Đầu tư mạnh hơn cho phòng chống thiên tai

 
Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương vừa đưa ra thông báo cập nhật mới nhất về tình hình La Nina đang trở lại. Theo đó, hiện vẫn đang ở giai đoạn trung tính, nhưng từ đầu năm 2018, La Nina sẽ rõ nét dần. Đặc điểm của La Nina là sẽ có nhiều mưa, bão lũ. Tại miền Trung, hồi giữa tháng 9, cơn bão số 10 - được coi là “siêu bão”, đã đổ bộ vào các tỉnh Bắc miền Trung, gây mất điện trên diện rộng, có khoảng 160.000 hộ dân bị ảnh hưởng, nhiều tuyến đường dây nhiều ngày sau mới khắc phục được; tổng thiệt hại của ngành điện lực lên tới gần 50 tỷ đồng; còn thiệt hại của tỉnh Hà Tĩnh là 6.000 tỷ đồng, Nghệ An là 700 tỷ đồng. Trước đó tại Tây Bắc, chỉ với một dải áp thấp đi qua nhưng lũ ống, lũ quét đã xuất hiện tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và huyện Mường La (Sơn La), cướp đi 42 sinh mạng và gây thiệt hại vật chất hơn 1.400 tỷ đồng… 
Bão lũ lặp đi lặp lại mỗi năm nhưng cảm giác năm sau lại dị thường, khốc liệt hơn năm trước. Thiên tai vô cùng nguy hiểm, tàn khốc, có thể khiến một gia đình trắng tay, trở thành nghèo đói khi bão lũ tới. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại cả mục tiêu lâu dài lẫn ngay trước mắt? Để tìm câu trả lời, ngày 3-10 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT, Bộ TN-MT và Bộ KH-CN đã cùng chủ trì một cuộc hội thảo bàn chuyên sâu về thực trạng thảm họa thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó trong bối cảnh La Nina đang trở lại, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét. 
Tại hội thảo, các chuyên gia cùng cảnh báo, hiện nay có tất cả 21 loại hình thiên tai thì ở Việt Nam đã có tới 20 loại hình, chỉ trừ sóng thần. Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm khoảng 10.800 người chết hoặc mất tích, thiệt hại mỗi năm khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó có tần suất cao là bão và mưa lũ. 

20 năm qua, chúng ta cũng rất “đau đầu” về tìm giải pháp sống chung với lũ, phòng tránh thảm họa lũ ống, lũ quét do mưa bão. Tuy nhiên, cho đến gần đây chúng ta mới bước đầu xây dựng được bản đồ phân vùng, cảnh báo khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và chỉ ở mức tương đối. Yêu cầu còn quan trọng hơn là sau khi đã có bản đồ khu vực nguy hiểm do thiên tai thì cần di dời người dân đến nơi an toàn như thế nào? Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) báo cáo, chỉ riêng khu vực miền núi phía Bắc, hiện vẫn còn 36.165 hộ dân có chỗ ở chưa an toàn, trong đó có 1.686 hộ cần di dời khẩn cấp. Tỷ lệ di dân vùng ảnh hưởng thiên tai của cả nước mới đạt khoảng 44%. Như vậy, vẫn còn rất nhiều người dân đang phải đối mặt với nguy cơ tai nạn từ mưa bão, sạt lở đất đá… 

Tham dự hội thảo, ông Junichiro Kurokawa, Cục trưởng Cục Quản lý sông ngòi và phòng chống thiên tai Nhật Bản - nơi thiên tai và thảm họa luôn thường trực, cùng đoàn chuyên gia cho rằng, để bảo vệ người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững cần tăng cường đầu tư cho các cơ sở phòng chống thiên tai song song với việc áp dụng khoa học công nghệ vào dự báo, nâng cao ý thức cho mỗi người dân về phòng ngừa thiên tai thảm họa. Ở Nhật Bản, chi phí đầu tư cho phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai chiếm phần lớn. 

Theo ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, hiện nay Nhà nước đã có rất nhiều chủ trương, chính sách. Mục tiêu dài hạn là cơ cấu lại chỗ ở, di dân đến nơi an toàn gắn với bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ. Tuy nhiên có các giải pháp trước mắt có thể làm ngay, đó là cần phải tăng cường công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ bão; xây dựng bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở đất với tỷ lệ chi tiết để cắm mốc, đầu tư các trạm điểm đo mưa và tăng cường thông tin cảnh báo đến từng người dân… Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào dự báo, cảnh báo cũng như phòng chống thiên tai lũ ống, lũ quét. Bộ NN-PTNT và các bộ có liên quan sẽ sớm trình Chính phủ chương trình phòng chống thiên tai tổng thể cho khu vực miền núi. Các chương trình trong ngắn hạn vẫn lồng ghép với mục tiêu lâu dài là di dời dân đến nơi an toàn, định canh định cư, đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ. 

Tin cùng chuyên mục