Các kỳ đại hội Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (Từ tháng 2-1951 đến tháng 9-1960)

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (Từ tháng 2-1951 đến tháng 9-1960)

Từ năm 1950, phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ. Hệ thống xã hội chủ nghĩa đã được củng cố và tăng cường về mọi mặt. Phong trào giải phóng dân tộc vẫn tiếp tục phát triển làm rung chuyển hậu phương của chủ nghĩa đế quốc. Phong trào bảo vệ hòa bình thế giới trở thành phong trào quần chúng rộng rãi. 

Là người tổ chức và lãnh đạo cách mạng của cả 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, từ năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương đã luôn làm tròn vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Đảng cũng bộc lộ một số thiếu sót, hạn chế ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng. Mặt khác, cuộc kháng chiến của 3 nước Đông Dương tuy cùng chung một mục tiêu, cùng một chiến trường, nhưng mỗi nước đã có những bước phát triển riêng biệt. Tình hình đó đang đòi hỏi mỗi nước cần phải thành lập một chính đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, trực tiếp đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc mình và chủ động góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của nhân dân 3 nước.

Nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức thiết đó, Đảng đã triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần II họp tại xã Vinh Quang (nay là xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến 19-2-1951 (ảnh). Đại hội tổng kết những thành công và bài học của cách mạng Việt Nam; đề ra nhiệm vụ hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; hoàn thiện đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Dự đại hội có 158 đại biểu chính thức, 33 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 73 vạn đảng viên Việt - Miên - Lào. 

Đại hội thông qua Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ mới của Đảng. Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam; đồng thời, các đảng bộ ở Campuchia và Lào thành lập đảng riêng ở mỗi nước. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị gồm 7 ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại là Tổng Bí thư. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần II, các Hội nghị Trung ương lần I (3-1951), lần II (từ ngày 27-9 đến 5-10-1951), lần III (5-1952), lần IV (1-1953), lần V (11-1953) đã quyết định nhiều vấn đề cụ thể để thúc đẩy cuộc kháng chiến. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương lần I chủ trương thống nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, Hội nghị Trung ương lần IV đưa ra Dự thảo cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam về chính sách ruộng đất và được Hội nghị lần V thông qua. 

Đại hội lần II của Đảng được gọi là Đại hội kháng chiến có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Đảng, đề ra đường lối lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.

(Còn tiếp)
 M.THẢO (tổng hợp tư liệu)

Bài đã đăng:

>> Các kỳ đại hội Đảng

Tin cùng chuyên mục