Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Cần 1,5 - 2 tỷ USD để mở rộng, nâng cấp

Gần 2 giờ trò chuyện với Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Hoài Giang (ảnh), người đang “cầm lái” con tàu khổng lồ Dung Quất (vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD) vận hành trơn tru, giúp chúng tôi cảm nhận được bầu nhiệt huyết, khát vọng trong ông với những toan tính về ngành lọc hóa dầu trong tương lai.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất: Cần 1,5 - 2 tỷ USD để mở rộng, nâng cấp

Gần 2 giờ trò chuyện với Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Hoài Giang (ảnh), người đang “cầm lái” con tàu khổng lồ Dung Quất (vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD) vận hành trơn tru, giúp chúng tôi cảm nhận được bầu nhiệt huyết, khát vọng trong ông với những toan tính về ngành lọc hóa dầu trong tương lai.

- PV: Ông đánh giá thế nào việc thị trường xăng dầu năm qua có nhiều biến động, trong khi công suất của nhà máy 6,5 triệu tấn/năm chưa thể điều tiết thị trường?

- Ông NGUYỄN HOÀI GIANG (ảnh) : Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất hiện nay dù chạy tối đa 100% công suất cũng chỉ đáp ứng 30% nhu cầu toàn quốc nên chưa đủ sức điều tiết mạnh mẽ nhu cầu thị trường khi có biến động, bởi trên 70% lượng xăng dầu chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu. Vì thế, ngay từ khi đi vào vận hành, chúng tôi đã có kế hoạch mở rộng, nâng công suất nhà máy lên 10 triệu tấn/năm; đồng thời có những bước chuẩn bị xây dựng NMLD số 2, số 3 để đáp ứng 100% nhu cầu xăng dầu trong cả nước. Mở rộng và nâng cấp NMLD Dung Quất là bài toán lớn, vốn khoảng 1,5-2 tỷ USD nên cần nghiên cứu chi tiết, thấu đáo và triệt để cả về công nghệ, kỹ thuật, môi trường và thị trường thương mại. Vì vậy, phải mất 5-6 năm dự án mở rộng mới xong, lúc đó bức tranh về thị trường xăng dầu toàn quốc sẽ sáng hơn bây giờ.

- Tiến độ mở rộng sản phẩm hóa dầu có khả quan?

- Chúng tôi đang tiến hành bước nghiên cứu khả thi chi tiết với nhà thầu Nhật Bản, đến tháng 3 năm nay mới kết thúc, sau đó mới tính đến các bước khác.

Hiện NMLD Dung Quất cùng với nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylene (PP) đã có thể coi là tổ hợp lọc - hóa dầu rồi. Tuy nhiên, tổ hợp này vẫn còn ở quy mô nhỏ, chủng loại cũng chưa đa dạng so với các nước khác trên thế giới (mới có 8 loại sản phẩm); chưa đa dạng về mặt tổng thể để chúng ta có thể kéo theo, đầu tư các ngành công nghiệp - dịch vụ vệ tinh, công nghiệp nhẹ sử dụng đầu ra của NMLD. Vì vậy, dừng lại ở đây là thất bại, chúng ta phải bước tiếp bằng cách nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất.

- Đóng góp của NMLD cho nguồn thu ngân sách Nhà nước khoảng 14.000 tỷ đồng/năm, nhưng lợi ích của người dân dường như vẫn chưa rõ?

- Hàng đêm, khi nhìn ngọn đuốc của nhà máy, những ánh đèn trong các phân khu công nghệ bật sáng lung linh, NMLD Dung Quất như một thành phố thu nhỏ nhưng trăn trở lớn của chúng tôi là làm sao ngọn lửa đó thật sự sưởi ấm cho những người dân nghèo, những người đã nhường đất cho nhà máy. Tuy nhiên, hiệu quả đó phải lan tỏa từ từ, bằng chứng là nguồn lợi của NMLD đã quay ngược lại phục vụ lợi ích của người dân Quảng Ngãi, khu vực miền Trung, giúp nâng cao tổng thể đời sống văn hóa - xã hội, lôi kéo được các nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng, giao thông, dịch vụ phát triển… thu hút nhân lực, lao động, tạo thêm việc làm.

- Theo ông, chỉ nên mở rộng, nâng cấp thay vì xây mới nhà máy lọc dầu?

- Hai cái đó khác nhau, chúng ta vẫn phải xây mới, và nhu cầu đó vẫn đang được triển khai, bởi có lọc dầu mới có hóa dầu. Ở NMLD Dung Quất hiện đã có lọc dầu, hóa dầu rồi, việc nâng cấp mở rộng là bước tiếp theo để nâng cao sản lượng, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm để phát triển tiếp các ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp dịch vụ ăn theo. Chúng ta đã đầu tư vào đây, đã sẵn có hạ tầng, cảng biển nước sâu, thành phố Vạn Tường, đường giao thông, cung cấp điện, xử lý chất thải, xử lý nước, dự án công nghiệp dịch vụ ăn theo (Doosan, cảng Gemadept…) nên nâng cấp, mở rộng là bước kế thừa những lợi thế của hạ tầng sẵn có, khác hẳn với việc đầu tư mới tốn kém hơn rất nhiều.

Kế hoạch nâng cấp, mở rộng vẫn đang được tiến hành và nhà nước vẫn đang kêu gọi đầu tư vào NMLD số 2, số 3, hai vấn đề này không mâu thuẫn nhau mà bổ sung, hỗ trợ nhau đưa ngành lọc hóa dầu nước ta lên tầm cao hơn.

- Việt Nam tự sản xuất xăng - dầu có khó không?

- Thật ra sản xuất xăng - dầu không khó khăn gì cả, bởi việc này các nước khác đã làm từ lâu rồi, chúng ta theo sau mà thôi, chẳng qua với chúng ta dự án này quá mới, hiện đại, phức tạp so với những dự án khác trong nước. Xây dựng NMLD Dung Quất, chúng ta tự hào đã thành công, nhưng đây mới chỉ là thành công bước đầu, còn khiêm tốn.

- Ông có nghĩ đến ngày Việt Nam xuất xăng - dầu ra thế giới?

- Ước mơ thì có, nhưng đừng bao giờ mơ ước viển vông. Với tôi, ước mơ bao giờ cũng gắn với thực tế và khả thi nhất trong thời gian nhất định. Còn bây giờ, hãy đáp ứng và cung cấp đầy đủ các nhu cầu xăng dầu nội địa cho đất nước, rồi hãy nghĩ đến xuất khẩu. Để vươn ra thế giới, cạnh tranh với thế giới thì ngay bây giờ, chúng ta phải nhen nhóm và đốt lên được ngọn lửa trong trái tim; bắc những nhịp cầu, đặt những nền móng đầu tiên cho thế hệ tiếp theo, để họ có bản lĩnh, kinh nghiệm biến ước mơ đó thành hiện thực.

HÀ MINH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục