Đón “sóng” đầu tư từ Nhật

Nhật Bản đến nay vẫn là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và một trong tín hiệu đáng quan tâm là việc có tới gần 30 doanh nghiệp Nhật Bản đang tham gia chuyến khảo sát thị trường do Cơ quan Xúc tiến đầu tư Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước.

Không chỉ có đoàn doanh nghiệp này - phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa - mà gần như đồng thời, lãnh đạo các tập đoàn tên tuổi như Sojitz, IHI, Itochu cũng đã tới làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các kế hoạch kinh doanh của họ tại Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn IHI mới hồi đầu năm 2013 đã đăng ký đầu tư gần 48 triệu USD xây dựng Nhà máy Sản xuất kết cấu thép, bê tông và máy móc tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng); còn Sojitz đã đầu tư vào hơn 20 nhà máy tại Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đang ấp ủ dự án liên doanh với JK của Ấn Độ để sản xuất bột giấy trị giá 180 triệu USD, đặt tại Quảng Ngãi. Cũng Sojitz, sau khi hai KCN Long Đức và Long Bình tại Việt Nam hoạt động khá thành công, mới đây đã quyết định đầu tư thêm vào KCN Phú Mỹ 3 (Bà Rịa - Vũng Tàu). Với quy mô lên tới gần 1.000ha, dễ dàng kết nối với cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, Quốc lộ 51, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… KCN Phú Mỹ 3 sẽ là KCN chuyên sâu Việt Nam - Nhật Bản. Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Sojitz không chỉ là một nhà đầu tư lớn mà còn đóng vai trò xúc tác, gây dựng nhiều mối “duyên lành” giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với Việt Nam.

Lưu ý đến đặc điểm “buôn có bạn, bán có phường” của các nhà đầu tư Nhật, Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng, nắm được nhu cầu sử dụng đất của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản (thường là các nhà sản xuất vệ tinh), nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hiện nay đã sẵn sàng cho thuê chỉ 500m² (thay vì trước đó chỉ cho thuê theo lô lớn); thậm chí xây dựng sẵn nhà xưởng và hạ giá cho thuê từ khoảng 60USD/m²/năm xuống còn 40USD/m²/năm.

Một xu hướng đáng lưu ý khác khi đề ra những chính sách thu hút FDI Nhật là các nhà đầu tư nước này đang ngày càng quan tâm hơn đến lĩnh vực nông nghiệp. Trong cuộc gặp gỡ mới đây với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo Ngân hàng Tokyo Mitsubishi (Nhật Bản) chia sẻ, năm 2015 được Nhật Bản xác định là năm nông nghiệp và có không ít nhà đầu tư Nhật Bản là khách hàng của Tokyo Mitsubishi đã bày tỏ dự định đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực này với các doanh nghiệp Việt Nam. Hồi giữa tháng 5 vừa qua, đại diện hai công ty Always và Veggy của Nhật Bản cũng đã đến Vĩnh Phúc để tìm hiểu cơ hội đầu tư phát triển một dự án chuyên cung cấp rau sạch cho hệ thống nhà hàng Nhật Bản tại Việt Nam và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên dự kiến khoảng 1 triệu USD. Giai đoạn 2, nhà đầu tư sẽ mở rộng quy mô từ 5 - 10ha của giai đoạn I lên đến 50ha. Một số nhà đầu tư Nhật Bản cũng đã tìm đến Bình Định để tìm kiếm cơ hội để phát triển lĩnh vực đánh bắt, chế biến cá ngừ. Và gần đây nhất, một đoàn doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã tới các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tìm hiểu thị trường.

“Vấn đề là ngay cả người dân Việt Nam hiện nay cũng chưa hoàn toàn tin tưởng thực phẩm Việt. Do vậy, chúng tôi mong muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để sản phẩm của Việt Nam đạt chất lượng cao hơn, đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi tạo được lòng tin đối với thị trường nội địa, thì đó chính là thế mạnh để xuất khẩu ra nước ngoài”, ông Hideo Okubo, Chủ tịch Tập đoàn Forval (Nhật Bản) khẳng định. Lãnh đạo Forval mong muốn thiết lập được được bộ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm Việt Nam, giống như ở Nhật Bản có bộ tiêu chuẩn JASS...

Cơ hội đã mở, những gợi ý cũng đã nhiều, liệu “sóng” đầu tư từ Nhật Bản có đến và năng lượng của nó có được chuyển hóa thành sự phát triển đôi bên cùng có lợi? Mong là như vậy.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục