Đặt cái tâm trong công việc

Từ phong trào lao động giỏi do tổ chức công đoàn phát động đã xuất hiện nhiều tấm gương công nhân lao động tiêu biểu, với những sáng kiến làm lợi thiết thực cho đơn vị. Một trong những điển hình đó phải kể đến công nhân trẻ thế hệ 9X Lê Văn Vũ, Chuyền trưởng bộ phận may ba lô túi xách Công ty TNHH Sakos (quận 3, TPHCM), bậc thợ 5/7. 
Lê Văn Vũ (bên trái) kiểm tra sản phẩm tại chuyền may
Lê Văn Vũ (bên trái) kiểm tra sản phẩm tại chuyền may
Quê ở An Giang, 5 năm trước Vũ lên TPHCM xin làm công nhân tại Công ty TNHH Sakos. Lúc đầu, Vũ chỉ là thợ học việc và làm quen với các loại máy may trong công ty. Song bằng tinh thần ham học hỏi, chịu khó tìm tòi, từ một người không biết gì về may va li, túi xách, ba lô, sau 3 tháng Vũ đã sử dụng thành thạo các loại máy và trực tiếp đứng máy may thành phẩm.
Tiếp đến, sau 6 tháng, Vũ đã may được tất cả các công đoạn và năng suất sản phẩm vượt trội hơn so với đồng nghiệp trong công ty. Trong quá trình làm, Vũ còn thường xuyên đề xuất với quản lý công ty khắc phục những công đoạn hay quy trình nào còn chưa hoàn thiện để tăng năng suất lao động, sản phẩm làm ra nhiều hơn mà chất lượng tăng cao hơn.
Nhận thấy tố chất và nhằm khuyến khích tinh thần lao động giỏi của người công nhân trẻ, chỉ sau 9 tháng vào làm, Vũ được ban giám đốc công ty đưa lên làm quản lý chuyền may ba lô.
Theo ông Đặng Trần Tuyền, Giám đốc Công ty Sakos, Vũ là gương công nhân trẻ có chí cầu tiến, ham học hỏi, lại biết quan tâm, giúp đỡ đồng nghiệp.
Bộc bạch về những thành quả của mình, Vũ bảo anh chỉ nghĩ phải luôn cố gắng vì công việc, xem xưởng sản xuất là nhà mình để làm việc tốt nhất. “Là một công nhân, tôi thấy mình cần làm sao cho ra đời sản phẩm một cách nhanh, hợp lý, đáp ứng nhu cầu khách hàng và hạn chế được sức lao động. Trong công việc, khi đặt cái tâm để làm thì sẽ thành công”, Vũ bày tỏ. 
Để đáp lại sự tin tưởng của lãnh đạo công ty và đồng nghiệp, Vũ không ngừng cố gắng nghĩ cách làm sao để tăng năng suất chuyền may, loại bỏ bớt công đoạn thừa và công lao động. Một trong những đề xuất mà Vũ mạnh dạn nói với lãnh đạo công ty là nên mua máy cắt chỉ để lắp ở các chuyền may thay vì công nhân phải tự làm. Nếu công nhân tự cắt chỉ sẽ mất rất nhiều thời gian, di chuyển nhiều, tốn chi phí nhân công.
Đề xuất của Vũ được lãnh đạo công ty đồng tình. Khi máy cắt chỉ đưa vào vận hành đã giảm nhân công từ 10 người xuống còn 3 người, đồng thời tiết kiệm được 30% điện năng, giảm thiểu hư hỏng sản phẩm và độ chính xác cao hơn. Ngoài ra, việc cải tiến công đoạn may lót ba lô, túi xách mà Vũ thực hiện cũng đã giúp tăng 15% lượng sản phẩm bán thành phẩm trong một ngày, nhờ vậy mà đã tăng 230 chi tiết sản phẩm trong cùng một công đoạn. 
Ngoài sự hòa đồng, vui vẻ, Vũ luôn đồng hành, tận tình giúp đỡ anh chị em công nhân trong chuyền, tích cực hướng dẫn những người mới vào nghề, động viên họ nỗ lực làm việc tăng năng suất để có thu nhập cao. Có sự động viên của Vũ, tinh thần làm việc của công nhân trong chuyền tăng lên, thu nhập của mỗi người cũng tăng lên từ 15% - 20%. 
Nhờ tinh thần đoàn kết, vừa qua, tại hội thi tay nghề “Chuyền may xuất sắc” do Liên đoàn Lao động quận 3 phối hợp với công ty tổ chức, Vũ cùng anh chị em trong đội đã xuất sắc giành giải nhất. Vũ cho biết, sắp tới sẽ cố gắng sắp xếp thời gian học văn hóa nhằm hỗ trợ hơn cho công việc của mình, tiếp cận được những công nghệ mới trong ngành may.
Trong công ty, Vũ còn được biết đến là một tấm gương sáng trong học tập và làm theo lời Bác. Với Vũ, học Bác là phải cố gắng làm tốt công việc của bản thân, hỗ trợ đồng nghiệp cùng tiến bộ, và nhất là phải làm sao tăng tính đoàn kết của tập thể để đưa công ty ngày càng phát triển.

Tin cùng chuyên mục