Đầu ra cho trái cây Việt

Tiếp sau những thông tin về chuyện người Thái đã mua được hệ thống siêu thị Big C và chuyện hàng Thái tràn ngập chợ, cuối tuần qua người ta lại giật mình vì những con số biết nói: 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam là 156,8 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó trái cây nhập khẩu từ Thái Lan đã lên đến 60 triệu USD, qua mặt cả trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tiếp sau những thông tin về chuyện người Thái đã mua được hệ thống siêu thị Big C và chuyện hàng Thái tràn ngập chợ, cuối tuần qua người ta lại giật mình vì những con số biết nói: 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam là 156,8 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó trái cây nhập khẩu từ Thái Lan đã lên đến 60 triệu USD, qua mặt cả trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thật đáng buồn và đáng lo ngại khi một nước có nhiều lợi thế về cây trái nhiệt đới với niềm tự hào mùa nào trái nấy, mà giờ đây trái cây lại bị “thua trên sân nhà”. Trước đây, trái cây Thái vào thị trường Việt Nam chỉ có xoài, bòn bon, sầu riêng, me…, bây giờ thì đa dạng hơn nhiều, có cả quýt, táo xanh, mít…  Lâu nay, đặc sản xoài cát Hòa Lộc luôn đứng hàng đầu, nhưng không ngờ nay xoài Thái lại được bán với giá cao hơn cả xoài cát Hòa Lộc. Ngày trước, người Việt Nam sang thăm Thái Lan, ăn me Thái và cứ trầm trồ rằng “y như trồng me bằng… nước đường” và nuôi hy vọng một tương lai không xa, với công nghệ sinh học trong nước, Việt Nam cũng có me tương tự. Vậy mà chờ hoài không thấy, chỉ biết bây giờ phải mua me Thái với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg. Giá bán bòn bon Thái còn “khủng” hơn: 200.000 đồng/kg, mắc hơn 3 lần so với bòn bon nội. Rồi mít Thái, giá 120.000 đồng/kg, trong khi mít trong nước (giống Thái) chỉ có 40.000 - 50.000 đồng/kg.

Cạnh tranh với trái cây ngoại nhập rất gian nan, trong khi đó, trái cây trong nước lại còn gặp nhiều tai ương. Thương lái thu mua tất tần tật sầu riêng của nhà vườn, rồi đem nhúng thuốc để chín vàng, nên bây giờ thành… sầu chung: Nhiều người không dám ăn, đến nỗi các điểm bán sầu riêng trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 5, TPHCM) phải treo biển khẳng định “không nhúng thuốc” mới có người mua. Đến mít cũng bị chích thuốc để qua một đêm đã chín vàng, khiến nhiều người thấy thèm nhưng ngại mua, phải đặt bà hàng bông ở Hóc Môn chở lên trái mít đèo, gọi là “mít nhà trồng” để mua cho chắc ăn. Lại thêm chuyện xoài trong nước lâm cảnh ế đồng, đắt chợ. Tháng trước, do thông tin vô căn cứ về chuyện túi bao trái xoài có chất độc gây ung thư, khiến xoài rớt giá tại vườn, trong khi xoài loại 1, lên chợ Đa Kao, Bến Thành, Bà Chiểu… phải tầm 65.000 - 70.000 đồng/kg, chỉ có nhà giàu mới dám rớ. Người muốn mua thì ngại giá, người trồng thì lao đao, chỉ có khâu trung gian phân phối có dịp trục lợi.

Đã có bao nhiêu bài báo, cuộc hội thảo, ý kiến của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành và các quan chức phát triển nông thôn bàn chuyện đầu ra cho trái cây nội, nhưng rồi “lời nói gió bay”, trái cây trong nước vẫn lao đao. Không nói đâu xa, ngay ở xã Long Hòa (huyện Cần Giờ, TPHCM) - “vương quốc” của xoài cát Hòa Lộc, nhưng xoài cát cũng ế, dù chỉ cách trung tâm TPHCM chừng 30km đường bộ. Nói chuyện vì sao không GlobalGAP hay VietGAP, có người chỉ cười: “Chừng này còn bán chưa hết, lên GAP cho chết sao!”. Nếu tình hình này không được cải thiện chắc cuối năm nay, con số kim ngạch nhập khẩu trái cây sẽ không dừng ở 156 triệu USD.

Chuyện xoài, nhãn, vải, thanh long Việt Nam tìm đường qua được những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật… là chuyện mừng, nhưng chưa bền vững, vì trái cây của ta ngon nhưng chất lượng không đồng đều, hàng không đủ xuất, giá bán cao. Đó là chưa kể phải né mặt các bạn hàng Thái, Malaysia nếu trùng vào chính vụ thu hoạch. Người Thái biết đoàn kết, có doanh nghiệp che chắn, có chính phủ hỗ trợ nên giá bán rất cạnh tranh. Người Việt có làm được như họ không? Phải trăn trở, suy nghĩ tìm lối ra. Phải có hiệp hội, phải hiệp lực với nhau mới có thể trụ và cạnh tranh trên sân khách. Phải xắn tay vào cuộc với người nông dân và doanh nghiệp. Bằng không, việc trái cây xuất ngoại chỉ là thông tin “đánh bóng” cho trái cây nội.

Khả năng tiêu thụ trái cây trong nước còn rất lớn. Tại một chợ đầu mối, bình quân mỗi đêm nhập về 1.300 tấn trái cây, trong đó trái cây nhập chiếm 1/3. Thấy được điều này, nhiều doanh nghiệp đã và sẽ tiếp tục đưa trái cây ngoại vào Việt Nam như một thị trường tiềm năng. Nếu không được chăm chút về chất lượng, bao bì, mẫu mã và khắc phục những bất lợi về thời tiết như hạn, mặn, thì trong tương lai gần trái cây nội sẽ “chết trên sân nhà”.

Tình thế phải tìm cơ hội trong khó khăn chính là dịp để tái cơ cấu giống cây trồng. “Xóa bài làm lại”, liên kết từ nhà vườn đến chuỗi cung cấp, ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch, tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm... đã là vấn đề cấp thiết.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục