Đánh giá tác động của Tòa án chuyên biệt đối với việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt, việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là cần thiết, đúng với chủ trương đề ra. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ phụ nữ, trẻ em tránh bị xâm phạm vẫn còn chưa rõ, mặc dù mô hình này đã được thành lập 3 năm. 
Đồng chí Lê Thị Nguyệt tại buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn
Đồng chí Lê Thị Nguyệt tại buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn

Chiều 8-4, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội (VPQH), Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã có cuộc làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Tòa án Nhân dân Tối cao về những nội dung có liên quan đến Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018.

Đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền cho biết, theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014, trong cơ cấu tổ chức của Tòa án Nhân dân (TAND) cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện có thể có Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Trên thực tế, TAND TPHCM và TAND tỉnh Đồng Tháp đã thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên, với thẩm quyền riêng biệt xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình, các vụ án dân sự, hình sự liên quan đến người chưa thành niên. Dự kiến, trong thời gian tới 38 TAND cấp tỉnh sẽ tiếp tục thành lập mô hình Tòa Gia đình và Người chưa thành niên.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt, việc thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên là cần thiết, đúng với chủ trương đề ra. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ phụ nữ, trẻ em tránh bị xâm phạm vẫn còn chưa rõ, mặc dù mô hình này đã được thành lập 3 năm. “TANDTC cần đánh giá rõ tác động tích cực của Tòa án chuyên biệt này đối với việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Có những khó khăn, vướng mắc gì trong quá trình tổ chức thực hiện?”, bà Lê Thị Nguyệt nêu vấn đề.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành khác cũng cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thúc đẩy nhiều địa phương quy định nguyên tắc ưu tiên lựa chọn hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ… Một số địa phương như TP Hà Nội đã chủ động xây dựng các khóa đào tạo dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ do nữ làm chủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Ủy ban Về các vấn đề xã hội và đại diện các vụ, đơn vị của Tổng cục thống kê thành lập Tổ biên tập Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia (dự kiến sẽ ban hành trong tháng 6-2019).

Tin cùng chuyên mục