Đau mấy cũng phải làm

Thời gian gần đây dư luận trong nước và thế giới đặc biệt quan tâm đến việc chống tham nhũng, lợi ích nhóm ở Việt Nam. Có người ví đây là cuộc cách mạng mới. 
Thực ra từ lâu vấn đề chống tham nhũng, chống tiêu cực đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Nhưng công bằng mà nói, hiệu quả chưa đi đến đâu; do hoặc nói nhiều làm ít, hoặc còn sợ “đánh chuột vỡ bình” và thậm chí có chủ trương, có lúc “đánh trống bỏ dùi”, “rung cây nhát khỉ”...
Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về công tác xây dựng Đảng gần đây, việc chống tham nhũng, chống suy thoái trong nội bộ Đảng ta đã trở thành luồng gió mới; như cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy. Tuy mới chỉ là kết quả bước đầu trên mặt trận vốn khó khăn, phức tạp, trầm kha này, nhưng đã cho chúng ta tín hiệu mới, niềm tin mới. 
Trước hết, về mặt nhận thức đã có sự chuyển biến từ Trung ương đến địa phương; đặc biệt Trung ương. Rằng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm... là việc làm cấp bách, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ (không dừng lại ở mức tổn hại uy tín của Đảng như trước đây). 
Rằng, không còn lãnh địa, vùng cấm trong việc xử lý, công khai các vụ tham nhũng; mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Cán bộ, đảng viên là công dân gương mẫu cần đi đầu thực hiện việc chống tham nhũng và nếu “dính” tham nhũng phải được xử lý có phần tăng nặng thêm, do ngoài nghĩa vụ công dân, đảng viên còn ràng buộc bởi Điều lệ và các quy định khác của Đảng. 
Thứ hai, phải công nhận bước đi, biện pháp xử lý các vụ việc đã có nét mới. Nét mới ấy chưa có tiền lệ, lúc đầu chưa hẳn đã nhận được sự ủng hộ của số đông. Nhưng sau càng thấy biện pháp ấy có hiệu quả, được lòng dân. Đơn cử như việc cách hết các chức vụ của người vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, dù bất cứ người ấy là ai, đang làm việc hay đã nghỉ hưu. Có người nói, cách chức người không còn giữ các chức vụ ấy nữa thì có gì hay. Nhưng, xét cho cùng chức vụ gắn liền với quyền lợi cũng quan trọng, song cái quan trọng hơn là danh dự. Người Việt ta trọng danh dự. Để tiếng xấu cho muôn đời con cháu, vết nhơ cho gia tộc, dòng họ, bản xứ thì ai cũng thấy xấu hổ, tổn thương. Điều này nữa, biên giới, phạm vi đối tượng xử lý cũng rộng hơn. Phần lớn các “lãnh địa, vùng cấm trước đây đã được mở toang. Ví dụ như các cán bộ cấp cao: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng và các sĩ quan cấp tướng... không còn là vùng cấm. Việc xử lý theo Điều lệ Đảng và pháp luật với những người đứng đầu về Đảng và chính quyền ở TPHCM, Đà Nẵng, Bình Định, Gia Lai…, ở các bộ ngành: Công thương, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ... đã củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân vào quyết tâm và hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng, chống tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
Thứ ba, việc vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt các cơ quan bảo vệ pháp luật, giám sát việc thi hành Điều lệ Đảng; các cơ quan báo chí, công luận rất hiệu quả đã mang sức sống mới. Các thông báo kết luận xử lý vi phạm của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng được công khai nhanh chóng trên các phương tiện thông tin đại chúng đã mang lại tín hiệu mới, hiệu quả và thuyết phục. Có nơi đối tượng bị xử lý vẫn bình chân tại chức hoặc an phận khi về hưu, nhưng “bỗng dưng” thấy mình xuất hiện trên tivi, báo chí bị xử lý kỷ luật; có muốn chạy tội cũng hết đường. 
Các phiên tòa công khai xét xử các vụ án lớn cũng có nét mới. Không ai có liên quan tới tham nhũng, vi phạm pháp luật mà yên thân, rung đùi ngồi ở “biệt phủ” nhà mình theo dõi diễn biến các phiên xét xử. Mà nếu đã dính “chàm” hãy sẵn sàng tiếp nhận “trát” mời ra tòa đối chứng, làm sáng tỏ vụ việc. 
Như thế, không ai có thể “hạ cánh an toàn”. Chỉ hạ cánh an toàn khi trong lúc thực thi nhiệm vụ không tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm, không tranh thủ “chuyến tàu hoàng hôn “ để vơ vét, tư lợi.
Tuy vậy, đấy mới chỉ là kết quả bước đầu. Cần kiên trì thực hiện với quyết tâm cao, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Không sợ “đánh chuột vỡ bình”, không sợ “kẻ thù lợi dụng bêu xấu, phá hoại”... Đương nhiên đây là lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến sinh mệnh chính trị, danh dự của con người và tổ chức nên cần thận trọng, xử lý đúng người, đúng việc; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tránh sai sót, lầm lẫn.
Liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ; vì lợi ích của cả dân tộc, vì xương máu của hàng triệu liệt sĩ và đồng bào để có ngày hôm nay, phải tự tin, tâm sáng, lòng trong, vững vàng trên mặt trận chống giặc nội xâm vốn phức tạp và nóng bỏng này.
Tiêu diệt cái xấu, cái ác, lập lại trật tự kỷ cương, đau mấy cũng phải làm! 

Tin cùng chuyên mục