Đầu tư đồng bộ cho giáo dục

Ngành giáo dục đang lấy ý kiến xã hội 2 dự luật quan trọng: Luật Giáo dục sửa đổi và Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sửa đổi. Cả 2 luật này đều được kỳ vọng sẽ tạo nên bước chuyển vững chắc cho nền giáo dục Việt Nam.
Trong đó, sửa Luật Giáo dục được Bộ GD-ĐT kỳ vọng tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm học sinh học hết trung học cơ sở có tri thức phổ thông nền tảng, học sinh THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau THPT có chất lượng, bảo đảm năng lực học suốt đời. Đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tương tự, Luật GDĐH sửa đổi cũng được kỳ vọng sẽ đáp ứng chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hiện nay, cùng với lấy ý kiến toàn xã hội trên mạng về 2 dự luật này, Bộ GD-ĐT cũng đang tiến hành hội thảo lấy ý kiến trong toàn ngành giáo dục ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. 

Tại các hội thảo góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đại diện các sở GD-ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán của các địa phương đều bày tỏ đồng thuận cao với những nội dung trong dự thảo, đặc biệt là 3 nội dung về chính sách tăng lương với nhà giáo, chuẩn trình độ giáo viên tiểu học và miễn học phí cho học sinh THCS công lập. Trong đó, việc đề nghị xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp nhận được sự ủng hộ rất lớn từ đội ngũ giáo viên, bởi điều này góp phần giúp nâng cao đời sống nhà giáo, từ đó các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến cho ngành, đồng thời thu hút được nhiều người giỏi vào sư phạm. Nội dung miễn học phí cho học sinh THCS cũng nhận được sự đồng tình cao vì việc này thể hiện rõ sự nhân văn trong chính sách GD-ĐT. Bên cạnh đó, một số đề xuất cũng được đưa ra như đề nghị xem xét miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi; cùng với tăng lương cho nhà giáo, cần quan tâm tới đối tượng là cán bộ quản lý giáo dục, bởi hầu hết cán bộ quản lý giáo dục là các giáo viên giỏi được bổ nhiệm lên... Song song với các dự thảo luật này, Bộ GD-ĐT cũng đang dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chế độ khen thưởng đối với học sinh, sinh viên đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, kỹ năng nghề quốc gia, quốc tế. 

Nhiều ý kiến trong ngành giáo dục cũng như trong xã hội đã chỉ ra rằng, thực tế hiện có những bất cập làm cho vị thế của nhà giáo không được như quan niệm của xã hội cũng như đề cao của Nhà nước là quốc sách hàng đầu. Trước đây lương của giáo viên có thể giúp họ nuôi cả gia đình, bây giờ giáo viên mới ra trường lương không nuôi đủ bản thân thì thử hỏi giáo viên sao có thể mặn mà với nghề dạy học? Những bất cập đó làm cho người tài không muốn vào nghề giáo; và các nhà giáo tâm huyết, giỏi thì không mong muốn được điều động về phòng, về sở GD-ĐT để cống hiến. Vì vậy, đề xuất lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp được kỳ vọng  là một trong những động lực để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm cũng như nuôi dưỡng tâm huyết của đội ngũ nhà giáo, những người sẽ quyết định sự thành bại của nền giáo dục nước nhà. 

Dù biết đất nước còn khó khăn, ngân sách nhà nước còn phải co kéo, nhưng đầu tư cho giáo dục phải là đầu tư đồng bộ, để đạt những kết quả cũng đồng bộ. Khó khăn nhưng những việc cần thì chúng ta vẫn phải làm, ví dụ như tăng lương cho giáo viên, miễn học phí THCS. Đó cũng là chủ trương của Đảng, thể hiện trong luật từ lâu nhưng chúng ta chưa làm được, bây giờ đã đến lúc phải đặt ra để thực hiện. Nhiều chuyên gia cũng đã nêu ý kiến, nếu không thực hiện được mức tối đa ngay thì phải tính một lộ trình để tiệm cận dần đến đích đó. Ví dụ nếu chưa miễn được toàn bộ học phí cho học sinh THCS thì có thể thực hiện từ vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, học sinh hộ nghèo, cận nghèo… Rồi có thể đặt lộ trình cuốn chiếu, như năm nay thực hiện đối tượng này khu vực này, năm sau thì ở khu vực khác, đến một lúc nào đó chúng ta thực hiện đồng loạt. Lương giáo viên cũng sẽ làm như vậy. Rõ ràng là phải đặt vấn đề trong luật và tìm giải pháp để tháo gỡ. 

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Sản phẩm của nghề giáo rất đặt thù vì đó là đào tạo ra con người - điểm khởi đầu cho tất cả các ngành khác trong xã hội. Đội ngũ HS-SV khi ra trường sẽ tham gia vào tất cả các ngành nghề khác. Chúng ta muốn có một đội ngũ lao động có chất lượng, tay nghề được đào tạo bài bản thì bên cạnh chương trình, sách giáo khoa, cần có một đội ngũ giáo viên được chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là về tâm thế. Nghề giáo nếu không có tâm huyết, trách nhiệm thì rất khó để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, nếu tư duy đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, đầu tư phát triển bền vững thì chúng ta phải chọn cách đầu tư đồng bộ cho ngành giáo dục.

Tin cùng chuyên mục