Đảm bảo an toàn cho người tham gia lễ hội

Chưa có nước nào trên thế giới có nhiều lễ hội như ở Việt Nam. Cứ một ngày trôi qua, nước ta có 20 lễ hội ở các địa phương. Những lễ hội có từ lâu đời mang tính truyền thống tâm linh, nhưng có cả lễ hội dạng “phú quí sinh lễ nghĩa” mới được con người “dựng” nên.

Chưa có nước nào trên thế giới có nhiều lễ hội như ở Việt Nam. Cứ một ngày trôi qua, nước ta có 20 lễ hội ở các địa phương. Những lễ hội có từ lâu đời mang tính truyền thống tâm linh, nhưng có cả lễ hội dạng “phú quí sinh lễ nghĩa” mới được con người “dựng” nên.

Vấn đề không phải là nhiều hay ít lễ hội, mà cách quản lý xã hội đối với lễ hội ở mỗi chính quyền địa phương thế nào cho đúng, để nhân dân thấy việc đi lễ hội vừa là nét đẹp văn hóa truyền thống hiếu nghĩa nhân ái, vừa là điểm tựa tinh thần trong đời sống tâm linh.

Nhìn tấm ảnh hàng ngàn người la hét chìa tiền qua hàng rào xin mua ấn cũng đủ để nói lên sự bất lực của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Thật thảm thương cho những người đi lễ hội bị giẫm đạp hoặc bị biển người gò ép đến chết ngất, ngạt thở mà không thể thoát thân.

Thay vì đến lễ hội để an tịnh tinh thần, nguyện cầu may mắn thì lại bị cực hình vì xô đẩy chen lấn, bị quán hàng chặt chém, kẻ cắp móc túi hoặc cướp giựt, cò mồi lừa gạt, nạn cờ bạc đỏ đen sát phạt nhau, nạn mê tín dị đoan, thậm chí “nở” cả dịch vụ “tươi mát”. Bởi thế người dân đi những lễ hội lớn như lễ hội khai ấn ở Nam Định, lễ cầu lộc cầu tài ở đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, chợ Làng Viềng ở Ninh Bình, lễ hội chùa Hương nhiều khi cảm thấy kinh hoàng.

Sau lễ hội, hàng loạt vấn đề kéo theo như ô nhiễm môi trường, rác thải, đời sống người dân địa phương đảo lộn vì lễ hội kéo dài. Những tiêu cực trong lễ hội qua hàng năm như “lối mòn lạc hậu khó sửa” mà nó còn được phát triển theo chiều hướng tiêu cực hơn nếu không có bàn tay chấn chỉnh nghiêm túc kịp thời và quyết liệt của sở văn hóa thông tin thể thao và du lịch và chính quyền địa phương sở tại.

Thiết nghĩ, để lễ hội thực sự là nét đẹp văn hóa lành mạnh, nhất thiết phải bảo đảm an toàn cho người đi lễ hội, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan, cờ bạc, nạn chặt chém, cò mồi, lừa gạt. Cơ quan công an địa phương phải vào cuộc và cần nâng cao ý thức của chính những người đi lễ hội.

Mai Thắng

  • Đừng để mình thành người cuồng tín

Dư luận thực sự sốc trước những hình ảnh mà báo chí đưa tin về lễ hội khai ấn đền Trần ở Nam Định với cảnh người dân chen lấn, xô đẩy để được tiến vào bên trong và giành nhau để mua ấn của ban tổ chức. Không ít người bị ngất xỉu. Một lễ hội văn hóa nhưng trở thành mất văn hóa bởi sự biến tướng trong việc tổ chức nhằm trục lợi cho không ít người và những người đi lễ hội trở thành những kẻ cuồng tín, ứng xử phi văn hóa với cộng đồng xung quanh.

Lễ khai ấn các vua Trần mở ra mục đích là mở đầu một năm làm việc nhiều may mắn, an khang thịnh vượng. Nhưng giờ đây lễ khai ấn bị biến tướng bởi nhận thức của người dân là hễ ai nhận được ấn sẽ làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức. Nhiều người đi xin ấn với mong muốn thăng quan tiến chức mà không phải nhờ vào năng lực bản thân, vào tài năng nhưng vẫn được toại nguyện, có cơ hội thu vén lợi lộc.

Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 162/CĐ-TTg về công tác quản lý và tổ chức lễ hội gửi thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những sai phạm trong lĩnh vực tổ chức và quản lý lễ hội. Tuy nhiên qua lễ hội khai ấn đền Trần cho thấy ban tổ chức đã không thực hiện tốt nhiệm vụ. Để xảy ra cảnh giẫm đạp, chen lấn tiềm ẩn nguy cơ gây nên chết người hàng loạt là điều ban  tổ chức lễ hội cần rút kinh nghiệm. Ngoài ra người dân cũng phải tự nâng cao ý thức của mình, không nên có sự cuồng tín trong suy nghĩ cũng như cần thể hiện mình là người có văn hóa khi tham gia các lễ hội văn hóa.

Văn Thy Hoàng
(Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo Hội An, Quảng Nam)

Tin cùng chuyên mục