Dòng vốn Nhật Bản chuyển mạnh vào Việt Nam

Đó là khẳng định của Chính phủ Nhật Bản tại diễn đàn “Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Nhật Bản 2015” diễn ra ngày 31-7 tại TPHCM. 60% doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát cho biết sẽ chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước trong khu vực châu Á sang Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, dệt may, giao nhận - vận tải, xây dựng - môi trường - bất động sản, tài chính - ngân hàng - nhân sự - bảo hiểm, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại - bán lẻ…
Dòng vốn Nhật Bản chuyển mạnh vào Việt Nam

Đó là khẳng định của Chính phủ Nhật Bản tại diễn đàn “Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Nhật Bản 2015” diễn ra ngày 31-7 tại TPHCM. 60% doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát cho biết sẽ chuyển dòng vốn đầu tư từ các nước trong khu vực châu Á sang Việt Nam trong năm 2015 và những năm tiếp theo. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, dệt may, giao nhận - vận tải, xây dựng - môi trường - bất động sản, tài chính - ngân hàng - nhân sự - bảo hiểm, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại - bán lẻ…

Doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Giám đốc điều hành cấp cao của Liên đoàn Kinh tế Keidanren nhận định, Việt Nam là cửa ngõ vào ASEAN của Nhật Bản, Việt Nam nằm trong khu vực lưu vực sông Mekong có tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Vào cuối năm nay, khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN được hình thành, Việt Nam càng trở nên quan trọng hơn hẳn với tư cách là một cứ điểm kinh doanh trong chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu. Môi trường đầu tư khu vực phía Nam cũng được đánh giá cao hơn phía Bắc.

Theo Hội Doanh nghiệp Nhật Bản, hiện có 788 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại phía Nam, chủ yếu tại TPHCM với tổng vốn đầu tư 2,72 tỷ USD. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; khoa học công nghệ. Điều đáng nói, hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển địa điểm sản xuất trong các DN Nhật Bản.

Theo ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản, có đến 60% DN Nhật Bản cho biết sẽ tiếp tục chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. 24,4% DN Nhật Bản đang đầu tư tại Thái Lan và Trung Quốc sẽ thực hiện chiến lược Trung Quốc + 1 và Thái Lan + 1, tức là DN Nhật Bản vẫn duy trì đầu tư tại Trung Quốc, Thái Lan nhưng mở rộng đầu tư thêm nhà máy tại Việt Nam. Lý giải thực tế này, nhiều DN cho biết, so với môi trường đầu tư của các nước trong khu vực Asean thì Việt Nam có lợi thế lớn về chi phí hoạt động thấp hơn, nhân công lao động dồi dào và diện tích đất ưu đãi đầu tư công nghiệp lớn. Chính sách hỗ trợ đầu tư đã được nới rộng, nhất là mức độ rủi ro trong đầu tư của DN đã cải thiện đáng kể, tăng được niềm tin cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Misumi Group Company trong Khu chế xuất Linh Trung, TPHCM. Ảnh: Cao Thăng

Về chi phí sản xuất, so với các thành phố lớn khác trong khu vực, TPHCM có các chi phí thiết yếu như nhân công, điện, nước thấp hơn. Cụ thể, chi phí cho lao động giỏi chuyên môn, kỹ năng nghề và có trình độ ngoại ngữ cơ bản khoảng 440 USD/người/năm. Chi phí điện khoảng 0,09 USD/kWh, nước khoảng 0,43 USD/m³. Các chi phí này thấp hơn 2 - 3 lần so với Manila của Philippines, Quảng Châu của Trung Quốc… Quan trọng hơn, Việt Nam đang có cơ hội được hưởng mức thuế suất ưu đãi khi hàng loạt hiệp định thương mại được thông qua trong thời gian tới. Tuy nhiên, cộng đồng DN Nhật cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật; chính sách thuế rõ ràng, minh bạch hơn. Thủ tục cấp phép đầu tư cần giản đơn hơn nữa. Về hạ tầng kết nối giao thông, cần phải đồng đều giữa các tỉnh, thành. Riêng lương công nhân, cần tăng theo lộ trình để công ty Nhật Bản có thể thích ứng.

TPHCM cải cách hành chính để đón làn sóng đầu tư

Để đón làn sóng đầu tư DN Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm khẳng định, TPHCM sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh lâu dài. Những lĩnh vực TPHCM đặc biệt ưu tiên đầu tư là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp công nghệ cao. Hiện TPHCM đang có 17 khu chế xuất và khu công nghiệp với diện tích trên 4.000ha, trong đó có 2 khu công nghệ cao, cùng một khu nông nghiệp công nghệ cao. Dự kiến sẽ tiếp tục thành lập thêm 7 khu công nghiệp mới với diện tích hơn 2.000ha để thu hút DN vào đầu tư.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, cho biết thêm, TPHCM đã tập trung đơn giản hóa và công khai quy trình thủ tục đầu tư nước ngoài; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý; thủ tục đầu tư nhanh chóng (đăng ký doanh nghiệp 3 ngày, đăng ký đầu tư 15 ngày); giảm thời gian thực hiện các thủ tục thuế, hải quan (97% kê khai thuế điện tử, thủ tục thuế rút ngắn còn 171 giờ trong năm 2015). Hiện TPHCM đang đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại như các tuyến metro, monorail; hoàn thiện các tuyến đường vành đai, đẩy nhanh tiến độ di dời và phát triển hệ thống cảng biển; tạo quỹ đất thuận lợi cho nhà đầu tư (hoàn thiện quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao 2, Khu đô thị cảng Hiệp Phước…). Thành phố cũng tổ chức thường xuyên các chương trình gặp gỡ tháo gỡ khó khăn cho DN; cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công…

Ông Nakajima Satoshi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM nhấn mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn thuộc Liên đoàn Kinh tế Keidanren Nhật Bản đã chính thức sang TPHCM để tìm hiểu môi trường đầu tư. Qua đó cho thấy sự kỳ vọng lớn lao vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam cũng như mong muốn đầu tư vào Việt Nam của các DN Nhật Bản. Vấn đề còn lại là Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện Nhật Bản tham gia đầu tư đa dạng các ngành tại Việt Nam trong thời gian tới.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục