Dân lo hết đất trồng đào

Mỗi mùa tết đến, xuân về, người nông dân trồng đào ở La Cả, phường Dương Nội, quân Hà Đông (cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km) lại nơm nớp nỗi lo “bị đuổi” vì các dự án quy hoạch. 
Cánh đồng đào tết ở xã Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm - Hà Nội, sau tết sẽ lại biến mất vì đã nằm trong quy hoạch
Cánh đồng đào tết ở xã Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm - Hà Nội, sau tết sẽ lại biến mất vì đã nằm trong quy hoạch

Chung cư, biệt thự, siêu thị o ép làng đào

10 năm trước, làng trồng đào lớn nhất Hà Nội là La Cả. Ở thời điểm đó, làng đào La Cả còn lớn hơn cả làng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) sau khi hàng trăm hécta đất chuyên trồng đào ở Nhật Tân phải nhường lại mặt bằng cho các dự án khu đô thị mới, chung cư, biệt thự, mở đường giao thông. 

Nhưng bây giờ, cả cánh đồng đào rộng hàng trăm hécta ở Dương Nội (Hà Đông) cũng phải chung số phận như từng xảy ra ở Nhật Tân, Xuân La, Phú Thượng (Tây Hồ) khi có hàng chục dự án lớn nhỏ được vẽ quy hoạch, lần lượt triển khai, xé nát làng đào suốt nhiều năm qua. 

Theo thống kê, cả phường Dương Nội hiện có khoảng 585ha với tổng dân số là hơn 23.000 người, trong đó có tới 70% - 80% từng làm nông nghiệp, sống nhờ trồng đào. Nhưng trong tổng số hơn 585ha đất có gần 200ha đã thuộc về dự án Khu đô thị mới Nam Cường. Số còn lại cũng đã nằm gọn trong quy hoạch của hàng loạt dự án mà chính người dân ở đây cũng còn không nhớ hết tên, như: Siêu thị Aeon Mall Hà Đông, Khu đô thị mới Geleximco, dự án đường Lê Trọng Tấn, đường Ngô Thì Nhậm, đường Lê Quang Đạo kéo dài… Rồi vô số chung cư, nhà liền kề, khu đất dịch vụ. Lúc cao điểm, từng có tới 18 dự án muốn nhảy vào cánh đồng đào La Cả. 

Bây giờ, Dương Nội “chẳng còn sót lại thẻo đất nào để trồng đào nữa”, nên nhiều năm qua, nông dân ở đây phải “chạy” sang xã Đại Mỗ bên cạnh, thuộc quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để thuê lại đất, tiếp tục giữ nghề. 

Sau khoảng 3-4 năm, những người nông dân ở La Cả - Dương Nội lại gây dựng được một cánh đồng đào rất đẹp và rộng hàng chục hécta ở xã Đại Mỗ (nằm ở phía Nam sân vận động Mỹ Đình) thì năm trước, dự án khu chung cư của Tập đoàn FLC và rất nhiều dự án khác cũng triển khai. Thế là cả cánh đồng đào tươi tốt lại hóa thành đại công trường ngổn ngang, mù mịt. Các chủ vườn đào lại “chân ướt chân ráo” bốc hàng ngàn gốc đào từ xã Đại Mỗ sang xã Tây Mô bên cạnh. Nhưng bây giờ thì ở Tây Mỗ, các dự án khu đô thị mới cũng bắt đầu triển khai, khắp nơi đâu cũng ngổn ngang công trường. 

Lòng vòng đuổi - chạy

“Khổ lắm, đào vừa trồng được 1-2 năm, chưa ấm chân, chưa quen đất lại phải nhổ lên, chạy sang nơi khác trồng”, vừa tuốt bớt những cánh hoa nở sớm, ông Nguyễn Văn Sơn, gần 60 tuổi, một nông dân nhiều năm trồng đào ở làng La Cả (Dương Nội) hiện đang thuê lại 5 mảnh ruộng ở xã Đại Mỗ, cạnh Khu đô thị Nam Cường và dự án đường Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), than thở. Chỉ tay về phía cánh đồng giáp dự án khu siêu thị Aeon Mall và chung cư của Tập đoàn FLC, ông Sơn bảo: “Độ này năm ngoái, bên đó hoa đào vẫn đang nở thắm, nhưng năm nay tan hoang rồi”. 

Còn bà Nguyễn Thị Mai, ngoài 50 tuổi, đang chăm vườn đào bên cạnh với khoảng 550 gốc, được trồng trên 4 sào ruộng đi thuê của người dân Đại Mỗ, cho biết, quanh La Cả bây giờ không còn chỗ nào không nằm trong quy hoạch khu đô thị, nên để chắc ăn, những chủ hộ trồng đào thế, đào rừng ghép mắt ở La Cả phải “sơ tán” hàng ngàn gốc đào bạc triệu về tận làng Ngãi Cầu, thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức - cách Dương Nội khoảng 5 - 7km, để né quy hoạch (mà cũng không biết được bao lâu nữa).

Thế nhưng, đi thuê ruộng xa nhà 5 - 7km thì không chỉ tốn thêm tiền (giá thuê 3 - 5 triệu đồng/sào Bắc bộ) mà theo bà Mai, còn rất khó nhọc do đi lại xa, bất tiện khi chăm sóc. “Gần tết, mỗi gốc đào xấu cũng có giá 1,5 - 2 triệu đồng nếu bán tại vườn, chỉ sơ sểnh cái là mất trắng ngay, nên gia đình nào cũng phải dựng tạm cái lều bạt ngay trên ruộng, đêm cắt cử người ngủ lại để trông coi”. Bà Mai kể, cách 2 hôm trước, vườn đào bên cạnh bị 3 thanh niên ở Khu đô thị Mỗ Lao - Hà Đông lẻn vào nhổ trộm, may là người dân kịp thời bắt được, chậm chân thì tiêu cả chục triệu đồng. 

Nói về vườn đào đang thuê lại những mảnh ruộng nằm vương vãi do những nhát chém quy hoạch cạnh đường vào siêu thị Aeon Mall, chị Trần Thị Nga, ở thôn Ỷ La, làng La Cả (Dương Nội), bảo: “Cũng chẳng biết khi nào chỗ này bay nốt vì chung cư, biệt thự đã đóng cọc đến sát nách rồi”. Theo chị, được mùa đào thì nông dân rất phấn khởi, nhưng để bán được giá cao thì hoa phải đẹp, nụ phải to, cành phải mập. Để có vườn đào đẹp thì phải mất chừng 5 - 7 năm cải tạo đất, khử chua, đánh luống, trừ cỏ dại. Mỗi lần di dời, chạy quy hoạch là lại tốn kém không khác một lần cháy nhà. “Nhưng khi thu hồi lại ruộng, nhà đầu tư chỉ hỗ trợ khoảng 100.000 đồng/cây đào cành, thậm chí loại xấu chỉ được 20.000 - 30.000 đồng”, chị Nga cho biết. 

Trồng hoa kiểng, chăn nuôi cũng như ăn ở, phải an cư mới lạc nghiệp. Những nông dân ở La Cả - Dương Nội cho biết, họ có 20 năm kinh nghiệm trồng đào thì mới có được đào đẹp mà lại không có đất dụng võ. Quy hoạch, dự án cứ “đuổi” họ mãi. Còn ở nơi khác, có khi ruộng vườn bỏ hoang, nông dân cũng chẳng mặn mà đào quất, vì họ không rành nghề. Đô thị hóa, mở rộng quy hoạch là không tránh khỏi ở vùng ngoại ô, nhưng trong quy hoạch đô thị không thể bỏ mặc quy hoạch nông nghiệp - sinh thái. Điều này không riêng gì Hà Nội, đây là tình trạng chung ở nhiều địa phương khác trong cả nước hiện nay. Cần tính toán kỹ khi quy hoạch để đảm bảo người nông dân không bị mất kế sinh nhai, lại phát huy được các lợi thế, hiệu quả kinh tế.

Tin cùng chuyên mục