Thu hút vốn FDI, kỳ vọng làn sóng đầu tư mới

Khép lại năm 2015, Việt Nam được đánh giá có một năm thắng lớn trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước đó. Bước sang năm 2016, giới phân tích nhận định cơ hội thu hút nguồn vốn này của Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn và có thể có một làn sóng đầu tư mới, nhờ các chính sách hội nhập sâu rộng đã và sắp có hiệu lực.
Thu hút vốn FDI, kỳ vọng làn sóng đầu tư mới

Khép lại năm 2015, Việt Nam được đánh giá có một năm thắng lớn trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm trước đó. Bước sang năm 2016, giới phân tích nhận định cơ hội thu hút nguồn vốn này của Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn và có thể có một làn sóng đầu tư mới, nhờ các chính sách hội nhập sâu rộng đã và sắp có hiệu lực.

Tín hiệu tích cực

Theo báo cáo mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng đầu năm 2016, số vốn FDI cam kết đạt 1,334 tỷ USD thông qua 127 dự án cấp mới và 56 dự án tăng vốn, tăng hơn gấp đôi số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của khối doanh nghiệp (DN) FDI trong tháng qua ước đạt 800 triệu USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả trên được cho là một khởi đầu thuận lợi, dự báo cho một năm thành công tiếp theo để Việt Nam thu hút nguồn vốn FDI lớn và chất lượng hơn.

Thu hút vốn FDI đã có một năm thắng lớn (Ảnh: Sản xuất linh kiện bán dẫn tại doanh nghiệp Nhật Bản trong Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM). Ảnh: Cao Thăng

Trong khi đó, dưới con mắt của một số nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế thì phân tích những thuận lợi của Việt Nam về thu hút vốn FDI cho năm nay và những năm tới trên cơ sở của một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước được ký kết và sắp có hiệu lực, đặc biệt là vào ngày 4-2 vừa qua, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài nói chung, bao gồm cả vốn FDI, đầu tư gián tiếp (FII) và các nguồn đầu tư ngoại khác. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP sẽ phát triển mạnh trong tương lai, từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư vào Việt Nam từ các nước trong khối TPP. Các nhà đầu tư ngoài khối TPP cũng sẽ đầu tư vào Việt Nam nhằm hưởng lợi ưu đãi thuế quan. Đặc biệt, đầu tư từ Nhật và Mỹ được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh, vì hai quốc gia này có nhiều lợi thế về công nghệ và kỹ thuật mà Việt Nam mong muốn thu hút.

Giới phân tích cho rằng Việt Nam đang có thời cơ thuận lợi để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, khu vực châu Á vẫn sẽ là nguồn vốn chính dù nguồn vốn từ Mỹ và khu vực châu Âu có gia tăng. Ông Nguyễn Nội, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cũng cho rằng tình hình cho thấy Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là hai nước có vốn cam kết FDI vào Việt Nam nhiều trong 2 - 3 năm tới.

Tại buổi đối thoại giữa DN Hàn Quốc với cơ quan nhà nước (Business Dialogue 2015 in Vietnam) tại TPHCM vào tháng 12 vừa rồi, ông Park Noh Wan, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TPHCM, cho rằng trong số các nước ASEAN, Việt Nam là nước nhận được nguồn vốn đầu tư nhiều nhất từ Hàn Quốc. Nhiều tập đoàn lớn của xứ kim chi như Samsung, LG, Lotte, E-Mart, Doosan, CJ, Kumho đều đã có mặt. Trước đây, DN Hàn Quốc tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, giày da... nhưng nay đã mở rộng sang các ngành công nghiệp mũi nhọn như điện, điện tử, công nghệ thông tin, góp phần lớn vào sự phát triển ngành công nghiệp của Việt Nam. Sắp tới, vốn FDI từ Hàn Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong các lĩnh vực điện tử, dịch vụ logistics, bán lẻ...

Đóng góp lớn nhưng cũng lắm âu lo

Năm ngoái, khu vực FDI đã đóng góp 207,85 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, tăng 16,7% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu đạt 110,59 tỷ USD - tăng 17,7%, chiếm gần 68% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần giảm bớt một lượng ngoại tệ nhập siêu tăng cao của khu vực DN trong nước. Ngoài ra, đóng góp của khu vực DN FDI trong những năm gần đây đã làm thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, vốn chủ yếu từ những sản phẩm sử dụng nhiều lao động chân tay như dệt may, giày dép, sản phẩm nông nghiệp thô… sang những mặt hàng đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao hơn. Đơn cử như mặt hàng điện thoại, từ một nước không có ngành công nghiệp này của 10 năm về trước nhưng khi Samsung, LG, Microsoft… đầu tư sản xuất thì Việt Nam đang dẫn đầu xuất khẩu mặt hàng này. Chỉ riêng năm ngoái, tổng giá trị xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện điện thoại đạt 30,18 tỷ USD (tăng 27,9% so với năm 2014). Hay nhóm mặt hàng công nghệ khác có kim ngạch xuất khẩu rất cao trong năm qua là sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện. Tuy đứng thứ ba về giá trị xuất khẩu, nhưng nhóm hàng này có tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao nhất trong năm 2015, đạt 15,61 tỷ USD (tăng 36,5% so với năm trước).

Lợi thế thu hút FDI của Việt Nam đã rõ, ngoài chi phí rẻ, quy mô thị trường tiềm năng thì còn là một nền kinh tế hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu. Nhưng giới quan sát và DN cũng có nhiều lo lắng khác. Đó là FTA và TPP một mặt đem vốn FDI vào Việt Nam và giúp công nghiệp phụ trợ phát triển, nhưng nó cũng trở thành đối thủ lớn nhất khiến các công ty nội địa nếu không có quy mô lớn và công nghệ hiện đại sẽ khó có thể tồn tại. Cơ hội thu hút FDI sau TPP rất lớn, nhưng cũng đặt ra thách thức là sẽ có nhiều dự án có hàm lượng kỹ thuật - công nghệ thấp, dễ gây ô nhiễm môi trường trong các lĩnh vực khác nhau như dệt nhuộm, may mặc, da giày… từ các nước mà Việt Nam đang nhập siêu, nên cần biết loại bỏ các dự án nêu trên.

Rõ ràng, hội nhập mang lại nhiều lợi ích cũng như thách thức. Vì vậy, các địa phương cần tận dụng được cơ hội này để thực hiện “quyền lựa chọn” dự án, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc thu hút dòng vốn FDI.

Ông Oyama Nagahisa, Tổng đại diện của Tập đoàn Aeon tại Việt Nam, đánh giá Việt Nam có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của tập đoàn. Đến nay, nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản này đã “rót” hơn 500 triệu USD vào Việt Nam xây 4 trung tâm thương mại lớn tại TPHCM, Hà Nội và Bình Dương. Hiện trung tâm mua sắm đầu tiên ở Việt Nam là Aeon Tân Phú Celadon (quận Tân Phú, TPHCM) thu hút khoảng 1 triệu lượt khách đến mỗi tháng, được đánh giá là một trong những trung tâm mua sắm kinh doanh thành công ở Việt Nam.


XUÂN LỘC

Tin cùng chuyên mục