Đạo diễn trẻ Đinh Kiều Anh Tuấn: Sợ sai sẽ không bao giờ có sản phẩm

Kinh nghiệm tích lũy cũng kha khá và thành quả cũng rất đáng nể nhưng Đinh Kiều Anh Tuấn (Leo Đinh, 28 tuổi) không phải là người không quan tâm thời thế.
Hành trình nhân quả - phim hoạt hình chiếu rạp đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Đ.P.C.C
Hành trình nhân quả - phim hoạt hình chiếu rạp đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: Đ.P.C.C

Anh chia sẻ: “Làm phim hoạt hình tại Việt Nam giống như đi đánh cược vì khó có doanh thu cao hay một công thức thành công. Thêm nữa, chúng ta có quá nhiều hạn chế, có cả cảm giác tự ti về sản phẩm của mình”. 

Thành quả đầu tiên

Tuấn bắt đầu câu chuyện với Hành trình nhân quả - dự án phim hoạt hình chiếu rạp đầu tiên tại Việt Nam vừa ra mắt teaser trailer (đoạn quảng cáo thử) đầu tiên cách đây không lâu và nhận được phản hồi tích cực. Để có hơn một phút “chào sân” ấn tượng đó là thành quả của ê kíp Redcat Motion trong 8 tháng, từ việc lên ý tưởng về hình ảnh, vẽ, chỉnh sửa, xây dựng tính cách nhân vật, làm kịch bản, diễn xuất… 

Tuấn nhớ lại: “4 tháng đầu tiên tất cả đều tập trung hết mình cho công việc. Đó cũng là thời gian mọi người đều loay hoay, mất định hướng, không biết bắt đầu như thế nào. Cũng có những bạn không đủ kiên nhẫn nên rời đi. Đến tháng thứ 5, mọi thứ dần thành hình hài nên tiến triển nhanh hơn. Nói là 8 tháng nhưng kỳ thực, mọi thứ được làm trọn vẹn trong khoảng 1,5 tháng khi ý tưởng đã thông suốt”. 

Có được thành quả đầu tiên cũng là tiền đề để ê - kíp thực hiện tự tin mang sản phẩm đi giới thiệu và kêu gọi nhà đầu tư. Hiện tại, Tuấn cùng ê - kíp vẫn đang trong quá trình hoàn thiện khâu kịch bản cũng như chốt nhà đầu tư. Ước chừng, phim tiêu tốn khoảng hơn 10 tỷ đồng kinh phí sản xuất. Tuấn cũng tham khảo các chuyên gia nước ngoài và được biết, ở nước bạn để làm phim hoạt hình tương tự, cần khoảng 5 triệu USD (tương đương hơn 100 tỷ đồng). 

Chàng trai sinh năm 1990 cũng rất quyết đoán khi đặt mục tiêu: tháng 12 chốt xong nhà đầu tư để phim kịp ra mắt hè 2020 vì càng kéo dài thời gian càng tốn kém. Anh cũng đặt ra trường hợp xấu nhất, không có nhà đầu tư phim vẫn tiến hành đúng tiến độ và cố gắng tận dụng nguồn lực có sẵn: “Ai cũng tâm niệm sẽ làm một bộ phim tốt, nhưng sai sót sẽ không thể tránh khỏi. Nếu sợ sai, không làm sẽ chẳng bao giờ có sản phẩm”.  

Sự quyết đoán của Tuấn là có cơ sở, bởi với những kinh nghiệm trong nghề hoạt hình gần 10 năm qua, anh đã lên kế hoạch rõ ràng cho cả ê - kíp để tránh và hạn chế thấp nhất sai sót xảy ra, phải làm lại vừa tốn thời gian vừa tốn tiền. “Mình phải tập hợp được các nhân sự giỏi, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đặc biệt kịch bản, bảng phân cảnh sau khi chốt không phải chỉnh sửa”, Tuấn phân tích. 

