Đào tạo nghề: Rộng mở cho học sinh chưa tốt nghiệp THPT

- TS. Hoàng Ngọc Vinh:
Đào tạo nghề: Rộng mở cho học sinh chưa tốt nghiệp THPT

Theo thống kê kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), bổ túc trung học phổ thông (BTTHPT) năm học 2006-2007, kết quả thi lại lần thứ hai còn trên 240.000 học sinh chưa tốt nghiệp THPT (chưa kể số học sinh bỏ học giữa chừng các lớp 10, 11 và 12). Số học sinh này đang được Bộ GD-ĐT hướng đến các trường dạy nghề và Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), đang tiến hành tuyển sinh từ nay đến cuối tháng 10. Phóng viên SGGP 12 Giờ đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Ngọc Vinh (ảnh), Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) về vấn đề này.

Đào tạo nghề: Rộng mở cho học sinh chưa tốt nghiệp THPT ảnh 1

- Phóng viên: Thưa ông, nhiều người cho rằng, việc để học sinh thi trượt tốt nghiệp được vào học các trường TCCN là một hướng “mở”. Tuy nhiên, liệu các trường TCCN có đủ lực để “gánh” hay không, trong khi chính Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận quy mô của các trường TCCN còn hạn chế ?

- TS. Hoàng Ngọc Vinh: Về vấn đề này, chúng tôi đã bàn với Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TBXH) và đã thống nhất nguyên tắc: Các trường TCCN và dạy nghề sẽ sẵn sàng tiếp nhận các em vào học nếu có nguyện vọng học nghề. Tuy nhiên, hiện nay chủ trương này còn vướng ở chỗ, cách thức tuyển sinh những đối tượng này như thế nào để không trái quy chế (nếu học chương trình sau THPT thì phải có bằng tốt nghiệp). Bộ GD-ĐT đang tính đến phương án cho phép các em đăng ký vào trường nghề với đầu vào là bằng tốt nghiệp THCS và miễn một số môn văn hóa cho các em đã học xong chương trình THPT nhưng chưa có bằng tốt nghiệp. Có thể Bộ sẽ xây dựng một chương trình dạy nghề mới với thời lượng ngắn hơn, chẳng hạn như 2 năm + 3 tháng; 2 năm + 6 tháng…

- Vậy cụ thể, các trường TCCN sẽ tuyển sinh những học sinh thi trượt cả 2 lần này như thế nào, thưa ông?

- Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn cụ thể đối với việc tuyển sinh và đào tạo TCCN cho học sinh chưa tốt nghiệp THPT. Các trường được tiếp nhận hồ sơ, tuyển chọn học sinh vào học khi đảm bảo các điều kiện: có chương trình đào tạo phù hợp với đối tượng tiếp nhận. Miễn trừ những nội dung kiến thức của các môn mà học sinh đã học trong trường phổ thông và có kết quả điểm tổng kết đạt yêu cầu (từ 5,0 điểm trở lên). Tuy nhiên, các trường sẽ phải ưu tiên tuyển sinh các đối tượng đủ điều kiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành, nếu còn chỉ tiêu thì mới xét tuyển các đối tượng nói trên, sao cho số lượng tuyển không vượt quá chỉ tiêu đào tạo đã đăng ký và đã được phê duyệt trong năm.

- Tuy nhiên, đối với học sinh đã học xong chương trình THPT, nếu vừa học nghề lại vừa bắt các em phải học lại chương trình đã học thì có quá lãng phí và mất thời gian?

- Như tôi đã nói ở trên, để xác định thời gian đào tạo cho người học (hệ tuyển), các trường căn cứ vào đối tượng cụ thể, xây dựng các tiêu chí tiếp nhận theo một trong các phương án sau đây: Đối với học sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT nhưng chưa được công nhận tốt nghiệp, có thể xem xét tiếp nhận vào học TCCN khóa đào tạo 2 năm cộng thêm từ 3 tháng đến 6 tháng (nếu điểm tổng kết của các môn học này phải từ 5,0 điểm trở lên; hoặc điểm thi tốt nghiệp của các môn học này phải từ 5,0 điểm trở lên), những môn văn hóa mà chương trình khung có quy định nhưng không phải là môn thi tốt nghiệp của năm đó thì có thể xem xét điểm tổng kết của môn học này trong học bạ THPT hoặc bổ túc THPT.

Đào tạo nghề: Rộng mở cho học sinh chưa tốt nghiệp THPT ảnh 2
Giờ học về Hệ thống điều khiển tự động tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao ThắngẢnh: MAI HẢI

- Đối với những học sinh nghỉ học giữa chừng, việc xét tuyển như thế nào, thưa ông?

- Đối với học sinh nghỉ học giữa chừng, việc xét tuyển dựa theo những tiêu chí đối với hệ tuyển sinh tốt nghiệp THCS mà nhà trường đang thực hiện. Cụ thể, những học sinh chưa học xong chương trình lớp 10 THPT hoặc bổ túc THPT, chỉ được tiếp nhận vào học hệ đào tạo từ 3 năm đến 4 năm như đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS hoặc tương đương. Học sinh đang học dở chương trình lớp 11 hoặc 12 THPT (bổ túc THPT) thì các trường căn cứ vào đối tượng cụ thể để xây dựng các chương trình đào tạo, miễn trừ việc học lại những kiến thức mà học sinh đã có kết quả đạt yêu cầu. Tùy theo đối tượng cụ thể mà nhà trường có thể thực hiện các phương án thời gian đào tạo như sau: 2 năm + 6 tháng; 2 năm + 9 tháng hoặc 3 năm, để đạt được mục tiêu đào tạo.

Bên cạnh đó, tùy theo nhu cầu, khả năng của học sinh, nhà trường có thể tạo điều kiện cho các em học thêm văn hóa, để có thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT vào năm sau. Tuy nhiên, điều này không bắt buộc với học sinh.

- Cám ơn ông.

Tin cùng chuyên mục