Đánh giá cao lãnh đạo dám làm, dám chịu trách nhiệm

Trong 2 ngày 24, 25-10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều nay 25-10. Phóng viên Báo SGGP ghi nhận ý kiến một số đại biểu (ĐB) về nội dung quan trọng này.


ĐB VŨ TRỌNG KIM (Hải Dương): Thận trọng để không ân hận khi quyết định

Lấy phiếu tín nhiệm không phải điều bất ngờ. Những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm đã được theo dõi cả một quá trình. Hay nói cách khác, đó là trách nhiệm giám sát ngay từ kỳ đầu tiên khi được Quốc hội bầu giữ chức vụ.

Tiêu chí bỏ phiếu của tôi rất rõ. Đầu tiên là được Quốc hội bầu ở vị trí có nhiệm vụ quyền hạn đó thì nhiệm vụ đó anh có hoàn thành, quyền hạn có sử dụng hết không? Tiếp đến, là người đại biểu của dân, anh phục vụ nhân dân thế nào trong điều kiện Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Cùng với đó là đạo đức, lối sống. Ở điểm này tôi đánh giá cao sự nhiệt tình, hết sức vì dân. Người nhiệt tình khác, người làm cho lấy lệ để lấy phiếu thì không ổn. Cuối cùng là xung quanh vấn đề tài sản, có điều tiếng gì không. Cái này phải quan sát lối sống, nhân dân đều biết.

ĐB LƯU BÌNH NHƯỠNG (Bến Tre): Lấy phiếu tín nhiệm để nhắc nhở các bộ trưởng, trưởng ngành

Đây là thời điểm giữa kỳ của kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Vì vậy, lấy phiếu tín nhiệm thời điểm này rất quan trọng, nhằm đánh giá lại những việc làm được và chưa làm được của các bộ trưởng, trưởng ngành và những chức danh do Quốc hội bầu. Qua đánh giá, cần có giải pháp khắc phục những hạn chế nửa nhiệm kỳ qua. 
Việc lấy phiếu tín nhiệm để chúng ta nhắc nhở, thông báo, cảnh báo, thậm chí có thể thay đổi, để những người ngồi chiếc ghế đó biết rằng họ phải cố gắng nhiều lần so với những người khác. Để lấy phiếu tín nhiệm, chúng tôi không chỉ đánh giá dựa trên cơ sở báo cáo của các thành viên, mà dựa trên toàn bộ những vấn đề chúng tôi giám sát thời gian qua.

ĐB NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG (Quảng Bình): Đánh giá năng lực người được lấy phiếu

Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ thể hiện năng lực phẩm chất và uy tín của người được lấy phiếu. Điều đó giống như thang điểm để đánh giá năng lực đạo đức phẩm chất và khả năng điều hành nhiệm vụ. Đánh giá để giúp anh biết đến tầm nào, cần khắc phục điểm gì trong thời gian tới. Đồng thời cũng là cơ sở cho quy hoạch sắp tới, nếu còn đủ tuổi thì có đào tạo cho nhiệm kỳ tới.

ĐB NGUYỄN THỊ KIM THÚY (Đà Nẵng): Đánh giá cao những người dám làm, dám chịu trách nhiệm

Khách quan mà nói, cơ chế hiện nay đôi khi cũng tạo ra những “rào cản” cho việc thực hiện nhiệm vụ của những vị được lấy phiếu. Riêng tôi vẫn đánh giá cao những người mà có thể cơ chế chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ nhưng trong thẩm quyền của mình thấy việc gì có lợi cho dân vẫn dám làm, dám chịu trách nhiệm, chứ không phải cái gì cũng sợ sệt xin ý kiến.

Những người được Quốc hội phê chuẩn qua 2 nhiệm kỳ thì bị đòi hỏi cao hơn những người mới làm từ nhiệm kỳ này. Đối với những người nhiệm kỳ này mới bắt đầu làm bộ trưởng, mới có hơn 2 năm, có những khó khăn nhất định cần được hiểu và chia sẻ. Tuy nhiên, cần xem xét người lãnh đạo đó làm được những gì, việc nào liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của họ.

ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TPHCM): Đánh giá công tâm

Với những bộ trưởng, trưởng ngành mới thì vấn đề là phải giải quyết những chuyện tồn đọng từ hàng chục năm về trước. Điều quan trọng để đánh giá là từ lúc anh phụ trách, anh có làm gì để đổi mới không. Sau mấy năm anh phụ trách, nếu thấy cũng không có gì hơn thì rõ là không đạt yêu cầu.

Tin cùng chuyên mục