Ý tưởng Hành trình nhân quả là thành quả của cả ê - kíp - những người chung chí hướng, có chung niềm đam mê hoạt hình. Tất cả bắt đầu từ mong muốn tìm chất liệu tâm linh của người Việt để làm phim. Tuấn chia sẻ thêm: “Trong quá trình tìm chất liệu, nhóm rất hứng thú với hình tượng con nghê - linh vật thuần Việt. Từ đó, ý tưởng về “nhân quả” chợt lóe lên. Sau đó, càng bàn bạc, lại có thêm nhiều chất liệu mới. Việt Nam có nhiều thứ rất độc đáo nhưng chưa được khai thác”. 

Mong cởi mở hơn với hoạt hình Việt

Tuấn thành lập Redcat Motion từ năm 2012. Mặc dù ban đầu bước chân vào lĩnh vực này đã ấp ủ mong muốn được làm phim nhưng khi nguồn lực, nền tảng chưa sẵn sàng, Tuấn bắt đầu bằng việc làm quảng cáo thương mại. Tuấn tự hào vì mình là người tiên phong làm cho những khách hàng lớn ở nước ngoài như Google, Facebook… và được đánh giá cao. 

Trong nước, bộ phim Con rồng cháu tiên ra mắt năm 2016 là thành quả rất đáng tự hào của ê kíp. Bộ phim hoạt hình đầu tiên do công ty thực hiện đến nay đã thu hút hơn 12 triệu lượt xem trên YouTube và có nhiều đánh giá tích cực. Quá trình tích lũy ấy nói ra thì ngắn, nhưng là chặng đường dài trước khi có Hành trình nhân quả. 

Nhưng, giấc mơ phim hoạt hình với Tuấn có từ khi còn nhỏ. Tuấn kể, năm học lớp 3 trong một giấc mơ, thấy mình được đi Pháp học về làm phim hoạt hình. Bẵng đi thời gian, mọi thứ mờ dần, nhưng không mất đi. Sau này, mọi thứ trở lại khi Tuấn có cơ hội theo học ngành truyền thông đa phương tiện tại Australia, được tiếp cận nhiều hơn với hoạt hình. Và, như một cơ duyên, dù có công việc khá ổn định trong một công ty tại Việt Nam sau khi về nước, nhưng cuối cùng, giấc mơ hoạt hình thôi thúc Tuấn phải làm gì đó cho bằng được. Vậy là, Tuấn quyết định ra “ở riêng”, dồn hết tâm huyết cho nó.  

Tuấn tâm niệm, phải làm để tạo cho khán giả Việt văn hóa xem hoạt hình Việt và mọi người sẽ dần chấp nhận nó. Tuấn cũng cho rằng, với những người làm nghệ thuật, nếu quá nhạy cảm, không chịu tiếp nhận ý kiến của người khác thì không thể làm nghề. Đó là lý do, anh đọc từng dòng bình luận khi teaser Hành trình nhân quả ra mắt và biết chọn lọc những góp ý để hoàn thiện hơn. Anh cũng mong mỏi: “Khán giả hãy cởi mở hơn với hoạt hình Việt cũng như những người đang làm nghề. Đó chính là tiền đề để chúng tôi tự tin hơn vì thật khó để có thể làm hài lòng tất cả mọi người”. 

Đang trong quá trình thực hiện phim hoạt hình chiếu rạp đầu tay, hành trình với một người nhiều đam mê, quyết tâm như Tuấn chắc chắn còn dài. Tuấn cũng đang cố gắng hoàn thiện mình hơn, bởi anh luôn quan niệm, muốn mỗi nhân vật, câu chuyện của mình thật gần gũi với khán giả, sự trải nghiệm của bản thân là tối quan trọng, điều mà công nghệ dù có hiện đại đến mấy cũng không thể làm được. Riêng với Hành trình nhân quả, anh cũng đặt mục tiêu đưa phim ra nước ngoài, được quốc tế công nhận.

Tin cùng chuyên mục