FDI khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam về đích sớm

Những tháng đầu năm, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã có lúc gây lo lắng về khả năng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam. Vậy nhưng, đến lúc này, tình hình thu hút đầu tư FDI các tỉnh thành phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã đạt và vượt kế hoạch năm trước nhiều tháng.
FDI khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam về đích sớm

Những tháng đầu năm, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã có lúc gây lo lắng về khả năng thu hút đầu tư FDI của Việt Nam. Vậy nhưng, đến lúc này, tình hình thu hút đầu tư FDI các tỉnh thành phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đã đạt và vượt kế hoạch năm trước nhiều tháng.

Sản xuất tại Công ty Nidec Tosok Corporation trong KCX Tân Thuận. Ảnh: ĐÌNH LÝ

Vượt kế hoạch

Theo UBND tỉnh Bình Dương, tính đến giữa tháng 9, tỉnh đã thu hút 1,4 tỷ USD, đạt 140% kế hoạch cả năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, với 113 dự án đầu tư mới và 99 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Điểm đáng chú ý, đó là niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) vào môi trường đầu tư kinh doanh. Dù là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố xảy ra giữa tháng 5 làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và niềm tin đối với NĐT, song với nỗ lực khắc phục và triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), tạo niềm tin cho NĐT nên vẫn có nhiều NĐT nước ngoài tiếp tục đầu tư vào tỉnh sau thời điểm này như: Công ty TNHH Uchiyama đầu tư hơn 38 triệu USD; Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile (120 triệu USD)…

Một tín hiệu vui khác, đó là ngay cả những DN bị thiệt hại trong sự cố hồi tháng 5, cũng tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất như Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing (tăng 35 triệu USD).

Còn đối với TPHCM, tình hình thu hút đầu tư FDI 9 tháng đầu năm cũng có những tín hiệu khởi sắc. Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 1,45 tỷ USD, tăng 6,9% so cùng kỳ. Đặc biệt, tại Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM tính đến cuối tháng 8, đã vượt kế hoạch thu hút vốn đầu tư của cả năm. Tương tự, tại Đồng Nai, tính đến giữa tháng 8, tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn FDI khoảng 923 triệu USD, tăng 17,4% so cùng kỳ.

Đề cập về những yếu tố vượt kế hoạch thu hút đầu tư FDI, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, chia sẻ: Kết quả thu hút FDI đạt được như trên là do tỉnh quan tâm đến công tác đầu tư bằng nhiều nguồn lực, từ cải thiện cơ sở hạ tầng đường, điện, cấp thoát nước… đến tạo yếu tố môi trường đầu tư thông thoáng hơn, như cải cách hành chính toàn diện theo cơ chế “Một cửa, một cửa liên thông” giúp NĐT giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn, hiệu quả. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tiếp thị đầu tư ở một số nước mà tỉnh xây dựng kế hoạch cho năm 2014 và 2015 để vận động thu hút đầu tư.

Ngoài ra, việc gần gũi, đồng hành chia sẻ cùng DN để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời khó khăn; nhất là việc tập trung giải quyết sự cố ngày 13-5 vừa qua (tỉnh đã triển khai quyết liệt các chính sách hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh, nhất là gói hỗ trợ tín dụng 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất thấp, giúp các DN bị thiệt hại nhanh chóng ổn định sản xuất; NĐT yên tâm ở lại với Bình Dương, thậm chí một số DN đã tăng vốn đầu tư mở rộng).

Nhiều giải pháp thu hút vốn FDI

Dẫu kết quả thu hút đầu tư FDI tại các địa phương phía Nam có khởi sắc, nhưng để thu hút được nhiều nguồn vốn FDI, nhất là những dự án có chất lượng, đòi hỏi các địa phương phải có những giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, hướng mà tỉnh nhắm đến là tập trung thu hút mạnh các DN, dự án sản xuất, dịch vụ ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao và có sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế; chú trọng mời gọi phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, công nghiệp hỗ trợ và phát triển mạnh đô thị, dịch vụ. Vì vậy, tỉnh đã quy hoạch và đẩy nhanh việc hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vùng nguyên phụ liệu để mời gọi đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, làm cơ sở tiền đề để thu hút  đầu tư, đón đầu khi Hiệp định TPP được ký kết, nhất là ngành dệt may - ngành chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh.

Sản xuất tại Công ty May mặc Bowker Việt Nam thuộc KCN Đồng An, Bình Dương.

Tại TPHCM, UBND TP cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ các DN đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động để tăng hiệu quả của đầu tư nước ngoài và giúp phát triển các ngành theo đúng định hướng phát triển của TP. Đề cập về những giải pháp thu hút đầu tư thời gian tới, đại diện Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM chia sẻ: Trong thời gian tới sẽ tập trung thu hút các DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đầu tư vào Khu kỹ nghệ Việt - Nhật.

Mặt khác, chuẩn bị sẵn quỹ đất để thu hút các NĐT vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ khi nghị định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam chính thức được ban hành, nhằm tạo “cú hích” trong thu hút vốn FDI. Cụ thể, dự kiến xây dựng 2 khu công nghiệp hỗ trợ tại KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 và KCN Lê Minh Xuân 3. Đồng thời, chỉ đạo các công ty đầu tư hạ tầng KCN sớm hoàn thành hạ tầng cơ sở; nghiên cứu chính sách hỗ trợ công ty hạ tầng giảm giá thành thuê đất để thu hút NĐT.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục