Đầu tư Kinh doanh bất động sản giảm mạnh

Sáng ngày 28-3, Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, PCT UBND TPHCM cùng các sở ngành đã làm việc với Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) về tình hình đầu tư - kinh doanh bất động sản trên địa bàn TPHCM. Đây cũng là buổi làm việc định kỳ hàng Quí giữa lãnh đạo TP với Hiệp hội Bất động sản TP (Horea) nhằm lắng nghe, nắm bắt tình hình đầu tư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Dự án Khu phức hợp TTTM - căn hộ tại 628-630 Võ Văn Kiệt (Quận 5) có diện tích hơn 31.000m² có nguồn gốc “đất công” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý đang bị “đắp chiếu” do vướng việc xác định tiền sử dụng đất. Ảnh: ĐỖ TRÀ GIANG
Dự án Khu phức hợp TTTM - căn hộ tại 628-630 Võ Văn Kiệt (Quận 5) có diện tích hơn 31.000m² có nguồn gốc “đất công” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quản lý đang bị “đắp chiếu” do vướng việc xác định tiền sử dụng đất. Ảnh: ĐỖ TRÀ GIANG

Ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TP cho biết, từ đầu năm đến nay số lượng cấp phép các dự án nhà ở (thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng giảm 63%); các dự án được chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để được công nhận chủ đầu tư giảm mạnh; các dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cũng giảm sâu… “Nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ tình hình sẽ khó khăn nhiều hơn nữa”- Giám đốc Sở Xây dựng TP nói. 

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea cho biết, ba tháng đầu năm 2019, các doanh nghiệp bất động sản càng lo ngại hơn, trước tình trạng nhiều dự án bất động sản bị ách tắc, không được cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời. Làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước từ bất động sản; Doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản; Môi trường kinh doanh bị suy giảm tính minh bạch, khó đoán định và có thể làm tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp do đã có nhiều dự án bị xem xét xử lý lại (hồi tố). 

Theo ông Châu, nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật vẫn còn chưa đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo, dẫn đến cơ chế "xin-cho", tiêu cực. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là công tác thực thi pháp luật còn rất nhiều hạn chế, có biểu hiện thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, chuyển hồ sơ lòng vòng, không dám nêu chính kiến giải quyết; vẫn nhũng nhiễu, "hành" doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết, đối với các kiến nghị cụ thể, dự án cụ thể liên quan đến sở ngành nào thì sở ngành đó phải có văn bản trả lời cụ thể gửi cho doanh nghiệp đó một cách công khai minh bạch. Trên cơ sở đó, những vấn đề thuộc sở ngành, quận huyện thì đơn vị đó giải quyết, nếu thuộc thẩm quyền của TP thì TP giải quyết. Nếu thuộc thẩm quyền bộ, ngành trung ương thì TP kiến nghị giải quyết. Sở Xây dựng phải công khai pháp lý của các dự án quản lý theo thẩm quyền của sở để người dân, doanh nghiệp biết. Sắp tới TP sẽ phê duyệt quy chế phối hợp giữa các sở ngành, tiếp đến là sở ngành với doanh nghiệp. Nếu sở này cần hỏi sở kia về một vấn đề nào đó mà trong thời gian quy định mà nơi được hỏi không trả lời xem như đồng ý. 

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm, thực tế nhiều vụ việc TP đã có kết luận giao cho sở ngành, quận huyện thực hiện nếu có vướng mắc khó khăn phải báo cáo, như cầu bộ hành tại Thảo Điền (Quận 2) đã giao cho UBND Quận 2 thực hiện, khó khăn nhưng không thấy báo cáo. Ngoài ra, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng đồng ý với một số kiến nghị của Horea, như tổ chức một số cuộc họp để đề xuất cơ chế cho doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình xây dựng lại chung cư cũ; đề xuất cơ chế chỉnh trang đô thị, di dời nhà ven - trên kênh rạch; gặp gỡ với các doanh nghiệp FDI bất động sản…

Tin cùng chuyên mục