Đào tạo công nghệ để hình thành thế hệ nông dân mới

Mặc dù không được học hành, không có bằng cấp, vốn liếng nhưng nhiều năm qua, những người nông dân vẫn không ngừng thực hiện khát vọng đầu tư nghiên cứu, sáng chế máy móc, nông cụ, thiết bị kỹ thuật để nuôi hy vọng hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam.


Sau khi chế tạo robot gieo hạt, nông dân Phạm Văn Hát tiếp tục nghiên cứu loại máy cày 3 lưỡi để giúp nông dân
Sau khi chế tạo robot gieo hạt, nông dân Phạm Văn Hát tiếp tục nghiên cứu loại máy cày 3 lưỡi để giúp nông dân

Những nhà khoa học “chân đất”

Mới đây, lần đầu tiên, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức lễ tôn vinh 53 “nhà khoa học của nhà nông”. Trong số này có tới 14 nhà khoa học là những nông dân có sáng chế, sáng kiến được ghi nhận, áp dụng rộng rãi trong cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

Điển hình là nông dân Nguyễn Hồng Chương (tỉnh Lâm Đồng). Dù mới học hết lớp 8, không được đào tạo qua bất kỳ một trường lớp nào về máy móc nhưng đã nghiên cứu, sản xuất ra nhiều loại máy móc nông nghiệp. Đặc biệt, giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại máy tương tự nhập về từ nước ngoài.

Anh Chương kể, cách đây 14 năm, vì đau đáu với câu chuyện trồng rau và lúa, người nông dân phải phun tưới rất vất vả, anh Chương đặt ra câu hỏi: Có cách nào để rút ngắn thời gian và giúp người nông dân phun tưới hiệu quả hơn? Sau 2 đêm thức trắng, vắt óc tính toán, sáng chế đầu tiên ra đời. Đó là chiếc vòi phun thuốc trừ sâu đã được anh cải tiến, vừa lợi công lao động, lại không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Từ đó cho đến nay, nông dân Nguyễn Hồng Chương đã lần lượt sáng chế thành công 15 loại máy nông nghiệp khác để giúp cải tiến kỹ thuật canh tác, giảm sức lao động, nâng cao năng suất. Nhiều loại máy móc của anh được đánh giá cao như cần phun thuốc trừ sâu hiệu suất cao, máy gieo hạt chân không, máy đóng bầu đất vào vỉ xốp, máy xay đất bùn, máy xay đất bùn kết hợp băng tải, máy vắt nước cho rau, máy đóng đất vào chậu tự động…

Trong số 53 “nhà khoa học của nhà nông” được tôn vinh, người trẻ tuổi nhất là nông dân Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1980, ở tỉnh Bắc Kạn). Anh chia sẻ, sau khi học xong nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thái Nguyên, anh trở về quê để mở cửa hàng sửa chữa xe máy và làm nông nghiệp. Mỗi lần đi ra đồng ruộng, chứng kiến cảnh bà con nông dân ngày ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, làm việc vất vả mà năng suất kém, lời lãi chẳng được bao nhiêu, anh đã mày mò nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy cào cỏ, cuốc xới đất, đánh rãnh, vun bắp phù hợp với điều kiện địa hình cũng như quy mô canh tác của bà con ở tỉnh Bắc Kạn cũng như vùng cao nói chung. Tất cả nông cụ được làm ra chỉ là tận dụng các đồ cơ khí mà xưởng sửa chữa xe máy của anh có, ứng dụng những kiến thức, kỹ thuật mà anh được học. Tuy nhiên, khi chuyển giao cho bà con nông dân, các thiết bị này đã giúp bà con vơi đi khá nhiều công sức so với làm thuần túy bằng chân tay.

Hay như trường hợp anh nông dân Phạm Văn Hát ở huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương), mặc dù chỉ học hết lớp 7 nhưng còn được mệnh danh là “vua máy gieo hạt”. Sản phẩm của anh không chỉ khiến giới khoa học và bà con nông dân trong nước thán phục mà còn được các doanh nghiệp, tập đoàn nông nghiệp của Hoa Kỳ, Israel biết tới và mời sang làm việc. Sau khi chứng kiến bà con trồng cà rốt ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) phải dùng loại máy gieo hạt kéo tay mà vẫn chưa có hiệu quả, anh bỏ ngày đêm nghiên cứu, mày mò tìm cách sáng chế ra loại robot gieo hạt tự động. Nhờ vậy, năng suất của “robot” gieo hạt có thể tương đương 30 - 40 lao động và tiết kiệm đến 30% hạt giống.

Từng bước tri thức hóa nông dân

Theo Hội Nông dân Việt Nam, còn có rất nhiều điển hình về gương nông dân biết mày mò nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa sáng kiến kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trong các năm qua, các nhà khoa học “chân đất” đã tạo ra nhiều máy móc nông nghiệp như: máy hút sâu cho chè và rau, máy làm cỏ, lắp phân, vun xới cho bắp, mì, mía… Các loại máy móc này đều có tính ứng dụng cao và được bà con nông dân tin dùng.

Để khuyến khích nông dân tăng cường đổi mới sáng tạo, ông Kiều Như Bổn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, cho rằng muốn thực hiện tri thức hóa nông dân, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ cụ thể để nông dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết nhu cầu thị trường để chuyển đổi cách thức làm ăn cho phù hợp.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023, ông Kiều Như Bổn kiến nghị Chính phủ giao Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành tổ chức chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức sử dụng công nghệ, giúp nông dân tối ưu hóa quy trình sản xuất, tận dụng được sức mạnh công nghệ và tham gia vào thương mại điện tử.

Về vấn đề này, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng cho rằng, nông dân sáng tạo phải đi cùng với việc học tập, học tập không ngừng và học tập mỗi ngày. Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân Việt Nam sẽ phấn đấu phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, hình thành thế hệ người nông dân mới có năng lực quản lý, kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp và từng bước trí thức hóa nông dân.

Tin cùng chuyên mục