Dấu ấn của Đại tướng Lê Đức Anh ở miền Tây Nam bộ

Không chỉ là vị tướng tài ba, có tầm nhìn chiến lược, anh Sáu Nam còn rất giỏi về chiến thuật, sáng tạo nên nhiều cách đánh hiệu quả. Một trong những chiến thuật mà anh Sáu Nam chỉ đạo áp dụng rất thành công ở chiến trường Tây Nam bộ giai đoạn 1969-1973 là “đặc công hóa” cách đánh cho bộ đội. Nghĩa là ngay cả lực lượng bộ binh cũng được huấn luyện theo lối đánh đặc công, phát triển từ đánh nhỏ lẻ lên đánh lớn, chuyển từ đánh ban đêm sang đánh ban ngày, kết hợp hỏa lực hỗ trợ...
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trong một lần họp mặt với các đồng chí Đảng ủy Quân khu 9. Ảnh: THANH NGUYỄN
Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam trong một lần họp mặt với các đồng chí Đảng ủy Quân khu 9. Ảnh: THANH NGUYỄN

“Anh Sáu Nam” là cách gọi thân mật, gần gũi của các cán bộ Khu 9 (Quân khu 9 hiện nay) dành cho Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam từ khi ông còn ở cương vị Tư lệnh Quân khu 9 (giai đoạn 1969-1973 và 1976-1978).

Vị tư lệnh có tầm nhìn chiến lược

Câu chuyện dưới đây được chúng tôi lược ghi theo lời kể của Thiếu tướng Lê Xã Hội, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9 vào những ngày cuối tháng 4 lịch sử.

Nhắc lại những kỷ niệm với Đại tướng Lê Đức Anh, nhất là ở giai đoạn 1969-1973, Thiếu tướng Lê Xã Hội xúc động nói: “Với anh em chúng tôi hồi đó, anh Sáu Nam là người chỉ huy nghiêm khắc nhưng hết sức tình cảm”.

Thiếu tướng Lê Xã Hội cho biết thêm: Không chỉ là vị tướng tài ba, có tầm nhìn chiến lược, anh Sáu Nam còn rất giỏi về chiến thuật, sáng tạo nên nhiều cách đánh hiệu quả.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tình hình Khu 9 rất khó khăn. Địch tập trung điên cuồng đánh phá, lực lượng ta chịu nhiều tổn thất, nhiều vùng nông thôn bị mất… Trong bối cảnh đó, anh Sáu Nam được Trung ương Cục miền Nam và Bộ Tư lệnh miền điều về làm Tư lệnh quân khu; anh Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) làm Bí thư Khu ủy. Nhanh chóng nắm chắc địa bàn, nhận định rõ tình hình địch - ta, anh Sáu Nam đưa ra một quyết định táo bạo, đột phá: Để giành lại thế chủ động chiến trường, nhất định ta phải có cho được nhiều lực lượng tập trung! Anh đề xuất về trên và được chấp thuận, nhờ đó Khu 9 đã củng cố, xây dựng và được tăng cường nhiều đơn vị chủ lực cấp trung đoàn; trong đó nổi bật có các đơn vị: Trung đoàn 1 (U Minh), Trung đoàn 3 (Cửu Long), Trung đoàn 20 (Hương Giang), Trung đoàn 10, Trung đoàn 2 (Lộc Ninh)… Nên nhớ lúc ấy, trong nội bộ Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu 9 cũng có một số ý kiến không tán thành với lập luận ĐBSCL không phù hợp cho việc xây dựng lực lượng tập trung cấp trung đoàn. Thực tế diễn ra sau đó cho thấy, quyết định của anh Sáu Nam hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Ta đã từng bước giành được thế chủ động, giữ được đất, mở rộng vùng giải phóng.

Cũng với tầm nhìn chiến lược, anh Sáu Nam đã sớm nhận ra ý đồ “dục hoãn cầu mưu” của địch trong Hiệp định Paris 1973. Từ đó ta đã chủ động tấn công, làm thất bại kế hoạch bình định, lấn chiếm, tràn ngập lãnh thổ của địch trên chiến trường Tây Nam bộ, mà đỉnh điểm là chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch ở Chương Thiện (nay thuộc tỉnh Hậu Giang) trong năm 1973.

Thiếu tướng Lê Xã Hội cho biết thêm: Không chỉ là vị tướng tài ba, có tầm nhìn chiến lược, anh Sáu Nam còn rất giỏi về chiến thuật, sáng tạo nên nhiều cách đánh hiệu quả. Một trong những chiến thuật mà anh Sáu Nam chỉ đạo áp dụng rất thành công ở chiến trường Tây Nam bộ giai đoạn 1969-1973 là “đặc công hóa” cách đánh cho bộ đội. Nghĩa là ngay cả lực lượng bộ binh cũng được huấn luyện theo lối đánh đặc công, phát triển từ đánh nhỏ lẻ lên đánh lớn, chuyển từ đánh ban đêm sang đánh ban ngày, kết hợp hỏa lực hỗ trợ.

