Dải phân cách bê tông giữa đường gây họa

Ngày 13-3, nhiều bạn đọc đã gọi đến đường dây nóng Báo SGGP nêu bức xúc về việc dải phân cách bê tông đặt tại phần đường dành cho xe máy lưu thông trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Người dân bức xúc

Qua xác minh, dải phân cách bê tông có chiều ngang gần 5 tấc đặt ngay giữa làn đường xe máy phía dưới cầu Đỗ Xuân Hợp (hướng từ Long Thành về TPHCM, thuộc phường An Phú, quận 2). Do không được sơn phản quang, tối 12-3, một vụ tai nạn giao thông chết người đã xảy ra tại khu vực này. Khi cảnh sát giao thông đang khám nghiệm hiện trường thì ở chiều ngược lại cũng xảy ra một vụ tai nạn giao thông tương tự.

Cô Phương Uyên (nhà ở phường Phú Hữu, quận 9) cho biết: “Tôi thường xuyên qua lại trên tuyến đường này. Vào giờ cao điểm, ùn tắc giao thông, ô tô thường lưu thông vào phần đường này. Do vậy, đơn vị quản lý đường cao tốc đã lắp đặt dải phân cách mềm bằng cao su. Tuy nhiên, ô tô vẫn cán gãy dải phân cách mềm đó để tiếp tục đi vào phần đường dành cho xe máy. Khoảng giữa năm 2018, đơn vị quản lý đường cao tốc đã lắp đặt dải phân cách cứng bằng bê tông. Người đi xe máy đến đây nếu không quen đường, không biết có dải phân cách sẽ rất dễ va đụng khi bị các phương tiện đi trước che mất tầm nhìn”.

Nhiều người đi đường khá bức xúc với dải phân cách bê tông tại khu vực này. Dù với nhiệm vụ gì đi nữa thì dải phân cách này rất nguy hiểm, gây mất an toàn giao thông và hậu quả đã xảy ra. Việc ô tô lưu thông vào đường dành riêng cho xe máy không quá khó xử lý. Bởi lẽ, tuyến đường cao tốc có lắp đặt camera. Đề nghị đơn vị quản lý đường cao tốc di dời ngay dải phân cách bê tông này.

Dải phân cách bê tông giữa đường gây họa ảnh 1 Dải phân cách cứng được đặt giữa làn xe 2 bánh trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây
Việc đặt dải phân cách bê tông giữa làn xe không sơn phản quang gây hiểm họa tai nạn giao thông là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Điều 4 Luật Giao thông đường bộ về nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ quy định: “Hoạt động giao thông đường bộ phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả”.
Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều cung đường không đảm bảo an toàn giao thông do bố trí điều phối giao thông chưa hợp lý, hệ thống biển báo giao thông chưa phát huy tốt hiệu quả. Rất mong ngành giao thông chấn chỉnh ngay những bất ổn, bất cập trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, phân luồng và tổ chức quản lý giao thông, để giảm thiểu tai nạn giao thông.

Điều tra làm rõ nguyên nhân

Trao đổi với PV Báo SGGP, một lãnh đạo Công an quận 2 (TPHCM) cho biết, cơ quan điều tra công an quận đã thụ lý, đang điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của một thanh niên, xảy ra trên làn đường dành riêng cho xe máy ở tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Trước đó, trên mạng xã hội có nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc trước vụ việc này. Dư luận cho rằng, thanh niên này tử vong là vì khối bê tông (dùng làm dải phân cách cứng) đặt bất hợp lý giữa làn đường  xe máy lưu thông, dẫn đến tai nạn cho người đi đường. Vụ tai nạn xảy ra vào chiều tối 12-3. Nạn nhân được xác định là anh Lý Vũ Hảo (26 tuổi, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau).

Chiều 13-3, ông Lê Ngọc Hùng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, Sở GTVT (đơn vị được giao quản lý, khai thác đoạn đường xảy ra vụ việc), cho biết đơn vị đang phối hợp Công an quận 2 lập hồ sơ điều tra, xử lý vụ tai nạn trên.

Theo ông Hùng, khối bê tông dải phân cách trên đã có từ cuối năm 2017 và đây là vụ tai nạn giao thông chết người đầu tiên xảy ra tại khu vực khối bê tông dải phân cách. Về nguyên nhân đặt khối bê tông, ông Hùng giải thích trước đây khi tuyến đường cao tốc kẹt xe thì nhiều ô tô chạy vào làn đường xe máy và thường xảy ra va chạm, gây nguy hiểm cho người đi xe gắn máy. Ban đầu đơn vị cho lắp đặt giá long môn nhưng chỉ ngăn được xe tải, sau đó đặt khối bê tông dải phân cách. Để đảm bảo an toàn giao thông, đơn vị có gắn thêm biển cảnh báo và gắn thêm một số cọc tiêu bằng nhựa dẫn đường trước khối bê tông.

Trả lời thắc mắc về việc tổ chức thẩm định an toàn giao thông khi “chấn” khối bê tông giữa đường, ông Lê Ngọc Hùng cho rằng, yêu cầu thẩm định an toàn giao thông chỉ thực hiện đối các dự án lớn. Ở đây, trong hoạt động duy tu, bảo dưỡng, khi xác định có bất hợp lý (ô tô vào đường riêng của xe máy), đơn vị đưa ra giải pháp xử lý. Phương án này đã được lấy ý kiến và được sự đồng ý của CSGT phụ trách địa bàn và địa phương. Mặc khác, việc ngăn tất cả các loại ô tô đi vào làn đường dành riêng cho xe máy giúp ngăn ngừa các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trước vụ tai nạn này, đơn vị sẽ xem xét thay thế khối bê tông dải phân cách bằng cọc tiêu nhựa dẻo, loại lớn và lắp đặt camera để phối hợp phạt nguội các ô tô cố tình đi vào làn đường dành riêng cho xe máy. Sau thời gian phạt nguội nâng cao ý thức chấp hành của người đi ô tô, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 cũng sẽ cho tháo bỏ các cọc tiêu.

Chiều 13-3, ông Trần Sĩ Thắng, Phó giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã ký văn bản số 244/KQL2-HTGT kiến nghị: Để hạn chế tốc độ lưu thông của xe 2 bánh, gắn máy lưu thông vào tuyến đường cao tốc, kiến nghị thực hiện sơn bổ sung các cụm đôi gờ giảm tốc (khoảng cách giữa 2 cụm đôi là 20m và mỗi cụm gồm 3 vạch dày 6mm); khoảng cách giữa các cụm đôi gờ giảm tốc là 700m; tiếp tục theo dõi tình hình giao thông, sớm triển khai lắp đặt hệ thống camera quan sát giao thông để lực lượng chức năng xử phạt nguội các xe vi phạm… Về lâu dài kiến nghị sớm triển khai đầu tư và đưa vào khai thác đường song hành cao tốc, để tổ chức cho xe 2 bánh lưu thông.

                                                                               QUỐC HÙNG 

Tin cùng chuyên mục