

Tuy nhiên, để tạo nền tảng cho ĐHTT KVLN phát triển tại Việt Nam và bắt kịp với xu hướng của thế giới, rất cần có sự bổ sung, hiệu chỉnh của pháp lý, tạo tiền đề cho mô hình ĐHTT hoạt động KVLN vận hành tốt trong hệ sinh thái giáo dục Việt Nam.

HÒA TRIỀU

Tin cùng chuyên mục