Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Chưa có giải pháp toàn diện

Ngày 30-1, hai nền kinh tế nhất nhì thế giới bắt đầu cuộc đàm phán cấp cao nhất từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý 90 ngày “đình chiến” từ đầu tháng trước.
Các công ty sản xuất tại Mỹ bị ảnh hưởng vì thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc
Các công ty sản xuất tại Mỹ bị ảnh hưởng vì thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc

 Cuộc thương lượng sẽ kéo dài trong 2 ngày tại thủ đô Washington nhằm đạt thỏa thuận về một cơ chế giám sát, buộc Trung Quốc thực hiện các cải tổ như cam kết.

Khó đoán

Thông báo của Nhà Trắng cho biết, phía Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer dẫn đầu, còn đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc chỉ đạo. Theo Bloomberg, có 3 kịch bản có thể xảy ra sau khi cuộc đàm phán kết thúc: đạt được thỏa thuận, có đột phá và thất bại vì không thỏa thuận được.

Trong kịch bản đầu tiên, dù ông R.Lighthizer và ông Lưu Hạc đạt được một thỏa thuận, 2 bên vẫn sẽ cần thời gian để báo cáo ông Tập Cận Bình và ông Donald Trump. Sau đó, 2 vị lãnh đạo sẽ quyết định xem có chấp thuận không. Đừng kỳ vọng nhiều vào các giải thích của ông Lưu Hạc hay Lighthizer, những người hiếm khi tiết lộ chi tiết về các cuộc đàm phán. Điều này đồng nghĩa với việc dư luận khó biết được những tiến triển trong quá trình đàm phán đã được thực hiện thế nào. Các quan chức cho biết sẽ tổ chức thêm vòng đàm phán. Điều này sẽ là một dấu hiệu cho thấy hai bên vẫn nghĩ có thể đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót ngày 1-3, ngay cả khi họ không chấp nhận toàn bộ điều khoản.

Một kết quả khác có thể xảy ra nếu 2 bên đồng ý gặp nhau lại là một sự gia hạn cho thỏa thuận đình chiến thuế quan. Trong trường hợp thứ 2, người Trung Quốc sẽ đem đến bàn đàm phán với một đề nghị cải cách kinh tế. Điều này có thể đủ để Nhà Trắng thực hiện một thỏa thuận về nguyên tắc và thị trường sẽ tăng trở lại sau những tháng căng thẳng do ảnh hưởng của một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Cuối cùng, nếu không có một tuyên bố nào về kết quả cuộc đàm phán được đưa ra, ông Donald Trump có thể đăng lên Twitter những dòng trạng thái bày tỏ thất vọng về sự thiếu tiến triển.

Ít tín hiệu tích cực

Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trước cuộc đàm phán thương mại diễn ra tại Washington ngày 30-1 (giờ địa phương). Cuối phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo của Nhật Bản giảm 0,5% xuống còn 20.556,54 điểm, chỉ số Hang Seng ở thị trường Hong Kong của Trung Quốc tăng 0,4% lên 27.642,85 điểm và chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải của Trung Quốc giảm 0,7% xuống còn 2.575,58 điểm. Trong khi đó, các thị trường Wellington của New Zealand, Singapore, Mumbai của Ấn Độ và Manila của Philippines đều giảm điểm, trong khi thị trường Sydney của Australia tăng 0,2% và thị trường Seoul của Hàn Quốc tăng 1%.

Nhà phân tích David Madden thuộc CMC Markets, nhận định, các nhà đầu tư đang “án binh bất động” trong bối cảnh những hy vọng về khả năng cuộc đàm phán này sẽ đạt được tiến triển là không cao.

Cùng ngày, Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết, cơ quan này đang điều tra nghi vấn hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc tại hầu hết trong tổng số 56 văn phòng của FBI trên toàn nước Mỹ. Theo Giám đốc FBI, “Trung Quốc là mối đe dọa gián điệp đáng kể nhất” đối với Mỹ. 

Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố 2 bản cáo trạng với tổng cộng 23 cáo buộc đối với Tập đoàn Công nghệ Huawei của Trung Quốc, các công ty con của tập đoàn này cũng như Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Chu. Chính phủ Canada tuyên bố đã nhận được yêu cầu chính thức của Mỹ về việc dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu. Theo kế hoạch, phiên tòa ngày 6-2 sẽ quyết định ngày ra tòa tiếp theo của bà Mạnh Vãn Chu, nhưng thẩm phán đã dời lịch sang ngày 6-3 để Bộ Tư pháp Canada quyết định xem liệu có đồng ý với yêu cầu dẫn độ của Mỹ từ ngày 1-3 không.

Tin cùng chuyên mục