Dân tụ tập, chặn xe dịch vụ chở đoàn công binh đi rà phá bom mìn cho dự án điện mặt trời

Có khoảng 75 đến 80 hộ dân tại địa bàn xã Mỹ Thắng vẫn đang dựng lều, tụ tập cắt phiên nhau canh giữ chiếc xe dịch vụ chở đoàn công binh đi khảo sát, rà phá bom mìn để triển khai Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ (tại 2 xã Mỹ Thắng và Mỹ An).

Dân lo dự án choáng hết đất

Thông tin PV Báo SGGP nhận được vào đầu giờ chiều 12-11, người dân tại xã Mỹ Thắng vẫn đang chặn giữ chiếc xe ô tô của đoàn khảo sát, kiểm tra, rà phá bom mìn, phục vụ cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ.

Khu vực người dân tụ tập, chặn giữ xe của đoàn khảo sát nằm tại thôn 8 Đông (xã Mỹ Thắng), trên đường DT639. Có khoảng 70 đến 80 người dân, chủ yếu là dân ở 3 thôn 7, 8, 9 (xã Mỹ Thắng).

Hàng chục người dân vẫn đang dựng lều bên đường DT639 để canh giữ xe chờ công binh rà phá bom mìn

Trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện các hộ dân cho biết: Lý do chúng tôi phản đối là vì, lo rằng dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường, đổ thải ra biển, làm cho cá, tôm đang nuôi bị ảnh hưởng. Ngoài ra, chúng tôi lo dự án lấy nhiều diện tích đất sẽ choáng hết diện tích sinh sống của con em, chúng tôi sẽ giữ đất cho con cháu sau này. Biết là đất của Nhà nước nhưng từ nghìn đời nay, nó là đất do dân làng chúng tôi giữ, chính quyền lại không cho chúng tôi xây dựng nhà cửa giờ lại cho công ty nào đó làm dự án.

Dân tụ tập, chặn xe dịch vụ chở đoàn công binh đi rà phá bom mìn cho dự án điện mặt trời ảnh 2 Đến chiều 12-11, người dân vẫn đang dựng lều chặn giữ xe của chở đoàn công binh rà phá bom mìn của dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ
Một số người khác thì phản ánh rằng, trước đây, những người “lạ mặt” (ý chỉ doanh nghiệp - PV) vẫn thường đến đây để lấy đất “đen” (ti-tan), khiến đời sống người dân xáo trộn.

"Chúng tôi không quan tâm đến dự án. Chúng tôi không cho đặt dự án nào hết, không cần biết là như thế nào. Bây giờ phải để đất đó, cho con em chúng tôi sinh sống, xây dựng nhà cửa", một người dân nói.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Văn Thành Long, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng cho biết: “Người dân chặn xe từ chiều ngày 10-11. Trước đó, do các xe của đoàn khảo sát rà phá bom mìn của dự án, đi đúng vào ngày thứ Bảy, nên Đảng ủy xã không nắm được. Khi dân họ phát hiện thì mới ra chặn, giữ xe lại.”

Theo ông Long, dân yêu cầu Chủ tịch xã phải cam kết không cho triển khai dự án điện mặt trời thì mới thả xe của đoàn giám sát. Ngoài ra, các hộ dân còn yêu cầu đòi chủ tịch tỉnh và chủ tịch huyện phải xuống đối thoại với họ.

Chủ tịch UBND huyện: “Có nhóm người thường xuyên kích động”

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, trong sáng ngày 12-11, cơ quan chức năng của huyện này đã tổ chức cuộc họp với chính quyền xã Mỹ Thắng liên quan đến vụ việc trên.

Dự kiến, chiều cùng ngày (12-11), tổ công tác của huyện Phù Mỹ sẽ cùng với chính quyền xã Mỹ Thắng tổ chức vận động người dân trở về nhà, dừng tụ tập chặn xe, phản đối dự án điện mặt trời.

Theo ông Dũng, xe bị chặn là xe dịch vụ, được phía công ty thuê chở công binh đi định vị, xác định vị trí để rà phá bom mìn cho dự án. Nhưng người dân lại ngộ nhận, cho rằng triển khai dự án nên chặn xe lại. Đoàn công binh rà phá bom mìn có 5 người, trong đó 1 người là đại diện chủ đầu tư. 
Người dân dựng lều chặn giữa xe, phản đối dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ.

“Về dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ, tuy chính quyền đã năm lần bảy lượt đi tuyên truyền khá cụ thể, thậm chí xuống tận các thôn để vận động, tuyên truyền và giải thích cho bà con hiểu nhưng cứ có 1 nhóm khoảng 15 đến 20 người phụ nữ họ không ủng hộ. Dù chính quyền nói gì họ cũng không nghe, mời đến vận động thì họ vỗ tay bỏ về”, lời ông Dũng.

Ngoài ra ông Dũng cho biết: “Với dự án này, khâu triển khai, chúng tôi đã làm rất trình tự và cẩn trọng, xem xét thấu đáo các nguyện vọng chính đáng của dân. Trước kia, dự án tính lấy 380ha đất cát của 2 xã Mỹ Thắng, Mỹ An. Sau đó, theo kiến nghị của địa phương và chủ đầu tư, dự án này đã giảm thêm 60ha, bây giờ chỉ còn triển khai 320ha nữa thôi…”

Liên quan đến nhóm người kích động, ông Dũng nói thêm, địa phương đã có văn bản xin ý kiến Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, củng cố hồ sơ để mời những hộ dân không ủng hộ lên để giáo dục, thuyến phục họ. Đồng thời sẽ giải quyết các nguyện vọng chính đáng của họ.  

“Tuy nhiên, nếu như dự án nào dân cũng ngăn chặn, phản đối như thế này thì làm sao địa phương phát triển cho được. Còn quan điểm của tôi trước sau như một, nếu làm gì ảnh hưởng tiêu cực đến dân thì chủ tịch huyện sẽ chịu trách nhiệm và xin từ chức”, ông Dũng nhấn mạnh thêm.

Được biết, Dự án điện mặt trời Phù Mỹ có công suất thiết kế 330MW, được xây dựng trên diện tích 320ha tại xã Mỹ Thắng và Mỹ An (giao đất của Nhà nước không có đất dân). Dự án đã được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư và được Bộ Công thương phê duyệt đưa vào Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ cho phê duyệt cho quy hoạch vào lưới điện quốc gia đến năm 2030.

Theo chủ đầu tư, dự án đã có kế hoạch sử dụng đất chuyển đổi sang đất phát triển điện mặt trời; đã có kế hoạch đền bù đất đai, cây cối cho Nhà nước; các thỏa thuận đã được cam kết; đã thỏa thuận xong tuyến tỉ điện và sẽ thi công xây dựng tuyến vào 30-10. Nhà thầu xây dựng tuyến do trực tiếp Phó thủ tướng giới thiệu và cam kết sẽ làm xong tuyến đường dây trước tháng 5-2016.

Dự án này được quyền khởi công ngay khi hoàn thành giải phóng mặt bằng. Nếu đối tác xuống cọc thì sau 7 ngày hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công trước các hạng mục cần làm trong toàn bộ khu đất.

Ông Nguyễn Văn Dũng thông tin: “Dự án xây dựng xong sẽ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm động lực để phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch theo quy hoạch chung của tỉnh với tuyến đường DT639. Ngoài ra, dự án sẽ góp phần giải quyết nguồn năng lượng sạch cho địa phương, phát triển bền vững hơn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ đóng góp thuế cho Nhà nước, nguồn thuế này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề dân sinh cho địa phương, xây dựng cơ sở vật chất, thúc đẩy kinh tế của địa phương đi lên…”.

Lãnh đạo huyện Phù Mỹ cam kết, dự án sẽ không gây ô nhiễm đến môi trường, không có liên quan gì đến đất khai thác titan. Trong khi đó, đất của dự án này lấy từ nguồn đất của Nhà nước, không có đất của dân. Nếu có, do người dân tự ý xây dựng, lấn chiếm trái phép...

Tin cùng chuyên mục