Đạo diễn Nguyễn Dương và giấc mơ điện ảnh

Theo học diễn viên tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM; chuyên vào vai chính kịch, nhưng chỉ sau một lần bất đắc dĩ vào vai hài, Nguyễn Dương trở thành một trong những gương mặt diễn viên hài được yêu thích của sân khấu TP những năm 90 của thế kỷ trước.
Đạo diễn Nguyễn Dương và giấc mơ điện ảnh

Theo học diễn viên tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn, nay là Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM; chuyên vào vai chính kịch, nhưng chỉ sau một lần bất đắc dĩ vào vai hài, Nguyễn Dương trở thành một trong những gương mặt diễn viên hài được yêu thích của sân khấu TP những năm 90 của thế kỷ trước.

Đang thành công trong vai trò diễn viên hài, Nguyễn Dương lại bất ngờ tạo ấn tượng với vai Minh Đen - một trùm băng cướp khét tiếng trong bộ phim truyện truyền hình Xóm nước đen. Khi tên tuổi, sự nghiệp đang bước vào giai đoạn thăng hoa, Nguyễn Dương bất ngờ bỏ lại sự nghiệp, sang Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình. Lúc khán giả gần như đã quên anh, Nguyễn Dương trở về Việt Nam, buộc khán giả phải chú ý đến mình trong vai trò đạo diễn, với hơn 10 bộ phim truyện truyền hình dài tập trong hơn 4 năm qua. Trong đó có những phim dù được chiếu đi chiếu lại trên hầu hết các đài truyền hình lớn, nhưng vẫn nhận được sự yêu thích đặc biệt của người xem, như: Ngõ vắng (52 tập), Cổng mặt trời (70 tập)… Hiện bộ phim Bí mật Tam giác vàng (38 tập) do anh đạo diễn, đang phát sóng lúc 21 giờ 30 (các tối thứ hai, ba, tư hàng tuần) trên VTV3 cũng thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả.

Đạo diễn Nguyễn Dương (phải) chỉ đạo một cảnh quay trong Bí mật Tam giác vàng.

Đạo diễn Nguyễn Dương (phải) chỉ đạo một cảnh quay trong Bí mật Tam giác vàng.

* PV: Điều gì khiến anh quyết định về lại Việt Nam làm phim, khi đã có 15 năm sống ổn định trên đất Mỹ?

* Đạo diễn NGUYỄN DƯƠNG: Năm 2008 tôi về Việt Nam vì có dự án làm một phim điện ảnh, nhưng dự án này bị phá sản. Lẽ ra tôi đã quay về Mỹ, nhưng cơ duyên cho tôi gặp anh Trần Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty Lasta. Anh tin tưởng mời tôi làm đạo diễn phim truyền hình dài tập Ngõ vắng. Đây cũng là bộ phim truyện truyền hình đầu tiên tôi làm đạo diễn. Khi về Việt Nam, tôi chỉ nói với bà xã đi một năm, nhưng rồi sau Ngõ vắng, hàng loạt nhà sản xuất phim truyền hình dài tập khác mời tôi; phim này gối phim kia, nên tôi ở lại Việt Nam cho đến bây giờ.

* Theo anh, làm phim truyền hình ở Việt Nam khó khăn nhất là gì?

* Có lẽ khó nhất vẫn là kinh phí. Có nhà sản xuất sẵn lòng chia sẻ với đạo diễn, chịu bỏ thêm kinh phí đầu tư cho cảnh này, cảnh kia theo yêu cầu của kịch bản để phim tốt hơn. Nhưng phần nhiều, các nhà sản xuất đều tuyên bố chắc nịch: “Tiền chỉ có nhiêu đây thôi nhé, liệu mà thu xếp vì sẽ không có thêm đồng nào”.

* Trong Bí mật Tam giác vàng, anh có thấy khó khăn lắm không khi thường xuyên trực tiếp làm việc với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, hầu hết đều có danh hiệu NSND, NSƯT?

* Khi làm việc với những người như thế, bản thân tôi đã có sự nể trọng. Để thuyết phục họ làm theo những yêu cầu của mình, nhất định yêu cầu ấy phải nhận được sự đồng cảm của họ. May mắn là những điều tôi muốn, họ đều đáp ứng và làm một cách thích thú.

* Vậy anh có tự tin khi mình nhận thực hiện một bộ phim mà mình không thuộc về vùng miền nơi câu chuyện xảy ra?

* Tôi quan niệm, mình cứ làm tốt hết sức có thể công việc của mình, còn phim thành công hay thất bại sẽ được phản hồi qua thái độ của khán giả. Theo nhà sản xuất cho biết, đến giờ này, Bí mật Tam giác vàng đang nhận được rất nhiều sự quan tâm, theo dõi và ủng hộ của khán giả. Thú thật, tôi rất cảm ơn Hãng phim Lasta, tổng giám đốc Trần Minh Tiến và nhà văn, nhà biên kịch Như Phong. Tôi chưa thấy nhà sản xuất nào để nhiều tâm huyết cho bộ phim như thế. Bất cứ lúc nào rảnh, anh Tiến cũng đến với đoàn phim, dù đoàn đang quay trong rừng hay đang quay ở nước ngoài. Nhà biên kịch Như Phong cũng vậy, anh ấy đã có ít nhất ba lần xuống ăn ở, chia sẻ cùng đoàn phim. Điều ấy giúp cả đoàn lên tinh thần dữ lắm.

* Xem lại phim, biết phim được khán giả đang rất yêu thích, anh có hài lòng với công sức mà mình đã bỏ ra?

* Tôi là người cầu toàn, cầu tiến, hay làm khó mình và chẳng bao giờ thấy hài lòng. Tôi luôn xem lại phim trong tâm thế “săm soi” mình còn dở chỗ nào.

* Với gia đình, anh có tâm thế như vậy không?

* (Cười). Với cuộc sống, gia đình của mình, tôi cho là quá đủ, còn nghề nghiệp thì chưa. Mỗi năm có dịp quay về Mỹ, tôi lại thấy mình ngu đi một chút, vì thấy kỹ thuật của họ tiến bộ quá nhanh, mà mình vẫn giậm chân tại chỗ. Tôi vẫn mơ có một ngày, mình làm được một phim giống họ. Giấc mơ và cái duyên với phim điện ảnh của tôi vẫn còn...  

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục