Đại hội TDTT còn cần thiết?

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 đã khởi tranh trong tháng 11 và khép lại vào giữa tháng 12. Nhằm tăng thêm tính “quan trọng” của sự kiện, những nhà tổ chức đã lồng ghép vào ý nghĩa: Tổng dợt cho SEA Games 2021 mà Hà Nội là thành phố đăng cai.

Tất nhiên, ai cũng biết rằng SEA Games 2021 chỉ là cái cớ, thực tế Đại hội TDTT vẫn phải diễn ra theo chu kỳ 4 năm một lần. Điều đáng tiếc là sau kỳ đại hội lần thứ 7 (2014) do Nam Định cùng một số địa phương ở đồng bằng sông Hồng phối hợp tổ chức, đã có nhiều ý kiến đề nghị xem xét dừng hẳn Đại hội TDTT. Minh chứng cụ thể là đơn vị nhận đăng cai kỳ 8 - An Giang - đã xin rút lui vì không thể tính toán nổi hiệu quả trong việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đại hội. Thế nhưng, thay vì dừng, người ta lại cố tình gắn thêm các “nhiệm vụ” cho Đại hội TDTT để lý giải việc cần thiết phải tổ chức. 

Về lý thuyết, Đại hội TDTT là một dịp “tổng kiểm tra” sự phát triển thể thao của các tỉnh, thành, ngành. Có giai đoạn, nhất là ở thời bao cấp, Đại hội TDTT rất cần thiết. Khi ấy, ngân sách dành cho thể thao được phân bổ từ trung ương xuống địa phương, việc phát triển thể thao mang tính bề rộng theo kiểu “trăm hoa đua nở”, nên cần một đợt “tổng kiểm tra” để đánh giá hiệu quả đầu tư. Trong khi đó, thể thao đỉnh cao hiện nay lại đang cần đi theo hướng chiều sâu, trọng tâm. Nhiều địa phương hiện không còn VĐV đỉnh cao. Ngoài Quân đội và Công an, các ngành cũng không còn những trung tâm huấn luyện như trước. Lấy ví dụ như bóng đá, phổ biến là thế nhưng hiện chỉ có 1/3 số địa phương trên toàn quốc là có CLB chuyên nghiệp thi đấu hạng nhất và V-League. Ý nghĩa của một đợt “tổng kiểm tra” giờ đã không tồn tại. 

Ở góc độ khác, có người lấy ví dụ Olympic hay Asiad để cho rằng, dù có các giải vô địch từng môn thi đấu hàng năm thì vẫn cần có một đại hội thi đấu theo chu kỳ. Thực tế thì không hề giống nhau. Các đại hội thể thao lớn trên thế giới như Asiad hay Olympic, bên cạnh “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn” thì việc quảng bá hình ảnh đất nước đăng cai, giao lưu giữa các dân tộc… cũng có giá trị quan trọng không kém. Một chiếc huy chương ở các sự kiện 4 năm/lần như vậy mang nhiều ý nghĩa tinh thần đối với mỗi VĐV, quốc gia dù họ là nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Thế nhưng, những ý nghĩa của các sự kiện thể thao đỉnh cao thế giới này đều không tương đồng với Đại hội TDTT tại Việt Nam.

Đơn cử như việc đăng cai sự kiện. Trong 7 lần tổ chức, hết 5 lần diễn ra ở Hà Nội, 1 lần diễn ra tại TPHCM, những nơi có sẵn cơ sở vật chất nhưng lại hoàn toàn không có nhu cầu quảng bá hình ảnh thông qua đại hội. Ngược lại, nhiều nhà thi đấu ở Nam Định, Thái Bình, Hà Nam… đang bị bỏ không sau khi đã được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây dựng cho đại hội. Lúc An Giang nhận đăng cai đại hội kỳ 8, ban đầu dự định là để xây dựng cơ sở huấn luyện cho toàn bộ thể thao đồng bằng sông Cửu Long, quảng bá du lịch khu vực, thế nhưng các mục đích tốt đẹp đó đều quá nhỏ bé so với hệ quả có thể nhìn thấy ngay của sự lãng phí hậu sự kiện. Rốt cuộc, An Giang rút lui và Hà Nội buộc phải thế vai.

Ngay cái lý do cuối cùng là chuyên môn cũng không ổn. Trong 36 môn thể thao được đưa vào chương trình đại hội sắp đến, có những môn chỉ còn tồn tại ở dạng phong trào, hoặc mang tính cục bộ. Nhiều môn như bi sắt, bóng ném, golf, khiêu vũ thể thao chỉ hoạt động tại một vài địa phương, đến mức tổ chức giải vô địch quốc gia hàng năm còn khó khăn thì tại sao phải “tổng duyệt” tại đại hội toàn quốc? Rồi câu chuyện nữ kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đang tập huấn ở Mỹ nhưng dự kiến đăng ký thi đấu 17 nội dung cho đoàn thể thao Quân đội. Nếu Ánh Viên thâu tóm phần lớn các HCV thì điều đó có nói lên được sự phát triển của bơi lội Quân đội không?

Tin cùng chuyên mục