Đại học vùng - Đìu hiu chợ chiều

Nhiều ngành lay lắt
Đại học vùng - Đìu hiu chợ chiều

Chưa có mùa tuyển sinh nào mà các trường đại học vùng, đại học tỉnh lại nơm nớp lo thiếu người học như mùa tuyển sinh năm 2010. Dù chưa kết thúc xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng một số trường đã phải ngậm ngùi đóng cửa nhiều ngành vì chỉ có vài thí sinh nhập học. Nhiều đại học vùng đang đứng trước nguy cơ trắng tay trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương.   

Nhiều ngành lay lắt

Mùa tuyển sinh năm 2010 có rất nhiều đại học ở các tỉnh xin áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh nhằm kéo thí sinh về tỉnh nhà. Tuy nhiên, nhiều trường cố hy vọng vào NV2 và giờ đây là xét tuyển NV3 nhưng xem ra không thoát khỏi cảnh chợ chiều.

Trong lúc cuộc đua NV3 ở các trường ĐH tại TPHCM đông đúc thì các ĐH vùng, ĐH tỉnh lại rơi vào cảnh chợ chiều. Ảnh: T. Minh
Trong lúc cuộc đua NV3 ở các trường ĐH tại TPHCM đông đúc thì các ĐH vùng, ĐH tỉnh lại rơi vào cảnh chợ chiều. Ảnh: T. Minh

Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu xét tuyển đến 1.000 chỉ tiêu NV3 cho ngành Công nghệ kỹ thuật điện, Tin học, Công nghệ kỹ thuật, Công trình xây dựng, Hóa dầu, Công nghệ thực phẩm, Kế toán, Quản trị kinh doanh… nhưng đến nay nhận chưa tới 400 hồ sơ.

Trong khi đó, Trường ĐH Tây Nguyên, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng Tây Nguyên, cũng như đang ngồi trên lửa vì chỉ tiêu xét tuyển NV3 cho các ngành học mà cả vùng đang cần như Bảo quản - chế biến nông sản, Bảo vệ thực vật, Khoa học cây trồng, Công nghệ môi trường, Chăn nuôi thú y... lại quá ít hồ sơ. Đại diện hội đồng tuyển sinh nhà trường cho biết, dù chỉ tiêu năm nay đưa ra khoảng 60-70 sinh viên/ngành nhưng thực tế đạt được 50% là quá tốt rồi. Tuy nhiên, với tình hình hồ sơ NV3 như hiện nay, có thể những ngành này tiếp tục lay lắt.

Đáng ngại hơn, Trường ĐH Trà Vinh xét tuyển khoảng hơn 2.000 chỉ tiêu NV3 nhưng đến nay lượng hồ sơ lại quá ít. Ở hệ ĐH, chỉ có khoảng 200 hồ sơ/1.476 chỉ tiêu xét tuyển NV3. Trước đó, chỉ có khoảng 500 sinh viên trúng tuyển NV1 và NV2 của hệ ĐH so với chỉ tiêu tuyển là 2.000. Còn hệ CĐ cần tuyển 681 chỉ tiêu NV3 nhưng có chưa tới 1/3 hồ sơ nộp vào. “Tuy năm nay trường xin áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh nhưng lại tiếp tục lâm vào cảnh thiếu người học, trong đó một số ngành đào tạo nhân lực cho tỉnh nhà cũng đang lao đao”, đại diện hội đồng tuyển sinh nhà trường than vãn.

Còn Trường ĐH Đồng Tháp xét tuyển gần 600 chỉ tiêu nhưng đến nay chỉ mới nhận được trên 100 hồ sơ. Trong đó, các ngành như quản lý đất đai, quản lý văn hóa, công nghệ thông tin… chỉ lác đác vài hồ sơ. Thậm chí có ngành hồ sơ đếm chưa hết 10 đầu ngón tay. Với tình hình này, rất có thể trường sẽ tiếp tục đóng cửa thêm một số ngành như đã làm với ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp và Sư phạm tin học sau khi kết thúc xét tuyển NV2.

