Thu hút đầu tư ở TPHCM - Chuyển lượng sang chất

Thu hút đầu tư ở TPHCM - Chuyển lượng sang chất

Nhiều năm liền, TPHCM luôn đi đầu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thế nhưng từ đầu năm đến nay, TPHCM đã… tụt hạng. Trước những khó khăn đó, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (ảnh), về kế hoạch, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhằm đẩy mạnh thu hút vốn FDI thời gian tới.

Thu hút đầu tư ở TPHCM - Chuyển lượng sang chất ảnh 1

Phóng viên: Những tháng gần đây, TPHCM - từ vị trí luôn đi đầu trong thu hút vốn FDI - đã bị lùi lại đến hạng 5 so với các tỉnh, thành trong cả nước, chắc hẳn TP đang đối diện nhiều khó khăn thách thức?

Bà LÊ THỊ HUỲNH MAI: Trước hết, tôi muốn điểm qua về tình hình đầu tư của TPHCM. Tính đến ngày 30-4-2016, TP có 6.085 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 40,13 tỷ USD, đứng đầu cả nước (xét về vốn đầu tư). Năm 2015, TPHCM thu hút được 595 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,04 tỷ USD, là địa phương dẫn đầu cả nước về tổng vốn đầu tư thu hút mới; nếu tính cả cấp mới và tăng vốn, năm 2015 TP đã thu hút được 4,5 tỷ USD.

Bốn tháng đầu năm 2016, TP thu hút được 244,76 triệu USD từ 251 dự án đăng ký mới (chưa kể các dự án tăng vốn và các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đề nghị góp vốn mua cổ phần, mua lại phần vốn góp), đứng thứ 5 so với cả nước. Có thể thấy, TPHCM vẫn thu hút được nguồn vốn FDI lớn. Việc chỉ tính số liệu thống kê một vài tháng đầu năm vốn đầu tư chưa nhiều là thực tế thường thấy của TP trong những năm qua, do những dự án vốn lớn thường được các nhà đầu tư nộp hồ sơ và triển khai vào giai đoạn giữa và cuối năm, không phản ảnh bức tranh tổng thể tình hình FDI của TPHCM. Ngoài ra, do thay đổi Luật Đầu tư từ ngày 1-7-2015, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần. Tính đến ngày 9-5-2016, đã có 549 hồ sơ nhà đầu tư nước ngoài đề nghị góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn đề nghị được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt gần 8.284 tỷ đồng Việt Nam, tương đương khoảng gần 400 triệu USD.

Như vậy, có thể thấy tình hình thu hút vốn FDI của TP vẫn đi đúng hướng, thậm chí có dấu hiệu tích cực hơn cả năm 2015 - vốn là một năm thu hút FDI rất thành công của TP như đã trình bày ở trên.

UBND TPHCM luôn đặt ra chỉ tiêu về nâng chất trong mọi hoạt động, vậy với hoạt động thu hút đầu tư thì như thế nào, thưa bà?

Thành phố vẫn đang định hướng là chuyển từ “lượng” sang “chất”, tức nâng tầm các dự án trước đây thành các dự án sử dụng công nghệ cao hơn, thân thiện với môi trường, giá trị gia tăng lớn. Do vậy, việc thu hút đầu tư đã có sự tinh lọc. Cụ thể là kiên trì định hướng thu hút đầu tư vào 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa - cao su; chế biến lương thực thực phẩm) và 9 nhóm ngành dịch vụ (lĩnh vực tài chính - tín dụng - ngân hàng - bảo hiểm; thương mại; vận tải - kho bãi; viễn thông và công nghệ thông tin; bất động sản; dịch vụ tư vấn; khoa học công nghệ; du lịch; y tế và giáo dục đào tạo).

Xây dựng tuyến metro, TPHCM cung ứng hạ tầng giao thông thuận lợi cho các nhà đầu tư Ảnh: CAO THĂNG

Vậy Sở KH-ĐT với vai trò tham mưu cho UBND TP sẽ giải quyết những khó khăn này trong thời gian tới như thế nào?

 Để nâng cao vị thế và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, TPHCM đã và đang tiếp tục quy hoạch, phát triển quỹ đất sạch phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng hạ tầng trong các khu, mở rộng số lượng khu công nghiệp, khu chế xuất lên thành 23 khu với tổng diện tích khoảng 6.038ha. Đồng thời, khẩn trương triển khai xây dựng giai đoạn 2 của Khu Công nghệ cao TPHCM với diện tích khoảng 600ha và có kế hoạch mở rộng Công viên Phần mềm Quang Trung trong thời gian tới. Nhiều dự án hạ tầng và giải phóng mặt bằng cũng được TP quyết liệt thực hiện nhằm tạo điều kiện thu hút các dự án FDI, như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, các tuyến đường sắt đô thị...  Các dự án hạ tầng này hứa hẹn sẽ đem lại một bộ mặt hoàn toàn mới cho TPHCM, vốn được mệnh danh là đô thị trẻ, năng động hàng đầu cả nước.

Ngoài ra, TPHCM cũng triển khai cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nhà đầu tư nhằm định hướng đầu tư vào các lĩnh vực cần sử dụng nhiều lao động chất lượng cao. Cụ thể là thành lập Công viên Phần mềm Quang Trung nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó hỗ trợ về đào tạo nhân sự, cung cấp hạ tầng mạng tiêu chuẩn quốc tế và tư vấn hỗ trợ kịp thời trong suốt quá trình triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh. Mô hình này đã chứng minh được hiệu quả rất lớn trong thời gian qua, sau 15 năm thành lập, công viên phần mềm này đã thu hút 120 doanh nghiệp (DN) công nghệ thông tin, 33 nhà đầu tư với 18.260 người làm việc và học tập. TPHCM đang định hướng phát triển Công viên Phần mềm Quang Trung thành một chuỗi công viên phần mềm để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, để nâng chất đầu tư, Sở KH-ĐT đang triển khai một loạt các giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian gia nhập thị trường, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư như: Tập trung xây dựng nhiều quy trình liên thông để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ và hạn chế việc DN, nhà đầu tư phải đi lại nhiều lần (liên thông giải quyết hồ sơ đăng ký đầu tư và đăng ký DN của DN FDI, phối hợp giữa các sở, ban ngành, UBND quận huyện trong việc thực hiện thủ tục hành chính đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu); triển khai áp dụng dịch vụ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư như: dịch vụ chuyển phát kết quả hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký DN qua hệ thống bưu điện, nhà đầu tư và DN không phải đến trực tiếp Sở KH-ĐT mà vẫn nhận được kết quả giải quyết hồ sơ…

 Xin cảm ơn bà!


HÀN NI thực hiện

Tin cùng chuyên mục