Đất công viên bị chiếm dụng

Trong khi chính quyền đang quyết liệt lập lại trật tự vỉa hè, xử lý việc chiếm dụng trái phép vỉa hè, thì nhiều diện tích công viên vẫn bị chiếm dụng mà chưa bị xử lý. 
Nhà chòi trú mưa, tránh nắng trong Công viên Âu Lạc trở thành quán nước giải khát
Nhà chòi trú mưa, tránh nắng trong Công viên Âu Lạc trở thành quán nước giải khát

Công viên là nơi tạo mảng xanh cho thành phố, nơi để người dân tập thể dục, vui chơi giải trí. Thế nhưng, nhiều mặt bằng công viên ở TPHCM đang bị chiếm dụng để cho thuê, sử dụng sai công năng, khiến mảng xanh bị thu hẹp. 

Những sai phạm kéo dài

Gần đây, đường dây nóng Báo SGGP thường nhận được các cuộc gọi của bạn đọc bức xúc đặt vấn đề: Trong khi chính quyền đang quyết liệt lập lại trật tự vỉa hè, xử lý việc chiếm dụng trái phép vỉa hè, thì nhiều diện tích công viên vẫn bị chiếm dụng mà chưa bị xử lý. Bạn đọc phản ánh, tại Công viên Âu Lạc (phường 4, quận 5), toàn bộ căn chòi trú mưa tránh nắng đã bị một hộ dân chiếm dụng làm quán, bày tủ và bàn ghế nhựa bán nước giải khát. Dưới sân công viên, nơi nào có bóng mát là nơi đó có bàn ghế của quán nước. Ngay cả nhà vệ sinh công cộng cũng bị một hộ dân khác chiếm dụng phía trước để bán nước giải khát, phía cửa nhà vệ sinh thì chứa đồ đạc, ô dù và làm nơi rửa ly, chén. Ông Ngô Văn Hải (ngụ đường Hùng Vương, quận 5) bức xúc: “Hàng ngày nhìn các học trò ra đây đá cầu xong phải ngồi nghỉ ngoài sân nắng mà thấy giận mấy người chiếm dụng căn chòi trú mưa tránh nắng. Đây là công viên, là nơi công cộng chứ đâu phải nhà riêng của họ, sao chính quyền địa phương lại để họ chiếm hết cả căn chòi và xếp hàng chục bàn ghế ở tất cả những nơi có bóng râm mát trong công viên để buôn bán?”.

Không chỉ những công viên nhỏ bị tự tiện chiếm dụng để buôn bán, các công viên lớn như Tao Đàn, Lê Thị Riêng, Thảo Cầm viên... còn có tình trạng xẻ đất cho doanh nghiệp thuê, xây dựng kiên cố nhằm mục đích kinh doanh. Ông Trương Minh Hòa (ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1) cho biết: “Tôi sống ở đây hơn 60 năm, trước đây Công viên Tao Đàn có 4 mặt tiền, nhưng rồi mười mấy hai chục năm nay, bỗng dưng người ta xây cửa hàng bít kín mặt tiền đường Huyền Trân Công Chúa rồi kinh doanh từ đó đến giờ. Đặc biệt, phía sau các cửa hàng này là những sân bóng mini, sân tennis... rất rộng, ăn sâu vào đất của công viên. Báo chí đã nhiều lần nhắc đến việc đất công viên này bị xẻ cho thuê, nhưng vẫn vậy. Đến nay những mặt bằng đã bị sử dụng không đúng công năng đó có còn là đất công viên nữa không?”.

Tương tự, khu vui chơi giải trí có thu phí, các kiốt bán hàng và cả quán cà phê nằm trong khuôn viên Thảo Cầm viên phía mặt đường Nguyễn Thị Minh Khai trước đây là khu vui chơi của trẻ em, chỉ cần mua vé vào cổng thì các bé được thoải mái chơi các trò chơi tại đây. Thế nhưng, hiện nay khu này được rào ngăn lại, tách biệt hẳn với khuôn viên Thảo Cầm viên.

Khu vui chơi Thỏ Trắng ở Công viên Lê Thị Riêng vốn là đất công viên cây xanh, nay biến thành một khu vui chơi có thu phí rất đắt đỏ. Chị Hà Thị Ái Nữ (ngụ quận 10) cho biết: “Ban đầu, khu vui chơi được mở tại một góc nhỏ trong công viên, nhưng rồi càng này càng “nở” ra. Nay thêm một trò đu quay, mai lại thêm một trò tàu lửa, cứ vậy lấn dần ra phần cây xanh. Tôi không hiểu tại sao tại một công viên lớn như vậy nhưng khu vui chơi miễn phí cho trẻ em và máy tập thể dục cho người dân thì èo uột, xuống cấp, còn khu vui chơi có thu phí với giá cao thì hoành tráng. Công viên là công trình phúc lợi công cộng để phục vụ người dân, nhưng xem chừng nay công viên này phục vụ nhu cầu kinh doanh nhiều hơn”.

Những lời giải thích

Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn, khẳng định: “Thảo Cầm viên không xẻ đất cho thuê. Từ năm 2005 đến nay, Thảo Cầm viên được Thành ủy TPHCM giao cho tự chủ kinh tế. Mỗi ngày, các chi phí thức ăn cho thú, bảo dưỡng, trồng mới cây cảnh, nhân công… rất lớn, nếu chỉ trông chờ vào doanh thu từ bán vé thì rất eo hẹp. Hơn nữa, vào buổi tối, Thảo Cầm viên khá tối tăm. Vì vậy, chúng tôi quyết định xây dựng các khu vui chơi để tạo điểm giải trí mới cho khách tham quan, vừa có thêm kinh phí để hoạt động. Theo đó, Công ty TNHH MTV Thảo Cầm viên Sài Gòn đã lựa khu vực dự kiến làm bãi xe ngầm và luồng lưu thông xe để kết hợp với Công ty Phú Hoàng Gia mở các gian hàng bán và trưng bày đồ lưu niệm. Khu vui chơi Big Zoo phục vụ giới trẻ. Riêng quán Zoo Café là nét riêng của Thảo Cầm viên khi xây dựng chuồng hươu cao cổ, đà điểu, nai và chuồng chim ở xung quanh quán cà phê này, khách vừa thưởng thức cà phê, vừa cho thú ăn, ngắm các loại chim quý”.

Còn bà Diệc Tuyết Mai, Chủ tịch UBND phường 4 quận 5, cho biết: “Công viên Âu Lạc do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 quản lý. Ngoài các kiốt thuê để kinh doanh cây cảnh thì hiện có 2 hộ dân kinh doanh nước. Một hộ ngụ tại quận 10 kinh doanh trong nhà chòi, còn một hộ là nhân viên của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5 kinh doanh tại phía trước nhà vệ sinh công cộng. UBND phường 4 có ký kết hợp tác đảm bảo an ninh trật tự trong và ngoài khuôn viên nhưng không có chức năng xử lý vi phạm chiếm dụng công viên. Trước phản ánh của bạn đọc, UBND phường 4 quận 5 sẽ làm việc với phía Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận 5 để có hướng xử lý.

Chúng tôi đang tiếp tục đi tìm những câu trả lời từ phía các cơ quan, đơn vị quản lý, giải thích cho việc đất công viên bị chiếm dụng, sử dụng không đúng công năng. Cũng giống như với vỉa hè, dù giải thích như thế nào cũng không thể bao biện cho việc chiếm dụng đất công viên, vì công viên là công trình phúc lợi công cộng.

Tin cùng chuyên mục