Đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thủy sản vào châu Âu

Trong tương lai, thủy sản Việt Nam xuất khẩu qua thị trường châu Âu (EU) sẽ có nhiều lợi thế khi các hiệp định được ký kết.
Hàng thủy sản trưng bày tại hội thảo
Hàng thủy sản trưng bày tại hội thảo
Nhưng nếu không thực hiện mô hình tập thể sản xuất theo chuỗi có nhãn mác để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường EU, thủy sản Việt Nam sẽ khó tận dụng cơ hội từ thị trường xuất khẩu rộng lớn này.
Chuyển động chậm sẽ mất lợi thế
Tại hội thảo “Thị trường thủy sản EU: Những góc nhìn về triển vọng xuất khẩu” do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức, Giáo sư Claudio Dordi, Trưởng nhóm Tư vấn kỹ thuật - Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu,  đưa ra ví dụ: Cá nước ngọt Việt Nam rất được người tiêu dùng châu Âu yêu thích, nhưng do thiếu các tiêu chuẩn kỹ thuật, thiếu sự minh bạch từ nông dân và cả hệ thống phân phối nội địa, cho đến khâu vận chuyển sang EU, nên bị hạn chế xuất khẩu. Để khắc phục, các doanh nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy sản Việt Nam cần phải kiểm soát nghiêm ngặt và sớm hoàn thành hệ thống kiểm soát chất lượng theo chuẩn quốc tế. Nếu ngồi chờ Nhà nước ban hành quy chuẩn rồi mới đầu tư, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam sẽ tự đánh mất cơ hội.
Ông Claudio Dordi cũng nhấn mạnh, các kênh phân phối tại thị trường EU đều hướng đến những sản phẩm thân thiện với môi trường, tập trung vào việc tuân thủ các quy tắc vệ sinh và quy định quốc tế; do vậy, các mặt hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU cũng phải đảm bảo những nguyên tắc này.
Nhà nghiên cứu - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thông, đến từ Đại học Nam Đan Mạch, cũng góp thêm thông tin: “Thị trường châu Âu hàng năm nhập khẩu gần 50 tỷ EUR các sản phẩm thủy hải sản. Tuy Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu lượng lớn sản phẩm thủy sản vào thị trường EU, nhưng vẫn còn thua nhiều nước khác. Điều cần lưu ý là từ năm 2006 đến nay, chỉ số tiêu dùng thủy sản tại thị trường EU tăng cao hơn hẳn so với thịt, do người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang ăn thủy sản nhiều hơn trong bữa ăn hàng ngày. Tại thị trường EU, siêu thị bán lẻ là kênh chính, chiếm thị phần lớn nhất trong khâu phân phối các sản phẩm thủy sản. Kết quả khảo sát thói quen tiêu dùng sản phẩm thủy sản của EU năm 2016 cho thấy, người tiêu dùng rất coi trọng thông tin nhãn mác sản phẩm, bao bì, chất lượng... Phần lớn (khoảng 70%) thủy sản là dùng tại nhà, phần còn lại sử dụng tại nhà hàng.
Các yếu tố xem xét khi mua thủy sản của người tiêu dùng châu Âu theo thứ tự là: mẫu mã, giá, nguồn gốc, thương hiệu…, đặc biệt là thích các sản phẩm được khai thác tự nhiên. Hiện nay, người tiêu dùng châu Âu thường có xu hướng lựa chọn các sản phẩm có thể nấu nhanh bằng lò vi sóng. Thực phẩm hữu cơ là phân khúc quan trọng, tăng trưởng đáng kể trong 10 năm qua”. Đây là những thông tin quan trọng để các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hàng thủy sản tại Việt Nam cập nhật xu hướng thị trường, nếu muốn gia tăng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu trong thời gian tới.
 Kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc
Câu chuyện “nóng hổi” trên thị trường thủy sản xuất khẩu gần đây là việc thị trường châu Âu vừa ban hành quy định mới: Muốn xuất khẩu cá biển vào thị trường EU, phải có Chứng nhận quy định về chống đánh bắt cá hợp pháp của EU (IUU) từ tháng 9-2017. Nếu doanh nghiệp xuất khẩu không có chứng nhận IUU, không những hàng không được thông quan mà còn bị lưu vào danh sách kiểm soát tăng cường (danh sách đen); bị giữ hàng hóa 2 - 3 tuần, dẫn đến các sản phẩm có nguy cơ bị hư hoặc đội chi phí do bảo quản.
Các nhóm chuyên gia nước ngoài được VASEP mời tham dự hội thảo cũng cho biết, trước đó đã có một số nước bị EU đưa ra thẻ vàng (không cho nhập khẩu) do không tuân thủ IUU. Tuy nhiên, chứng chỉ IUU đòi hỏi phải qua sự kiểm tra của nhiều bên liên quan, chứ không phải một nước. Tùy theo từng nước mà có chứng chỉ IUU dành riêng đối với sản phẩm nhập vào. Các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vào EU cũng không ngoại lệ. 
Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đều cập nhật thông tin và nhận sự hỗ trợ về thủ tục qua các nhà nhập khẩu trung gian, vì vậy, trước nhiều thay đổi về điều kiện, quy định nhập khẩu vào thị trường EU, nhiều doanh nghiệp Việt tỏ ra lo lắng. Đại diện Công ty Hải Nam đã gửi câu hỏi đến các chuyên gia tư vấn: Làm thế nào xuất khẩu sang các nước EU bền vững và thị trường EU đang cần sản phẩm như thế nào?  Theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thông, quy định của các nước EU đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải liên kết trong các tổ chức tập thể để có thể cùng nhau đầu tư xây dựng mô hình sản xuất, chế biến theo chuẩn quy định, xin giấy phép, xin các chứng nhận quốc tế, đảm bảo ổn định số lượng cũng như sản phẩm an toàn vệ sinh và chất lượng cao. Cần xây dựng và phát triển thương hiệu tập thể, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động nuôi, chế biến và phân phối. Đồng thời, áp dụng công nghệ tự động hóa, sẽ giúp kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Ông Wouter Vanhees, Tham tán Thương mại và Đầu tư - Phòng Thương mại và Đầu tư vùng Flanders (Bỉ) tại Việt Nam, đề xuất ý tưởng: Việt Nam cần xây dựng một Trung tâm Thương mại thủy sản thị trường EU cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Người tiêu dùng EU đòi hỏi cao về tính an toàn, chất lượng, và sự đổi mới các sản phẩm xuất khẩu. Nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam đáp ứng được khâu kiểm soát kỹ thuật nghiêm ngặt của EU, cơ hội sẽ càng lớn, bởi có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác. Chất lượng tốt sẽ mở rộng thị trường mới.

Tin cùng chuyên mục