“Đặc công hóa là chỉ đạo rất hay, mới mẻ, thể hiện đậm nét dấu ấn của anh Sáu Nam. Đến năm 1972, cục diện chiến trường có bước chuyển biến thấy rõ, nhiều đơn vị cấp trung đoàn của ta đã đánh chiếm, tiêu diệt đến cấp chi khu của địch”, Thiếu tướng Lê Xã Hội tâm đắc.

Theo Thiếu tướng Lê Xã Hội, tuy nghiêm khắc là vậy nhưng Đại tướng Lê Đức Anh luôn hiểu và tin yêu cấp dưới. Ông sẵn sàng đón nhận, lắng nghe cả những ý kiến “nghịch nhĩ”, đôi khi… ngỗ ngược của cán bộ thuộc quyền, bởi ông hiểu rõ đức tính và năng lực của từng người. Nhiều cán bộ có khí chất ngang tàng thời đó đều được ông tạo điều kiện kinh qua thử thách, sau này đều phát triển lên cao, giữ nhiều trọng trách ở Quân khu 9.

Sức mạnh của cánh quân Tây - Tây Nam ngày 30-4-1975

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tướng Lê Đức Anh là chỉ huy của một trong 5 cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam Sài Gòn, để làm nên trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Lực lượng của tướng Lê Đức Anh bao gồm các Sư đoàn 5, Sư đoàn 9 chủ lực Miền, Sư đoàn Phước Long (trước có tên là C30B); 6 trung đoàn độc lập bao gồm Trung đoàn 16, 88, 24, 271, 172 và 27B; Tiểu đoàn 26 tăng với 17 xe tăng T-54 hiện đại nhất thời điểm bấy giờ, một trung đoàn đặc công, tiểu đoàn tăng 24 với 18 xe PT-76, tiểu đoàn xe bọc thép 23 với 22 xe BTR-60 cùng 8 xe M-113 chiến lợi phẩm ta thu được của địch; 5 Đại đội pháo binh gồm 27 khẩu pháo các loại; Trung đoàn phòng không hỗn hợp 595, một tiểu đoàn pháo phòng không 23mm và tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm. Ngoài ra, Đoàn 232 còn được tăng cường Sư đoàn 8 từ Quân khu 8, tổng quân số của Đoàn 232 nếu tính cả Sư đoàn 8 vào khoảng 42.000 quân.

Nhiệm vụ của tướng Lê Đức Anh cùng cánh quân Tây Nam là cắt đứt đường số 4 kéo dài từ Bến Lức tới ngã ba Trung Lương, chiếm Tân An, Mỹ Tho, chia giao thông đường bộ, đường thủy giữa Sài Gòn và miền Tây Nam bộ, sau đó thọc sâu đánh chiếm Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, cầu Nhị Thiên Đường, Tổng Nha cảnh sát, phong tỏa và tiêu diệt địch trong các quận 5, 6, 7, 8, 10, 11 của Sài Gòn. Ngoài ra, Đoàn 232 còn có nhiệm vụ đánh chiếm các tỉnh lỵ Long An, Kiến Tường, đảm bảo tàn quân của Sài Gòn không thể rút về ĐBSCL được.

Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đã xác định 5 mục tiêu quan trọng nhất bao gồm Bộ Tổng Tham mưu Quân lực VNCH, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập. Trong số 5 mục tiêu này, Đoàn 232 đã nhận nhiệm vụ đánh chiếm 2 mục tiêu. Ngay trong đợt tấn công đầu tiên của địch, ta đã khiến đối phương bất ngờ do chúng cho rằng chúng ta sẽ chỉ tấn công chủ lực từ hướng Bắc và khu vực duyên hải. Sự xuất hiện của Đoàn 232 với sức mạnh tương đương một quân đoàn khiến mọi kế hoạch di tản của địch bị phá sản ngay lập tức.

Vào đợt tấn công thứ 2 của Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra vào ngày 29-4, ở hướng Tây Nam, Sư đoàn 9 đảm nhận mũi tấn công chính cùng 2 tiểu đoàn xe tăng đã vất vả vượt qua đầm lầy, sông nước chằng chịt ở Long An chiếm cầu Bà Lác, ngã năm Vĩnh Lộc nhằm thẳng hướng Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô, 1 trong 5 mục tiêu chiến lược. Mục tiêu này bị ta vây chặt mặc cho không quân đối phương liên tục oanh kích với ý đồ mở đường thoát cho đồng đội dưới mặt đất.

Tới 10 giờ 30 ngày 30-4, các binh lính và sĩ quan chế độ Sài Gòn bên trong Biệt khu Thủ đô ra hàng. Phát huy chiến thắng, cánh quân của tướng Lê Đức Anh đã đánh chiếm Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia, Tổng nha cảnh sát, Cảnh sát đô thành, các quận Tân Bình, Bình Chánh và hợp điểm tại Dinh Độc Lập đúng 11 giờ 30 ngày 30-4-1975.

Tin cùng chuyên mục