Đắk Nông kiên cố hóa cầu dân sinh

Thời gian qua, nhiều cây cầu dân sinh tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Đắk Nông đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhất là trong mùa mưa lũ. 
Vì vậy, việc kiên cố hóa các cây cầu dân sinh có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đảm bảo an toàn giao thông mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các khu vực này.
Bắc ngang qua suối Đắk Nhu, cây cầu gỗ bon Jăng Play II phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của hơn 300 hộ dân ở thôn 6, bon Bu Pah, xã Trường Xuân (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) và một số khu vực lân cận. Do đã xây dựng từ lâu, cầu bon Jăng Play II đã xuống cấp nghiêm trọng, chân cầu không còn chắc chắn, cáp cột chân cầu với các trục gỗ chính nằm dọc trên cầu đã và đang bắt đầu rời rạc. Trên mặt cầu, các thanh gỗ nằm ngang đã bung ra khỏi trục chính, nhiều thanh gỗ hở toác, mục nát tạo ra những khe hở, lỗ hổng lớn trên bề mặt. Cầu không có lan can bảo vệ nên việc đi lại của người dân hết sức khó khăn và nguy hiểm.
Đắk Nông kiên cố hóa cầu dân sinh ảnh 1 Cây cầu do dân tự làm đã xuống cấp, khiến việc đi lại gặp khó khăn và nguy hiểm
Ông Hoàng Văn Doanh, Trưởng bon Bu Pah, xã Trường Xuân kể: “Những năm qua, việc đi lại của hàng trăm hộ dân ở địa phương gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Nhiều lần cây cầu bị lật, kéo cả người dân, xe cộ và hàng hóa xuống suối. Nhiều tài sản của người dân đã bị dòng nước cuốn trôi”. Trước tình trạng cầu xuống cấp, hư hỏng nặng, các hộ dân địa phương đã cùng nhau góp sức để tu sửa lại cầu. Nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, các cây cầu gỗ dựng lên chỉ là cầu tạm, nhanh chóng hư hỏng chỉ sau một thời gian ngắn. Theo người dân địa phương, mỗi cây cầu gỗ chỉ có tuổi thọ trung bình khoảng 2 năm. 
Ngoài cầu bon Jăng Play II, trên địa bàn xã Trường Xuân còn nhiều cây cầu dân sinh khác đã và đang hư hỏng, xuống cấp như cầu bon Bu Pah và cầu thôn 8. Theo ông Phạm Quốc Thụy, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân thì hiện 3 cây cầu trên đang phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất của trên 700 hộ dân trong xã. Do đã hư hỏng, xuống cấp nên những cây cầu này có thể bị sập, bị cuốn theo dòng nước bất kỳ lúc nào. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, những cây cầu này cũng đang gây ra nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 
Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Sở GTVT tỉnh Đắk Nông khởi công xây dựng 8 cầu dân sinh trên địa bàn huyện Đắk Song. Bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới, 8 cây cầu mới được kiên cố hóa với tổng kinh phí gần 12,6 tỷ đồng, sẽ thay thế các cây cầu cũ đã hư hỏng xuống cấp. Riêng xã Trường Xuân, cả 3 cây cầu: bon Jăng Play II, bon Bu Pah và cầu thôn 8 đều sẽ được xây dựng cầu cứng với chiều rộng 3,5m, dài trên 20m với tổng kinh phí gần 5,9 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Phò, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song kỳ vọng, việc đầu tư 8 cây cầu này, khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho bà con các dân tộc trên địa bàn huyện trong việc vận chuyển hàng hóa, đi lại, nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Còn theo ông Nguyễn Nhân Bản, Phó Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông, nhu cầu sửa chữa đầu tư trên hệ thống cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh là rất lớn, khoảng hơn 140 cầu với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ kiên cố hóa 59 cây cầu dân sinh với tổng kinh phí gần 78 tỷ đồng. “Việc đầu tư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho bà con trong quá trình vận chuyển hàng hóa, phục vụ dân sinh và đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Đây là ý nghĩa hết sức to lớn trong điều kiện tỉnh còn khó khăn như hiện nay”, ông Nguyễn Nhân Bản cho biết .

Tin cùng chuyên mục