Đầu năm, lo sức mua yếu

Kết thúc mùa kinh doanh cao điểm tết, doanh thu tại nhiều doanh nghiệp (DN) đã không như kỳ vọng, mức tăng chỉ đạt ngang bằng những năm trước. Một trong những nguyên nhân chính là thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng đã và đang có sự thay đổi rất nhanh và mạnh.
Chế biến thực phẩm cung ứng thị trường TPHCM và các tỉnh, thành. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến thực phẩm cung ứng thị trường TPHCM và các tỉnh, thành. Ảnh: CAO THĂNG
Không đạt kỳ vọng
Mùa kinh doanh tết được xem là thời điểm vàng để các DN tung ra nhiều sản phẩm mới, tăng lượng hàng bán ra. Dù chỉ gói gọn trong một tháng, nhưng thông thường tháng tết chiếm tới 30% tổng doanh thu tại một DN. Điều này có thể lý giải vì sao các DN lại dành nhiều tâm huyết, đầu tư nhiều cho tháng tết, rồi sau đó có thể nghỉ thả ga để đi du xuân, xả stress!
Nhưng gần đây, tình hình đã khác đi rất nhiều. Theo ghi nhận của chúng tôi, Tết Mậu Tuất 2018 cũng là năm thứ 3 liên tiếp, thị trường tết thường kết thúc muộn và kinh doanh sớm. Nếu những năm trước, các cửa hàng kinh doanh trên đường phố thường đóng cửa lúc 22 giờ, kết thúc vào trưa 30 tết thì năm nay nhiều cửa hàng đóng cửa vào 24 giờ và kết thúc mùa kinh doanh là chiều muộn của ngày 30 tết. Có nhiều lý do khiến các chủ cửa hàng phải kéo dài thời gian mở cửa, trong đó quan trọng nhất là họ phải cố gắng bán được nhiều hàng chừng nào tốt chừng đó, vừa để tránh hàng tồn, vừa có chi phí trang trải sau tết. 
Sau Tết Nguyên đán, thị trường không có biểu hiện “lãn thị” để du xuân như những năm trước, mà ngay từ mùng 4 tết đã đồng loạt mở cửa trở lại. Nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng bình ổn và các chợ đã hoạt động từ sáng mùng 2 tết. Thậm chí, một số hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi của các DN nước ngoài còn mở cửa liên tục để đón khách. Các ngành hàng từ thực phẩm, điện máy, ngay cả các siêu thị kinh doanh đa ngành cũng bước vào cuộc đua khuyến mãi, nơi nào cũng giảm giá hàng trăm mặt hàng với mức 5% - 49%. Tất cả những động thái này cho thấy, sức mua sau tết bắt đầu rơi vào giai đoạn thấp điểm. Không khuyến mãi cũng đồng nghĩa sẽ không bán được hàng. 
Kết thúc mùa kinh doanh tết, một số DN chủ lực cho biết, lượng hàng bán ra mới chỉ đạt khoảng 80% kế hoạch chuẩn bị, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng và mức tăng có giảm chút ít so với tết 2017. Báo cáo kết quả kinh doanh tháng tết tại Saigon Co.op cho thấy, doanh thu và lượng khách trung bình của Co.opmart, Co.opXtra tăng gấp 3 lần ngày thường, doanh thu tăng gần 10% so với mùa tết 2017. Tại một số hệ thống siêu thị khác, mức tăng doanh thu cũng chỉ dừng ở 5%, cá biệt một số siêu thị không tăng. Phân tích kỹ về mức tăng doanh thu trong tháng tết, nhiều DN thừa nhận, đây là mức tăng cơ học từ việc mở thêm nhiều điểm bán trong dịp tết, còn như không thì chỉ đạt doanh thu ngang bằng năm ngoái!
Ẩn số sức mua
Có thể thấy rõ xu hướng mua sắm của người dân đã hoàn toàn thay đổi, chuyển từ việc ăn tết sang vui tết, từ việc dự trữ nhiều mặt hàng thực phẩm sang việc mua sắm nhiều hơn các mặt hàng phục vụ cho nhu cầu thư giãn như hoa tươi phải đẹp, trái cây phải ngon, thực phẩm phải sạch. Nếu các DN không kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh rải đều trong năm mà chỉ trông chờ vào tháng tết, chắc chắn sẽ khó hoàn thành kế hoạch doanh thu năm.
Bên cạnh đó, xu hướng giá hàng tết ổn định như những tháng thường đang trở nên phổ biến. Cũng chưa có tết năm nào trào lưu tự cung, tự cấp các mặt hàng thực phẩm tươi sống tiếp tục phát triển mạnh mẽ và phổ biến như năm nay. Đại diện các DN tham gia chương trình bình ổn hàng lương thực, thực phẩm cho rằng, nếu họ không chuyển hướng nhanh sang việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm đạt chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc, từ trứng gà công nghiệp sang trứng gà ta, gà ác... sẽ rất khó đảm bảo doanh số. 
Đánh giá chung về sức mua trong năm 2018, nhiều DN cho rằng vẫn còn nhiều ẩn số. Họ rất hồi hộp, lo lắng, bởi thực chất của vấn đề sức mua là do yếu tố khách quan của nền kinh tế, đặc biệt các chính sách vĩ mô. Thực phẩm là mặt hàng quan trọng hàng đầu, nhưng trao đổi với chúng tôi, nhiều DN lo ngại khi tốc độ tăng trưởng ngày càng thấp, lợi nhuận teo tóp.
Ông Trương Chí Thiện cho biết, ngay trong những tháng đầu năm 2018, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khá cao, trong khi giá trứng thành phẩm không thể tăng theo, khiến người chăn nuôi chịu nhiều thiệt thòi. Mặt khác, hiện có rất nhiều DN đầu tư vào chăn nuôi với quy mô lớn, đặc biệt là ở mặt hàng trứng gà, tổng đàn có thể lên tới hàng triệu con, do vậy các trang trại nhỏ nếu không tái cơ cấu sớm và chuyển đổi mô hình chăn nuôi, chắc chắn sẽ bị phá sản hàng loạt. 
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt, cho hay toàn bộ sản lượng trứng dự trữ đã không được dùng tới. Hiện công ty đang tính toán các giải pháp để chế biến nhằm giải quyết dứt điểm lượng hàng tồn nêu trên. Tương tự, một DN cung ứng hàng đầu ở nhóm thịt heo và thịt bò của TP cũng than trời khi sức mua quá yếu, cho dù công ty đã tổ chức hàng loạt các đợt khuyến mãi giảm giá trực tiếp trên sản phẩm.
Trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, có không ít DN chọn phương án an toàn là sản xuất cầm chừng vì cho đến nay họ chưa mở thêm được kênh phân phối. Đại diện một DN chuyên sản xuất ba lô, cặp xách học sinh cho rằng dù kinh tế đã đi vào ổn định nhưng sức mua vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, do vậy công ty không dám mạo hiểm để dự trữ quá nhiều nguyên vật liệu để sản xuất hàng hóa cho mùa khai trường năm học 2018-2019 sắp tới. 
Người tiêu dùng vẫn đang thắt chặt chi tiêu và mua sắm chừng mực. Theo thống kê của một hệ thống siêu thị hàng đầu tại TPHCM, trong năm 2017 nói chung và dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, sức mua vẫn chỉ co cụm vào các nhóm hàng phục vụ cho nhu cầu hàng ngày như thực phẩm tươi sống, hóa phẩm và công nghệ phẩm; còn các nhóm hàng tiêu dùng không thường xuyên như quần áo, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm, giày dép, thủ công mỹ nghệ rất khó tăng. Mặt khác, việc mua sắm của khách hàng cũng được tính toán, chọn lọc kỹ càng hơn. Sản phẩm nào đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có thương hiệu và uy tín, đặc biệt có giá thành hợp lý sẽ tiếp tục thắng thế.

Tin cùng chuyên mục