Đảng viên đã có vợ, sống chung với phụ nữ khác thì xử lý thế nào?

Một đảng viên đang có vợ mà sống chung như vợ chồng với người phụ nữ khác, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm. Vấn đề này xử lý thế nào?
Theo Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Điều 17 quy định đảng viên không được “…có hành vi bạo lực trong gia đình, vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình, sống chung với người khác như vợ chồng…”. Điểm a, Khoản 3, Điều 23 Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, quy định trường hợp kỷ luật khai trừ đảng viên: “Vi phạm quy định về kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng”.
Như vậy, đảng viên này đã vi phạm 2 quy định nêu trên, cần phải được xem xét, xử lý nghiêm minh. Tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ kết quả kiểm điểm của đảng viên này, nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả đã xảy ra và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Hình thức kỷ luật đối với đảng viên chính thức và đảng viên dự bị có khác nhau không?
Điều 35 Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định về hình thức kỷ luật đối với đảng viên  như sau: “Đối với đảng viên chính thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ”; “Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo”.
Như vậy, đảng viên chính thức có 4 hình thức kỷ luật, đảng viên dự bị có 2 hình thức kỷ luật. Tuy nhiên, đối với đảng viên dự bị, nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách đảng viên thì mặc dù không bị áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ nhưng tổ chức đảng có thẩm quyền phải thực hiện việc xóa tên trong danh sách đảng viên.
Một đảng viên có hành vi tổ chức đánh bạc, bị cơ quan chức năng khởi tố bị can, bắt tạm giam thì việc xem xét, kỷ luật và công bố quyết định kỷ luật Đảng được thực hiện như thế nào?
Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 40, Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương quy định: “Đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc bị tạm giam, nếu tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận rõ đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý, thì chủ động xem xét, xử lý kỷ luật đảng, không nhất thiết chờ kết luận hoặc tuyên án của tòa án”. Khoản 1, Điều 39, Quy định 30 nêu trên cũng quy định: “Đảng viên vi phạm kỷ luật phải kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật; nếu từ chối kiểm điểm hoặc bị tạm giam, tổ chức đảng vẫn tiến hành xem xét kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp có thẩm quyền trực tiếp xem xét kỷ luật”.
Căn cứ các quy định trên, với trường hợp câu hỏi nêu, đảng viên này hiện đang bị khởi tố và bắt tạm giam, không thực hiện được việc kiểm điểm tại chi bộ và dự công bố quyết định kỷ luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn chủ động xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí đó và công bố quyết định kỷ luật theo quy định.
Qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tổ chức đảng có thẩm quyền kết luận đảng viên A có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật và đã nhiều lần mời đến làm việc, nhưng đồng chí A không có mặt và không có lý do chính đáng. Trường hợp này, tổ chức đảng có thẩm quyền có xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên A hay không?
Tương tự trường hợp trên, căn cứ theo Khoản 1, Điều 39, Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương, đảng viên A đã được tổ chức đảng có thẩm quyền nhiều lần mời đến làm việc nhưng đồng chí A không có mặt mà không có lý do chính đáng, không báo cáo tổ chức đảng có thẩm quyền hoặc tổ chức đảng nơi sinh hoạt và quản lý đảng viên A, tức là thuộc trường hợp đảng viên có vi phạm từ chối kiểm điểm, báo cáo giải trình theo quy định. Do đó, tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn tiến hành xem xét, thi hành kỷ luật đối với đảng viên A.

Tin cùng chuyên mục