Đầu tàu xanh của thế giới

Theo báo cáo mới nhất có tên Tạo ra thị trường kinh doanh khí hậu do Công ty tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Mỹ Latinh và Caribbean là khu vực dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư vào các lĩnh vực then chốt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo đó, chỉ riêng các công trình “thông minh” xét từ khía cạnh khí hậu trong các lĩnh vực giao thông vận tải và cơ sở hạ tầng cũng đã có thể thu hút vốn đầu tư tới 1.000 tỷ USD cho khu vực này tới năm 2030. Các thành phố thông minh và năng lượng tái tạo sẽ là điểm nhấn của các dự án chống biến đổi khí hậu tại Mỹ Latinh. Với 80% dân số sinh sống trong các đô thị, Mỹ Latinh và Caribbean hiện là khu vực có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất thế giới, và cách thức phát triển các thành phố sẽ đóng vai trò quyết định trong việc đạt được hay không các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. 
Tính tới nay, 5 trong số các quốc gia có diện tích và quy mô lớn nhất khu vực là Brazil, Chile, Colombia, Mexico và Peru đang dẫn đầu trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hạ tầng cơ sở đô thị sinh thái và tiết kiệm năng lượng, cũng như xây dựng các thành phố thông minh. Trong khi đó, Costa Rica đang hướng tới mục tiêu là nước đầu tiên trên thế giới đạt mục tiêu cân bằng carbon vào năm 2021 và việc sản xuất điện năng 100% từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. 

Tiềm năng đầu tư được đánh giá là khổng lồ, đặc biệt là từ nguồn vốn tư nhân, như Mexico có tổng tiềm năng đầu tư cho tất cả các công trình mang tính thân thiện với môi trường và chống biến đổi khí hậu tới năm 2030 lên tới 791 tỷ USD, chủ yếu cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng bền vững. Argentina có tiềm năng 338 tỷ USD, trong khi Colombia là 195 tỷ USD và tại Brazil, nền kinh tế lớn nhất khu vực, con số này thậm chí lên tới 1.300 tỷ USD. Trong lĩnh vực xây dựng, các nước như Colombia, Costa Rica, Mexico và Peru mới đây đã thông qua các quy định về xây dựng xanh, và từ đó có thể dự báo rằng các tòa nhà mới xây tại các nước này sẽ tiêu thụ từ 10% - 45% điện và nước ít hơn mức trung bình hiện tại từ đó tạo ra cơ hội đầu tư có tổng trị giá 80 tỷ USD cho tới năm 2025. Khu vực Mỹ Latinh hiện cũng dẫn đầu thế giới về phát triển các hệ thống xe buýt tốc độ cao (BRT). Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa tại Mỹ Latinh cũng thúc đẩy nhu cầu hệ thống cấp nước đô thị thông minh và các giải pháp xử lý rác thải hợp lý. Về năng lượng tái tạo, chỉ riêng đầu tư vào các công nghệ lưu trữ điện năng trong khu vực cũng lên tới 2 tỷ USD/năm trong giai đoạn từ nay tới 2025.

7 lĩnh vực then chốt chống biến đổi khí hậu với tiềm năng lớn để thu hút vốn đầu tư tại Mỹ Latinh gồm có năng lượng tái tạo, dự trữ năng lượng và năng lượng Mặt trời ngoài hệ thống điện lưới, nông nghiệp xanh, xây dựng xanh, giao thông đô thị, hệ thống cấp nước và xử lý rác thải đô thị. Để giành được các nguồn vốn này và đạt mục đích chống biến đổi khí hậu, điều quan trọng là phải tạo ra các điều kiện đầu tư phù hợp thông qua những quy định mang tính khuyến khích, ưu đãi, trong đó vai trò của các chính phủ và các cơ quan điều phối sẽ mang tính quyết định.

Tin cùng chuyên mục