Quản lý vốn ODA

Đâu là chìa khóa?

KHÔI VIỆT
Đâu là chìa khóa?

Khi Diễn đàn toàn cầu về giải trừ nghèo khó diễn ra tại Tokyo, một nhật báo lớn ở Lagos, thủ đô Nigeria, đất nước thuộc thế giới thứ ba, đã có loạt bài nhận định về hiệu quả và hậu quả của ODA (viết tắt của Official Development Assistance) nhằm ủng hộ cho đề xuất thành lập một dạng “Kế hoạch Marshall nội địa” giúp Nigeria thoát khỏi tình trạng nghèo khó, lạc hậu trầm kha.

  • Cú hích Marshall
Đâu là chìa khóa? ảnh 1

Trung Quốc là nước đứng thứ 3 trong danh sách các nước nhận nhiều ODA của Nhật.

Báo này nhận định rằng, trong lịch sử 60 năm qua, Nhật, Đức, Na Uy, Pháp… là những nước rất giỏi khai thác và quản lý vốn ODA để tái kiến thiết đất nước thời hậu Thế chiến 2.

Thời ấy, ODA lớn nhất chính là Kế hoạch Marshall (gọi theo tên của người đề xuất ra nó, Ngoại trưởng Mỹ George Marshall, nhằm giúp các nước châu Âu tái kiến thiết, tránh hiểm họa lại xảy ra đại chiến, tên gọi chính thức là Chương trình tái Kiến thiết châu Âu, ERP).

Kế hoạch này ra đời vào tháng 7-1947, quyết định trong 4 năm tài chính sẽ dành ra 13 tỷ USD (nay bằng khoảng 130 tỷ USD) cho công việc tái thiết các nước châu Âu đồng ý tham gia Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu. Đầu thập niên 50, Kế hoạch Marshall đã đem lại sức sống mới cho các nước châu Âu nhưng nền kinh tế Mỹ lại được thụ hưởng nhiều nhất vì thời hậu chiến mọi thứ hàng hóa cần thiết cho sự sống hàng ngày lẫn các máy móc dành cho phát triển kinh tế đều xuất phát từ Mỹ.

Nhờ kế hoạch này mà vào năm 1953, ông Marshall đã được trao cho giải Nobel Hòa bình (ông nhận bằng danh dự nhưng không nhận tiền thưởng).

Năm 1997, kỷ niệm 50 ngày ra đời Kế hoạch Marshall, một nhật báo lớn ở Na Uy đã có bài viết kể rằng từ năm 1948 đến 1952, thông qua kế hoạch này, Na Uy đã nhận được số tiền trợ giúp phát triển là 256 triệu USD (bằng gần 1,7 tỷ USD thời giá 1997) phát triển nhà ở, xây dựng hệ thống đường sá, cầu cống, đập thủy điện, hệ thống phân phối điện, công nghiệp đóng gói, đánh bắt hải sản và đóng tàu khách đi biển. 
 
Ở bên Thái Bình Dương, Nhật và nhiều nước khác đồng minh với Mỹ cũng được hưởng nhiều khoản trợ giúp phát triển kinh tế, tái kiến thiết đất nước. Vốn đã có nhiều kinh nghiệm quản lý và xây dựng các công trình lớn nên chỉ đến năm 1964, thông qua sự kiện Olympic Tokyo, Nhật xem như đã tái khẳng định mình cũng là một cường quốc kinh tế.

  • Từ “con nợ” trở thành “chủ nợ”

Khi Nhật và các nước châu Âu đã tái phát triển kinh tế, xã hội thành công, họ cũng dần trở thành các nước tích cực tham gia vào các chương trình tài trợ phát triển kinh tế cho các nước kém phát triển. Nói cách khác, họ từ vị trí các “con nợ” đã đổi đời thành các “chủ nợ”, không thua gì những World Bank, IMF, Asian Development Bank, Africa Development Bank…

Nợ ở đây thường là ODA dành cho các nước nghèo đang tìm cách phát triển (gồm viện trợ không hoàn lại - gọi là grants - và cho vay với lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay kéo dài hàng chục năm). Các “chủ nợ” chỉ bật đèn xanh cho ODA sau khi đã “chọn mặt gửi vàng”. Các khoản ODA họ dành cho từng nước nghèo bao giờ cũng kèm theo khá nhiều điều kiện. 

ODA của Nhật đã tăng 47% trong năm 2005, đạt cụ thể 13,1 tỷ USD, Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD), trụ sở chính tại Paris cho biết. Trong số 22 nước thành viên OECD, Mỹ là nước ban phát nhiều ODA nhất với 27,5 tỷ USD, sau đó là đến các nước Nhật, Anh, Pháp và Đức. Đây là năm thứ năm liên tiếp Nhật xếp hạng cao trong danh sách các quốc gia dành nhiều ODA cho các nước nghèo và các nước đang phát triển.

Trung Quốc xếp hạng 3 trong danh sách các nước nhận nhiều ODA của Nhật. Từ năm 1979 (tức 7 năm sau ngày Bắc Kinh và Tokyo bình thường hóa quan hệ ngoại giao) đến năm 2005, số tiền ODA Nhật dành cho Trung Quốc lên đến hơn 25,7 tỷ USD nhưng Nhật sẽ chấm dứt viện trợ cho TQ kể từ năm 2008 trở đi. Tuy nhiên, như Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Taro Aso nói trong Câu lạc bộ báo giới quốc gia tại Tokyo ngày 19-1-2006, suy cho cùng ODA mà Nhật dành cho các nước thực ra là để giúp chính nước Nhật cả hôm nay lẫn mai sau.

Tại Diễn đàn toàn cầu về giải trừ nghèo khó, Phó Tổng giám đốc EuropeAid Hugh Richardson nhấn mạnh đến điều này. Theo ông, nước ban phát ODA phải coi nước thụ hưởng ODA như đối tác của mình và hai bên cần làm việc với nhau thật chặt chẽ trong môi trường hòa hoãn, bình đẳng. Nước cấp vốn ODA không được định đoạt, ra lệnh cho nước hưởng nhận ODA. “Chỉ có cách hợp tác trong sự tôn trọng lẫn nhau thì việc kiểm tra, phòng chống tham ô, tuy là việc làm đầy khó khăn, mới có thể đạt kết quả cao và như vậy ODA mới thực sự phát huy hết hiệu quả mong muốn”, ông khẳng định.

  • ODA của OECD tăng cao

Năm 2005, số vốn ODA mà 22 nước thành viên OECD dành cho các nước đang phát triển ở khắp thế giới đã tăng 31,4%, đạt 106,5 tỷ USD. Đây là một kỷ lục, chiếm 0,33% tổng thu nhập quốc gia (Gross National Income, GNI) của Câu lạc bộ Paris các nước chủ nợ. Nếu như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp và Đức vẫn là các nước cấp nhiều ODA nhất thì chỉ vài nước có đóng góp vượt qua mục tiêu dành 0,7% của GNI cho ODA mà Liên hiệp quốc đề ra từ cách nay gần 40 năm. Đó là Đan Mạch, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển.

Theo www.globalissues.org, hiện nay trên thế giới, các nước đang phát triển phải chi trung bình 13 USD thanh toán nợ nhưng chỉ nhận được 1 USD từ khoản viện trợ không hoàn lại.
Đối với 60 nước nghèo nhất thế giới, trong 3 thập niên qua đã thanh toán được tổng cộng 540 tỷ USD, cả tiền vay lẫn tiền lãi phát sinh, cho các nước chủ nợ nhưng còn mắc nợ khoảng 523 tỷ USD. Trong khi đó, mỗi năm, các nước này có khoảng 11 triệu trẻ em qua đời vì nghèo đói, bệnh tật.

KHÔI VIỆT(Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục