Phản hồi loạt bài về 6 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX

Đánh giá đúng nhân lực trước đào tạo

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ (KH-CN) nói chung và công nghệ sinh học (CNSH) nói riêng là bài toán khó giải với các cơ sở nghiên cứu khoa học. Ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM, cho rằng đào tạo đúng người đúng lĩnh vực vẫn chưa đủ, mà còn phải tìm cách đào tạo người ngoài biên chế, cũng như tạo chính sách thu hút nhân lực trình độ cao… mới đáp ứng được yêu cầu.
Đánh giá đúng nhân lực trước đào tạo

Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển khoa học công nghệ (KH-CN) nói chung và công nghệ sinh học (CNSH) nói riêng là bài toán khó giải với các cơ sở nghiên cứu khoa học. Ông Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM, cho rằng đào tạo đúng người đúng lĩnh vực vẫn chưa đủ, mà còn phải tìm cách đào tạo người ngoài biên chế, cũng như tạo chính sách thu hút nhân lực trình độ cao… mới đáp ứng được yêu cầu.

  • Dự báo là yêu cầu cấp thiết

Bốn năm (2007 – 2010) thực hiện chương trình đào tạo với 21 lượt cán bộ tham gia đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ về CNSH ở nước ngoài, trong đó có 13 lượt cán bộ được cấp học bổng từ nước ngoài, Trung tâm CNSH TPHCM đã tiết kiệm cho ngân sách TP khoảng 600.000 USD. Số cán bộ được cử đi đào tạo, sau khi kết thúc khóa học trở về trung tâm được bố trí đúng chuyên môn, năng lực, sở trường nên đều phát huy tốt, biết vận dụng được những kiến thức đã được đào tạo…

Cần nhiều chính sách để phát triển nguồn nhân lực công nghệ sinh học (Ảnh chụp tại Khoa Công nghệ sinh học ĐH Nông Lâm TPHCM). Ảnh: MAI HẢI

Cần nhiều chính sách để phát triển nguồn nhân lực công nghệ sinh học (Ảnh chụp tại Khoa Công nghệ sinh học ĐH Nông Lâm TPHCM). Ảnh: MAI HẢI

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, dùng ngân sách để đào tạo nguồn nhân lực cấp cao cho CNSH nói riêng và KH-CN nói chung sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra. Chính vì thế, trung tâm đã chủ động liên  hệ với các giáo sư và các cơ sở đào tạo nước ngoài để hợp tác, đề xuất các chương trình nghiên cứu phù hợp và có lợi cho ngành CNSH của Việt Nam. Từ đó cử các cán bộ nghiên cứu trẻ, có trình độ đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoài ra, trung tâm cũng năng động tìm nhiều học bổng đào tạo để giảm bớt chi phí ngân sách. Tính đến tháng 6-2011, trung tâm đang có 12 cán bộ đang được đào tạo ở nước ngoài, trong đó có 8 người học tiến sĩ, 3 học thạc sĩ, 1 thực tập sinh.

Rõ ràng, vấn đề biên chế hàng năm cho trung tâm đã gây trở ngại cho công tác đào tạo. Ông Dương Hoa Xô cho biết, quy định cán bộ cử đi đào tạo phải thuộc biên chế trung tâm, tuy nhiên số lượng biên chế tăng hàng năm cho trung tâm không đáp ứng đủ nhu cầu cử đi đào tạo (10 – 15 người/năm).

Cũng cần nhắc lại, trong giai đoạn đầu khi triển khai kế hoạch đào tạo (2007 – 2008)  do thiếu nguồn nhân lực đầu vào nên trung tâm đã cho phép một số cán bộ tự xin được học bổng ở nước ngoài được tham gia chương trình đào tạo. Tuy nhiên, khi kết thúc khóa học có người “đi” luôn, không trở về trung tâm.

Đáng nói hơn, do không có ràng buộc về pháp lý nên không thể áp dụng các biện pháp chế tài, bồi thường theo quy định. Bên cạnh đó, một số trường hợp không thích nghi với áp lực nghiên cứu của môi trường đào tạo ở nước ngoài cũng như làm việc tại trung tâm nên không theo hết chương trình đào tạo hoặc khi về nước thì xin nghỉ việc hay chuyển công tác. Qua đây cho thấy, cần thiết phải dự báo và đánh giá đúng nguồn nhân lực đầu vào. Đây là yêu cầu cần thiết trong đào tạo nhân lực cấp cao.

  • Cần linh động

Trong giai đoạn 2011 - 2015, trung tâm dự kiến cử đi đào tạo 70 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài cho các chuyên ngành như CNSH thủy sản; CNSH tế bào người và động vật; CNSH môi trường; CNSH thực phẩm… Riêng kế hoạch năm 2011 sẽ cử đi đào tạo 10 - 15 cán bộ và cho đến tháng 6-2011, Hội đồng xét tuyển (Sở NN-PTNT, Sở Nội vụ, Trung tâm CNSH) đã xét duyệt 8 cán bộ. Trong đó, UBND TPHCM đã có quyết định cử 4 người đi đào tạo tiến sĩ CNSH…

Tuy nhiên, với chi phí cho một năm đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài dao động 19.000 - 37.000 USD, ngân sách khó mà gánh hết. Do đó, trung tâm tiếp tục tìm sự hỗ trợ từ các trường quốc tế nhằm giảm một phần học phí hoặc vận động các giáo sư hướng dẫn tài trợ một phần sinh hoạt phí… Đây được xem như là cách đào tạo nhân lực KH-CN trong bối cảnh ngân sách có giới hạn.

Để có những chuyên gia hàng đầu, những tiến sĩ giỏi phục vụ ngành CNSH, trung tâm kiến nghị TP cần nhanh chóng thông qua và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các nguồn lực có trình độ cao về CNSH nói riêng và các ngành KH-CN trọng điểm nói chung nhằm giảm bớt chi phí cũng như thời gian đào tạo. Ông Dương Hoa Xô cho rằng, TPHCM với vai trò trung tâm khoa học kỹ thuật của vùng và cả nước, trong đó CNSH được xác định là một trong những mũi nhọn của KH-CN thì đào tạo nguồn nhân lực CNSH cho nghiên cứu, phát triển ứng dụng trong lĩnh vực y tế, môi trường là cần thiết.

Kế hoạch đến năm 2015, trung tâm cần đến 250 người, nhưng TP cho biên chế 100 người sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sau này của trung tâm. Do đó, trung tâm mong TP xem xét, phê duyệt biên chế nhằm giúp việc tuyển chọn nhân sự đi đào tạo cũng như tuyển nhân sự chuyên môn cao vào làm việc được thực hiện đúng kế hoạch, tránh hiện tượng vừa làm vừa lo nguồn nhân lực.

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục