Đạo diễn Hồng Ngân: Giấc mơ trở lại nghề

Gần 10 năm trước, Hồng Ngân theo chồng về Mỹ “bỏ cuộc chơi” và có thêm tên mới - Davina Hồng Ngân.
Đạo diễn Hồng Ngân: Giấc mơ trở lại nghề
 Những tưởng chị bỏ hẳn công việc đạo diễn nhưng rồi lại thấy Hồng Ngân trở lại với điện ảnh trong vai trò đạo diễn, bằng bộ phim Giấc mơ Mỹ. Hóa ra, Ngân chưa từng có ý định bỏ nghề, chỉ là tạm lui vào chăm sóc bản thân, nhìn lại chặng đường cùng những sóng gió mình đã đi qua và quyết định trở lại mạnh mẽ, quyết liệt hơn với giấc mơ điện ảnh vẫn luôn ấm nóng, đau đáu.

Tôi gặp chị vào một sáng tháng 8, nhìn chị có khác hơn hồi 10 năm trước. Một Hồng Ngân xinh xắn ngày nào, nay đậm đà hơn, trò chuyện cẩn trọng hơn và cũng ít cười hơn… Tôi vẫn thích gọi chị là Hồng Ngân, một Hồng Ngân cá tính cả ngoài đời cũng như trong các bộ phim chiếu rạp trước đây của chị: Cô thủ môn tội nghiệp, Cô lái taxi, Nữ võ sĩ, Đối thủ...; Hồng Ngân bảo, người nước ngoài khó kêu tên chị cho đúng, nên buộc chị phải gắn thêm danh xưng Davina vào cho họ dễ gọi. 

PHÓNG VIÊN: Cơ duyên nào cho Ngân gặp Mai Thu Huyền để làm nên Giấc mơ Mỹ?

Đạo diễn HỒNG NGÂN: Tôi có hai version (phiên bản) cho kịch bản Giấc mơ Mỹ: một cho phim truyện truyền hình dài tập và kịch bản điện ảnh. Tôi vẫn thích điện ảnh hơn nên kịch bản điện ảnh đã được tôi giới thiệu cho một vài người, nhưng kết quả không đi đến đâu. Phần vì khó khăn trong kêu gọi kinh phí đầu tư, phần vì không thống nhất được quan điểm làm nghề. Rồi tình cờ tôi gặp Mai Thu Huyền trên mạng, thông qua những nhận xét của cô ấy về một bộ phim khác của tôi. Chúng tôi trao đổi qua lại về các vấn đề làm phim và cảm thấy quan điểm khá hợp nhau. Sau đó, mọi chuyện như là duyên vậy. Huyền quyết định là nhà sản xuất cho phim điện ảnh Giấc mơ Mỹ. Cô ấy cũng là người đồng ý quay hình hầu hết là bối cảnh thật tại Mỹ. Huyền cũng là người qua Mỹ tiền trạm một tháng để tìm bối cảnh.

Điều mà tôi không thể ngờ và rất ngưỡng mộ cô ấy, bằng những sự quen biết và các mối quan hệ cá nhân, cô ấy đã tìm được 15 thành phố ở Cali cho đoàn phim ghi hình. Có thể nói, đó là sự vui mừng ngoài mong đợi của tôi, vì quay hình bên Mỹ rất khó khăn, việc chuyển từ bối cảnh này sang bối cảnh kia cũng là cả một vấn đề vì địa điểm cách xa nhau và di chuyển liên tục. Giờ nghĩ lại,  không hiểu sao mình và các anh chị em khác có thể làm được, nhưng bù lại, chúng tôi đã có những cảnh quay hết sức chân thực, giúp diễn xuất của diễn viên và câu chuyện thêm sức thuyết phục. Đoàn làm phim chúng tôi gồm 10 người, trong đó có các diễn viên: Bình Minh, Mai Thu Huyền, Đinh Y Nhung, Kyo York, Trương Thế Vinh… và đã có 20 ngày quay trên đất Mỹ.

Chất liệu nào đã làm nên Giấc mơ Mỹ?

Tôi quyết định đi Mỹ cũng một phần muốn xem mình có hợp với cuộc sống bên ấy không. Đề tài người Việt ở Mỹ đã được tôi ấp ủ lâu rồi, trong đó có một phần là cảm xúc của chính tôi đó chứ. Tôi chọn nhân vật là những người Việt trí thức, có vị trí trong xã hội, khi sang Mỹ họ sống thế nào. Tôi chọn cả nhân vật Mỹ, nhưng phải là người đã từng sống ở Việt Nam, hiểu về Việt Nam và đó là lý do tôi chọn Kyo York vào phim.

Vì tôi sống ở bờ Đông nước Mỹ, nơi có ít người Việt sinh sống, nên để hoàn thành kịch bản này, tôi phải nhờ đến một vài người bạn Việt kiều sống tại bang Cali. Họ đưa tôi đi làm quen với những người Việt khác để chọn lấy hình mẫu và tư liệu. Lúc ấy tôi đâu dám nói là mình tìm hiểu để làm phim, vì có chắc mình làm được không? Chỉ là nuôi giấc mơ làm phim thế thôi, bởi máu làm phim trong tôi chưa bao giờ nguội lạnh, chưa bao giờ mất đi. Bản thân tôi khi qua Mỹ, cũng bị nhiều người hỏi “Qua Mỹ chi vậy? Qua Mỹ là bỏ nghề à?!”, nhưng tôi có suy nghĩ của riêng mình. Tôi ấp ủ việc làm phim, nhưng muốn con đường mình đi phải có gì đó khác trước, mới mẻ hơn; mà muốn được như thế, mình phải có trải nghiệm khác… Chính vì thế, có thể nói Giấc mơ Mỹ cũng là giấc mơ trở lại nghề của chính tôi. 

Khó khăn nhất khi quay hình bên Mỹ là gì, thưa chị?


Hầu hết là khó khăn, trong ấy có vài cảnh cực kỳ khó, nhưng nhờ sự giúp đỡ rất nhiệt tình của một vài người Việt sinh sống lâu năm ở Mỹ nên đoàn phim cũng đã hoàn thành được các cảnh quay này. Tôi thật sự rất biết ơn vị bác sĩ người Việt, anh tên Mỹ, đã nhiệt tình cho mượn nhà để quay. Chính anh cũng là người tổ chức một đoàn bác sĩ Mỹ về Việt Nam khám chữa bệnh miễn phí và đoàn cũng may mắn quay được cảnh thật này.

Anh Vũ Nguyễn là một trong những người lo tổ chức các cảnh hành động tại một siêu thị và một vài địa điểm khác bên Mỹ. Nhờ được giúp đỡ nên chúng tôi tổ chức quay được một đoàn xe mô tô Harley gồm 20 chiếc, quay trong một ngày. Đó là những người thật dễ thương, họ đến từ nhiều thành phố và đến rất sớm để chờ đến cảnh quay. Rồi cảnh du thuyền cũng phải nhờ một anh người Ấn tên Raja, chúng tôi mới có du thuyền và quay cảnh du thuyền trong khu toàn tỷ phú Mỹ sinh sống. Nhiều người giàu Mỹ vốn không thích ồn ào, trong khi đoàn phim thì cứ lục đục tiếng ồn suốt nên họ càng khó chịu. Nhờ anh Raja mà mọi chuyện được giải quyết và chúng tôi cũng đã hoàn thành được các cảnh quay ở đây. Tôi nghĩ, nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con Việt kiều, đoàn phim thật khó mà thực hiện được những cảnh quay này.

Sau Giấc mơ Mỹ, chị đã có dự án điện ảnh nào mới chưa?


Tôi đã có vài kịch bản rồi, tất cả đều được tôi viết trong những năm sinh sống tại Mỹ. Vấn đề là tôi có tìm được nhà sản xuất và nhà đầu tư phù hợp cho các dự án này hay không. Đó là những kịch bản không chỉ thuần túy về tâm lý mà còn cần phải sử dụng khá nhiều kỹ xảo lẫn khả năng võ thuật của diễn viên. Trở lại với điện ảnh lần này, tôi vẫn muốn phải mang được điều gì đó mới mẻ, khác hẳn với những gì tôi và người khác đã làm.

Tin cùng chuyên mục