Đàn bò ở bãi bồi

Từ ngã ba Giao Thủy, sông Thu Bồn chảy qua cắt đôi hai xã Điện Quang và Điện Thọ (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), hình thành một bãi bồi cao. Nơi ấy, người dân lấy việc phát triển chăn nuôi bò trở thành kinh tế chính.
Đàn bò ở bãi bồi

Từ ngã ba Giao Thủy, sông Thu Bồn chảy qua cắt đôi hai xã Điện Quang và Điện Thọ (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), hình thành một bãi bồi cao. Nơi ấy, người dân lấy việc phát triển chăn nuôi bò trở thành kinh tế chính.

Những câu lạc bộ chăn nuôi

Những ngày đầu năm Bính Thân 2016, chúng tôi về xã Điện Thọ và gặp người dân đang chuẩn bị tổ chức lễ cầu mưa thuận gió hòa, chăn nuôi ngày càng khấm khá. Ông Lê Hữu Ái, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thọ, vui mừng: “Nhờ có các câu lạc bộ nuôi bò độc đáo nên số lượng bò trong xã ngày càng tăng, người dân tham gia vào câu lạc bộ hầu hết đã thoát nghèo. Hiện toàn xã có 3 câu lạc bộ nuôi bò, gồm; Kỳ Long, Kỳ Lam và thôn Tây với tổng đàn gần 500 con; trong đó, Câu lạc bộ Kỳ Long có đến 350 con bò, với 45 hộ tham gia”.

Với tổng diện tích bãi bồi 70ha và khoảng 4ha trồng cỏ, mỗi hộ nuôi bò tự lập chuồng trại, tham gia câu lạc bộ để khuyến khích nâng cao chất lượng bò thịt, không sử dụng chất tăng trưởng, chỉ nuôi bằng cỏ và các sản phẩm từ cây trồng như bắp, đậu… Ông Nguyễn Thanh Tá, Trưởng Câu lạc bộ Kỳ Long, cho biết: “Trước kia, bãi bồi này bỏ hoang. Đến khi tôi đưa vài con bò đến nuôi, nhiều người bắt đầu làm theo và hiện có tổng đàn nhiều nhất với thu nhập trung bình mỗi hộ khoảng 50 triệu đồng/năm”.

Anh Nguyễn Thanh Tuấn với đàn bò 25 con thả nuôi trên bãi bồi.

Ở địa phương này, bà con ngưỡng mộ tay nghề của anh Nguyễn Thanh Tuấn, 43 tuổi, thành viên Câu lạc bộ Kỳ Long, với đàn bò 25 con. Anh Tuấn vốn là thợ xây dựng, công việc theo thời vụ, thu nhập chẳng bao nhiều nên anh quay về làm ruộng trên 3ha đất. Khi thấy nuôi bò có lãi, anh đầu tư đàn bò nuôi ở bãi bồi. Mỗi năm xuất bán 1-2 lứa, với giá 40 triệu đồng/con.

Hộ chị Nguyễn Thị Xuân, 46 tuổi, xã Điện Thọ, cũng đang nuôi 12 con bò. Chị Xuân cho biết: “Từ số vốn ban đầu 60 triệu đồng, tôi mua 4 con bò; đến nay đàn bò được 12 con, mỗi năm bán chừng 5 con cũng lời được 50 triệu đồng”.

Ngoài việc tạo điều kiện cho người dân làm giàu từ chăn nuôi, các câu lạc bộ cũng có “luật bãi bồi”, quy định thưởng phạt để nâng cao chất lượng bò nuôi. Theo ông Tá, hàng năm mỗi hộ góp vào “quỹ” 60.000 đồng, nếu chăn nuôi đúng kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ… sẽ được trích quỹ ra thưởng. Trường hợp phát hiện hộ không thực hiện tiêm phòng, sử dụng chất tăng trưởng sẽ khai trừ khỏi câu lạc bộ.

Bảo hiểm rủi ro

Bên kia dòng Thu Bồn là xã Điện Quang và từ năm 2009, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp đã vận động người dân đóng bảo hiểm cho bò. Ông Phan Tín, Phó Giám đốc HTX, cho biết: “Thời điểm trên, HTX đề xuất ý tưởng trên với mong muốn xây dựng đàn gia súc ổn định và phát triển chăn nuôi, chia sẻ rủi ro với nông dân trong trường hợp bò chết hoặc có dịch bệnh”. Theo đó, người dân đóng bảo hiểm cho bò sẽ được hỗ trợ đến 80% nếu bò chết. Khi xảy ra dịch bệnh sẽ được HTX hỗ trợ tiêm chủng đến khi hết bệnh. Năm 2009, chỉ khoảng 500 con bò tham gia bảo hiểm, đến nay đã trên 2.000 con được đóng bảo hiểm với giá 450.000 đồng/con/năm, tham gia từ con bò thứ 3 trở lên, tiền bảo hiểm sẽ được giảm 15%.

Anh Nguyễn Văn Đại, cán bộ quản lý bảo hiểm bò, phân tích: “Để nuôi một con bò đến thời điểm xuất bán phải mất hơn 1 năm mới đạt trọng lượng 160-190kg. Với giá bán 180.000 đồng/kg, nếu bò chết, người nuôi sẽ mất hoàn bộ số vốn và công sức bỏ ra. Còn tham gia bảo hiểm sẽ được thanh toán 80% giá trị nếu bò chết. Chúng tôi có nhiệm vụ cân, đo đúng để hoàn trả. Trong dịch vụ thú ý trọn gói, nhà nước hỗ trợ mỗi con 120.000 đồng để tiêm phòng, tiêm thuốc bổ… Đến cuối năm, nếu còn dư tiền sẽ trả lại cho dân”.

Tại xã Điện Quang, có 90% số hộ dân nuôi bò nhốt chuồng, đảm bảo môi trường với 4.200 con. Và xã Điện Thọ cũng đang “học hỏi” cách làm này từ xã Điện Quang. Ông Mai Tấn Hùng, Trưởng trạm Thú y xã Điện Thọ, cho biết, thời gian tới, chúng tôi dự kiến đưa ra mô hình “đóng bảo hiểm tự nguyện cho bò” với mức 500.000 đồng/con để hỗ trợ rủi ro cho bà con chăn nuôi

PHÚ NHIÊU

Tin cùng chuyên mục