Tại ĐH Đà Nẵng, nhiều trường ĐH thành viên cũng chính thức dừng mở lớp đào tạo hàng chục ngành như Cử nhân tiếng Nga, Sư phạm tiếng Pháp, Sư phạm tiếng Trung Quốc, Cử nhân tiếng Thái Lan, Kinh tế lao động, Kinh tế và quản lý công, Kinh tế chính trị, Thống kê-tin học, Vật liệu và cấu kiện xây dựng, Sư phạm giáo dục đặc biệt, Công nghệ kỹ thuật công trình thủy...

Tương tự, ở ĐH Huế, nhiều khả năng một số ngành như Công nghiệp và công trình nông thôn, Cơ khí, Chế biến bảo quản nông sản thực phẩm, Chế biến lâm sản, nhiều khả năng không có người học...

Nguy cơ thiếu hụt nhân lực 

Nhiều ngành đóng cửa, ngưng đào tạo là tín hiệu của cơ chế thị trường đối với giáo dục đại học Việt Nam. Bản thân người học có quyền chọn những ngành theo sở thích để sau này có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp khi ra trường. Mặt khác, điều này còn phản ánh nền giáo dục đang dần dịch chuyển về mục tiêu số lượng hơn là chất lượng. Và một khi chạy theo việc mở rộng nhanh các trường, các ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường, chắc chắn mục tiêu đảm bảo chất lượng sẽ khó thực hiện được.

“Việc duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành nghề hiện nay của Bộ GD-ĐT hơi cảm tính, chỉ dựa vào sự đề xuất từ các trường, trong khi các trường lại chỉ nhắm đến thị hiếu của người học mà không có căn cứ khoa học xác đáng nào. Và nếu cứ tiếp tục tuyển sinh và đào tạo theo thị hiếu của người học mà không có dự báo rõ ràng, việc thiếu hụt lao động cục bộ không chỉ xảy ra giữa các ngành mà ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của các vùng miền”, một chuyên gia đào tạo lo lắng.

Mặc dù các trường đại học vùng và các tỉnh đã cố gắng hút thí sinh về tỉnh nhà nhưng kết cục vẫn phải bấm bụng ngưng tuyển sinh hàng loạt ngành, trong đó có cả những ngành được xem là trọng điểm về đào tạo nhân lực cho địa phương.

Căn cứ trên nhu cầu phát triển nhân lực của địa phương, tỉnh An Giang đề xuất đào tạo các ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật nông nghiệp, sinh - kỹ thuật nông nghiệp, Chăn nuôi, Trồng trọt. Tuy nhiên, năm nay, trường tiếp tục chấp nhận đóng cửa ít nhất là 5 ngành.

TS Trần Văn Thạnh, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng nhà trường cho biết: “Một vùng đồng bằng có thế mạnh sản xuất nông nghiệp rất cần nhân lực kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt nhưng tiếc thay không ai chịu học những ngành này. Khoảng 3, 4 năm tới, không chỉ An Giang mà một số tỉnh lân cận sẽ kiếm không ra nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển, hiện đại hóa nông nghiệp”.

Ông Thạnh cũng thừa nhận: Chúng ta đang thả nổi về chỉ tiêu mở ngành đào tạo. Thực tế, khi ngành nghề mà trường đào tạo, xã hội đang rất cần nhưng khi yêu cầu đưa ra số liệu để chứng minh có sức thuyết phục thì chẳng mấy ai làm được. Và với thực trạng này, vài năm tới, nhiều cử nhân kinh tế sẽ thừa và không có việc làm vì từ trường lớn đến trường nhỏ đều thi nhau xin đào tạo nhóm ngành kinh tế.

Nhìn xa hơn một chút, TS Nguyễn Tấn Vui, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên nhấn mạnh: Vấn đề quan trọng ở đây là ở cấp quản lý vĩ mô cần có những chính sách phù hợp để định hướng đào tạo, phát triển nhân lực cho từng địa phương. Nếu đào tạo chạy theo phong trào như hiện nay thì nay mai, nhiều địa phương dù có trường đại học nhưng nhân lực thiếu vẫn hoàn thiếu.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục