Đại tá “Giàng Seo Mài”

Vào những ngày đầu năm, đến với Khu kinh tế - quốc phòng Trung đoàn 720 (Binh đoàn 16), thuộc xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, nơi có đường biên giới với Campuchia, được tận mắt chứng kiến rừng cao su ngút ngàn vào mùa thay lá, những vườn cà phê trái sum suê, đỏ rực đang vào vụ thu hoạch, những ngôi nhà khang trang của đồng bào các dân tộc sẽ thấy được công sức của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 720.
Đại tá “Giàng Seo Mài”

Vào những ngày đầu năm, đến với Khu kinh tế - quốc phòng Trung đoàn 720 (Binh đoàn 16), thuộc xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, nơi có đường biên giới với Campuchia, được tận mắt chứng kiến rừng cao su ngút ngàn vào mùa thay lá, những vườn cà phê trái sum suê, đỏ rực đang vào vụ thu hoạch, những ngôi nhà khang trang của đồng bào các dân tộc sẽ thấy được công sức của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 720.

“Khai thiên lập địa”

Một trong những người gắn bó với vùng đất này từ những ngày đầu trung đoàn thành lập là Đại tá Vũ Văn Mài, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 720. Với anh, niềm vui lớn nhất là được cống hiến tuổi xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng. Được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào các dân tộc trên mảnh đất Nam Đắk Nông.

Đại tá “Giàng Seo Mài” thăm hỏi dân bản.

Đại tá “Giàng Seo Mài” thăm hỏi dân bản.

Trao đổi với chúng tôi, anh nhớ lại: Cách đây 15 năm, tạm biệt Công ty 74 (Binh đoàn 15), anh nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 720 (Binh đoàn 16). Đơn vị mới thành lập, bắt đầu từ con số không, giữa muôn vàn khó khăn, thử thách, không ít người đã nản chí. Với bản lĩnh của người lính đã được rèn luyện qua thực tiễn, anh đã cùng ban chỉ huy trung đoàn băng rừng, vượt suối, mở đường khảo sát thực địa. Ngày ấy, vùng đất Đắk Ngo còn hoang sơ, cỏ cây rậm rạp, nhìn đâu cũng thấy muỗi, vắt. Vắt bò kín người. Mùa mưa, nước suối cuồn cuộn hung dữ như con thú khát mồi, sẵn sàng cuốn phăng nhà cửa, trâu bò, tài sản của nhân dân. Mùa nắng cháy cây, các dòng suối hầu như cạn kiệt. Nơi miền đất khó nhưng đầy tiềm năng, anh luôn trăn trở làm sao bạt được những quả đồi trọc kia, có đất để làm doanh trại, cấp đất cho dân làm nhà và trồng các loại cây công nghiệp? Bằng cách nào làm được những con đường đi lại trong khu dự án? Làm sao có nước sạch, giữ gìn được sức khỏe bộ đội và nhân dân?... Hàng trăm câu hỏi đặt ra buộc những người lính trung đoàn phải tìm lời giải đáp.

 Bên mái tranh dựng tạm là nơi ở và làm việc của ban chỉ huy trung đoàn, đêm đêm dưới ánh đèn dầu le lói, anh cùng với cấp ủy, chi bộ trao đổi, gợi mở những phương án để tập thể cùng bàn bạc, tìm giải pháp xây dựng vùng dự án. Rất nhiều ý kiến tâm huyết được đưa ra. Nhưng điều quan trọng nhất buổi ban đầu chính là sự quyết tâm và tinh thần đoàn kết, chung sức của cán bộ, chiến sĩ.

Những đôi chân cần mẫn của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn băng đèo, vượt qua sông, suối… Những ngày đội nắng, dầm mưa, những đêm ngủ giữa núi rừng Nam Tây Nguyên lạnh giá, với bàn tay, khối óc và lòng nhiệt huyết của người lính, những lán trại được mọc lên. Chỉ trong thời gian ngắn, hình hài khu dự án kinh tế quốc phòng dần hiện ra, một vùng rừng núi hoang sơ được đánh thức. Trong điều kiện cơ sở vật chất và sinh hoạt ban đầu của đơn vị vô cùng thiếu thốn, lực lượng mỏng, phần lớn còn bỡ ngỡ với nhiệm vụ mới; cán bộ chủ trì một số chưa có kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và quản lý điều hành đơn vị nhưng lãnh đạo chỉ huy trung đoàn đã tập trung lực lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, làm vườn ươm cây giống. Mùa mưa đầu tiên trôi qua, nhìn những mầm xanh vươn lên nơi miền đất khó, những lán trại được dựng lên, cán bộ chiến sĩ vui mừng quên hết những vất vả, khó khăn.

Mời vào đội 8

Năm 2002, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16 giao nhiệm vụ cho trung đoàn tiếp nhận, tổ chức tái định cư cho 312 hộ đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc di cư tự do vào các khu vực rừng núi thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp. Là yêu cầu cấp thiết để kịp thời ngăn chặn nạn phá rừng làm rẫy, nạn xâm cư, di dân tự do. Đặc điểm của đồng bào người Mông là lối sống du canh, du cư. Trong cuộc sống, sinh hoạt còn nhiều hủ tục lạc hậu. Tất cả 312 hộ đều là dân nghèo, tài sản không có gì đáng giá. Một điểm chung là các gia đình đều đông con, nhiều thế hệ chung sống trong một hộ, phụ nữ hầu như không biết tiếng phổ thông. Nơi vùng đất mới, bệnh sốt rét hoành hành trên 60% dân số. Khó khăn chồng chất khó khăn, đơn vị vừa phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, kiến thiết trồng mới vườn cây vừa tuyên truyền, vận động, ổn định cuộc sống cho đồng bào Mông. Trong khi đó, đa số cán bộ, chiến sĩ không biết tiếng dân tộc, chưa có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động bà con định canh, định cư.

27 năm trong quân ngũ, từng trải qua nhiều cương vị khác nhau, từ anh lính binh nhì đến phó giám đốc công ty, áp lực công việc và nhiều khó khăn trong công việc, cuộc sống nhưng chưa khi nào anh cảm thấy căng thẳng như khi thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận đồng bào Mông về tái định cư trong vùng dự án của trung đoàn. Nhiều đêm anh thức trắng, trăn trở, suy nghĩ mình phải làm gì để ổn định cuộc sống bà con nơi vùng đất mới. Suy nghĩ và hành động. Tranh thủ thời gian triển khai, kiểm tra, đôn đốc đơn vị thực hiện nhiệm vụ, tập trung chăm sóc vườn cây giống, anh cùng cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên không quản ngày đêm, nắng cũng như mưa đến từng nhà dân, tuyên truyền vận động, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào làm nhà ở, xây dựng các công trình vệ sinh, khai hoang, trồng các cây lương thực ngắn ngày, định hướng cho đồng bào xây dựng vườn cây công nghiệp, tạo thu nhập ổn định, làm vườn ươm cây giống để hỗ trợ cho đồng bào. Định kỳ đội ngũ y, bác sĩ cùng cán bộ xuống các bản làng khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào, hướng dẫn đồng bào giữ vệ sinh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

Ngày nối ngày, từng ngôi nhà xinh xinh che nắng che mưa mọc lên bên dòng suối Đắk Ngo ổn định cuộc sống trước mắt cho đồng bào. Mỗi căn nhà mọc lên, niềm vui trên gương mặt của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn như được nhân đôi. Từng vạt đất nghèo, từng bãi cỏ tranh dần được thay thế bằng những vạt ngô, nương lúa. Mỗi buổi sớm mai, bản làng người Mông được nghe tiếng chú gà trống gọi ông mặt trời thức dậy râm ran khắp nơi. Trẻ em tung tăng cắp sách tới trường. Bảy lần trăng tròn, rồi khuyết, tiếng chim sẻ ríu rít gọi bầy báo hiệu vụ thu hoạch mùa vàng đầu tiên của đồng bào Mông trên miền đất mới.

Kỷ niệm khó quên nhất đối với anh đó là tháng 11-2002, khi đang tập huấn tạo hình vườn cây cà phê cho đơn vị thì một cháu nhỏ khoảng 12 tuổi đưa cho mảnh giấy ghi nguệch ngoạc dòng chữ “Mời Mài vào đội 8”. Anh đang băn khoăn, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra trong đồng bào, vội lấy xe máy chạy thẳng vào đội 8 (lúc ấy chưa có điện thoại di động). Lúc này, nhà Ma Seo Vảng rất đông người tụ tập. Đến nơi, Ma Seo Vảng ra bắt tay mời anh vào nhà bằng giọng nói tiếng phổ thông chưa sõi: “Nhà mình nay làm cơm mừng lúa mới, vụ này mình được 20 bao, đủ ăn cả năm rồi. Cảm ơn Mài và Bộ đội Trung đoàn 720 đấy, bộ đội tốt cái bụng, mình mới được như thế, nay mời Mài vào ăn cơm mới, Mài phải ăn nhiều vào nhé, cho no cái bụng còn dạy mình cách trồng cây để sang năm được nhiều lúa nhé”.

Lúc này anh mới hiểu, mảnh giấy cháu bé đưa vừa rồi là giấy của gia đình anh Ma Seo Vảng mời anh đến dự bữa cơm mừng lúa mới. Ăn cơm cùng đĩa thịt gà do gia đình Ma Seo Vảng nuôi, anh được chủ nhà cho biết đó là bữa cơm no nhất từ khi đến định cư tại đây và ngon nhất trong cuộc đời du canh du cư của gia đình. Và niềm vui nhất là có bộ đội Mài đến dự. Lúc chia tay, vợ Ma Seo Vảng đưa cho anh một túi nải bên trong đựng khoảng 3kg gạo, chị nói “O chầu Mài” (cảm ơn Mài). Anh ngần ngại không muốn nhận vì thấy chủ nhà còn khó khăn quá, nhưng vợ chồng Ma Seo Vảng bắt phải nhận vì không biết lấy gì để cảm ơn “bộ đội Cụ Hồ” ở Đắk Ngo mà chỉ có ít gạo mới làm quà để tặng bộ đội thôi.

Những ngày sau đó, nhiều gia đình trong bản cũng làm cơm mừng lúa mới và mời cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đến dự. Mặc dù công việc rất bận, nhưng anh luôn cố gắng đến với bà con và phân công cán bộ, chiến sĩ tới dự cùng đồng bào. Bên ché rượu cần và mâm cơm mới, anh cùng cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã khéo léo lồng ghép nội dung tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ lối sống du canh, du cư và những hủ tục lạc hậu, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong lễ mừng lúa mới, nhà nào có bộ đội đến dự thì vui như ngày hội. Bài hát Người Mèo ơn Đảng, Bộ đội về làng, Xôn xao làng tôi bé nhỏ vang lên dập dìu cùng nhịp khèn trong điệu múa xúng xính xòe hoa của chị em người Mông nơi miền đất mới.

Tình quân dân

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, trăng tròn rồi trăng khuyết, đã hơn 10 mùa cà phê chín đỏ, những rừng cao su ngút ngàn, những cánh đồng lúa chín vàng trĩu hạt. Làng đồng bào người Mông ở Đắk Ngo giờ đã có 3 bản: Giang Châu, Sín Chải, Si Át. Nhiều ngôi nhà xây kiên cố mọc lên với những tiện nghi đắt tiền. Thu nhập hàng năm bình quân của bà con hàng trăm triệu đồng. Trẻ em tung tăng cắp sách đến trường, miệng vang khúc hát Cháu yêu chú bộ đội; đêm về điện sáng lung linh khắp các bản làng thay thế ánh đèn dầu le lói, đưa ánh sáng văn minh của Đảng về vùng sâu, vùng xa. Cuộc sống của đồng bào đã nhiều đổi thay, nhưng bà con không quên ơn người đã cưu mang, giúp đỡ, hướng dẫn, tận tình chỉ bảo cách làm giàu chính đáng, đó là những người lính bộ đội Cụ Hồ của Trung đoàn 720 - Binh đoàn 16. Và như thường lệ, vào mỗi dịp thu hoạch lúa mới, hay gia đình có tin vui, đồng bào lại mời bộ đội cùng vui.

Những lúc có chuyện buồn, những khó khăn, vướng mắc, bộ đội trung đoàn luôn là người chia sẻ, động viên để đồng bào yên tâm vượt khó; bộ đội vui trong niềm vui của dân bản, đồng bào tin tưởng vào bộ đội. Hàng năm, trung đoàn tổ chức các đợt hội thao, hội diễn, tiếng hát, lời ca, điệu múa của các chiến sĩ trung đoàn cùng các thiếu nữ Mông, M’nông tay trong tay đắm say trong nhịp khèn khiến lòng ai cũng thấy xao xuyến và là hình ảnh đẹp về tình đoàn kết quân dân.

Giữa núi rừng cao nguyên hùng vĩ, trên vùng đất Nam Đắk Nông, tình đất, tình người được hòa quyện vào nhau. Đại tá Vũ Văn Mài được đồng bào tin yêu, quý mến như người thân của thôn bản và được đặt cho cái tên Giàng Seo Mài. Trung đoàn 720 đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba. Bản thân Đại tá Vũ Văn Mài nhiều năm liên tục là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, toàn quân, toàn quốc và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Nhưng với anh, phần thưởng lớn nhất chính là được nhân dân tin yêu, quý mến. Anh là người đã cùng đơn vị đem tết về trên vùng đất Đắk Ngo.

NGUYỄN MẠNH CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục