Đất khai hoang hay lấn chiếm?

Trên trang Nhịp cầu Bạn đọc Báo SGGP số ra ngày 15-8-2011, có đăng bài “Trả lại đất chiếm dụng cho trường học”, phản ánh Doanh nghiệp (DN) Thu Hà không trả lại 4 ki-ốt thuê của Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, buộc nhà trường phải đưa vụ việc ra tòa. Tòa án đã phán quyết và bản án đã được thi hành, nhưng cán bộ, giáo viên nhà trường càng bức xúc hơn bởi trường không chỉ mất diện tích ki-ốt mà còn đứng trước nguy cơ mất đất.
Đất khai hoang hay lấn chiếm?

Trên trang Nhịp cầu Bạn đọc Báo SGGP số ra ngày 15-8-2011, có đăng bài “Trả lại đất chiếm dụng cho trường học”, phản ánh Doanh nghiệp (DN) Thu Hà không trả lại 4 ki-ốt thuê của Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, buộc nhà trường phải đưa vụ việc ra tòa. Tòa án đã phán quyết và bản án đã được thi hành, nhưng cán bộ, giáo viên nhà trường càng bức xúc hơn bởi trường không chỉ mất diện tích ki-ốt mà còn đứng trước nguy cơ mất đất.

Thiệt đơn thiệt kép

Như bài báo đã phản ánh, vụ kiện kéo dài hơn 7 năm giữa Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức với DN Thu Hà để đòi lại 4 ki-ốt cho DN này thuê đã được Tòa án Nhân dân TPHCM phán quyết. Theo bản án phúc thẩm số 1374/DS-PT ngày 3-1-2010, chủ DN Thu Hà là ông Nguyễn Hữu Thọ phải giao trả nhà trường mặt bằng số 53 Võ Văn Ngân phường Linh Chiểu, diện tích 118m², gồm 3 ki-ốt và 1 nhà kho. Tòa không giải quyết yêu cầu tranh chấp quyền sử dụng đất giữa hai bên, theo bản vẽ của UBND quận Thủ Đức ngày 2-1-2008.
 
Tòa đã tuyên, bản án đã được thi hành nhưng vụ án vẫn chưa khép lại, bởi bản án đã làm cán bộ, nhân viên nhà trường càng bức xúc hơn khi nhà trường không đòi lại được toàn bộ 4 ki-ốt mà còn bị mất đất. Theo một số giáo viên, cơ quan thi hành án đã dành nhiều “ưu ái” cho DN Thu Hà: được nhận khu nhà kho, văn phòng hiện hữu, với diện tích xây dựng gần 200m², nằm ngay giữa khu đất. Còn 118m² mà DN Thu Hà trả lại cho nhà trường là 2 miếng đất nhỏ, tách rời nhau.

Điều đáng nói, khi bản án vừa được thi hành, DN Thu Hà còn được chính quyền cấp giấy cho phép sửa chữa, nâng cấp “biến” cơ sở kinh doanh thành khu nhà kiên cố lọt giữa khuôn viên nhà trường.

Cơ sở kinh doanh của Doanh nghiệp Thu Hà nằm giữa khuôn viên trường học.

Cơ sở kinh doanh của Doanh nghiệp Thu Hà nằm giữa khuôn viên trường học.

Ông Cao Ngọc Hạnh, Trưởng phòng Quản trị và đời sống, người được nhà trường phân công theo đuổi vụ kiện, cho biết, sau 7 năm theo kiện, trường chỉ đòi được 3 ki-ốt, tổng diện tích 118m², còn phía đi thuê lại được sử dụng khu nhà rộng gần 200m². Nhiều người nghi ngờ, phải chăng có sự khuất tất, sai sót của cơ quan có thẩm quyền trong cách giải quyết việc tranh chấp này.

Trước đây, nhà trường đã có văn bản đề nghị UBND quận Thủ Đức hỗ trợ, giúp đỡ thu hồi 4 ki-ốt nhưng quận không giải quyết, mà hướng dẫn đưa vụ việc ra tòa. Nay nhà trường không biết gõ cửa cơ quan nào để đòi lại đất. Chủ trương đưa các cơ sở kinh doanh, nhà ở ra khỏi khuôn viên trường học không thực hiện được mà đất đai của trường học đã bị xâm phạm.
 
Cần xử lý dứt điểm

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, năm 1991 mảnh đất đang tranh chấp vốn là giếng nước công cộng, xung quanh là đất hoang có nhiều cỏ. Ông cùng nhà trường cùng khai phá đất đai, hùn vốn xây dựng ki-ốt để cho thuê. Sau đó DN Thu Hà ký hợp đồng với nhà trường thuê số ki-ốt này. Trong quá trình kinh doanh, ông đã khai hoang, xây dựng khu nhà kho, văn phòng, mở rộng diện tích lên 313,9m². Như vậy, đất này do ông khai hoang mà có chứ không phải đất của nhà trường.

Trong những lần tòa án tổ chức hòa giải, ông Thọ đưa ra ý kiến: “Trường yêu cầu trả mặt bằng trong khi tôi khó có thể di dời cơ sở kinh doanh đi nơi khác, nên tôi không đồng ý. Nếu phần đất này do Nhà nước quản lý và có nhu cầu lấy lại sử dụng thì phải xem xét đến công sức khai thác, đầu tư và tạo điều kiện cho tôi có một mặt bằng khác để doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động…”.
 
Ông Nguyễn Toàn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, cho biết, trước đây nhà trường cùng ông Thọ góp vốn xây dựng 4 ki-ốt trên khuôn viên của nhà trường để cho thuê và ông Thọ đã thuê số ki-ốt này. Khi nhà trường không có nhu cầu cho thuê nữa thì DN Thu Hà không những phải trả lại ki-ốt mà phải giao trả lại toàn bộ đất lấn chiếm cho nhà trường.
 
Theo tài liệu chúng tôi có được, khu nhà đất Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức có nguồn gốc của dòng tu Lasan Việt Nam. Tháng 10 -1975, Giáo phận Sài Gòn đồng ý trao cho Nhà nước quyền sử dụng các trường thuộc giáo phận để phục vụ mục tiêu giáo dục. Năm 1984, UBND TP có Quyết định số 215/QĐ thành lập Trung tâm Giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp Thủ Đức, tiền thân của Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức hiện nay.

Năm 1994, nhà trường đã gửi văn bản cho Sở Giáo dục xin phép được xây dựng tường bao xung quanh và số ki-ốt, nhà kho văn phòng DN Thu Hà nằm trong khuôn viên tường bao của nhà trường. Năm 1995, UBND TP ban hành Quyết định số 2702/QĐ xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với 7 trường tư thục cũ, nguyên thuộc dòng tu Lasan, trong đó có địa điểm của Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức.
 
Từ cơ sở pháp lý cũng như quá trình sử dụng đất từ tháng 10-1975 đến nay, cho thấy khu nhà đất đang tranh chấp đều do nhà trường trực tiếp quản lý, sử dụng liên tục. Như vậy, việc ông Nguyễn Ngọc Thọ, chủ DN Thu Hà, cho rằng khu đất do khai hoang mà có là thiếu cơ sở, có chăng do nhà trường buông lỏng quản lý nên doanh nghiệp đã lấn chiếm, mở rộng.

Thiết nghĩ, để đưa cơ sở kinh doanh Thu Hà ra khỏi khuôn viên trường học, tạo môi trường sư phạm thông thoáng cũng như giải tỏa những bức xúc, trăn trở của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường, UBND quận Thủ Đức và các đơn vị liên quan cần vào cuộc, xử lý dứt điểm.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục