Kỹ sư… nước mắm

Kỹ sư… nước mắm

74 tuổi đời, mái tóc trắng bạc màu sóng biển, ông có gần nửa thế kỷ gắn bó với cái nghề làm ra sản phẩm được coi là “quốc hồn quốc túy” của người Việt. Ông đã kết hợp thành công giữa truyền thống với hiện đại để tạo nên một dòng sản phẩm nước mắm sạch, đồng hành an toàn với bữa ăn của gia đình Việt Nam.

Đam mê

Kỹ sư… nước mắm ảnh 1

Ông Trần Văn Hưởng với cơ sở sản xuất nước mắm sạch ở Cà Ná. Ảnh: T.N.S

Năm 1963, tốt nghiệp ngành chế biến thủy sản khóa 1 Học viện Nông Lâm Hà Nội, kỹ sư trẻ Trần Văn Hưởng được điều về công tác tại Bộ Thủy sản, phụ trách nhóm chuyên gia nghiên cứu thiết bị chế biến thủy sản.

Ngay từ khi mới vào làm việc, chàng trai quê xứ đồng chiêm trũng Yên Đỗ (Bình Lục, Hà Nam) lại tỏ ra đam mê với con cá biển Việt Nam một cách kỳ lạ. Anh lặn lội khắp các tỉnh miền Bắc nghiên cứu, thực nghiệm đề tài khoa học cấp nhà nước có tên gọi “quy trình chế biến nước mắm ngắn ngày”.

Đó là việc sử dụng nhiệt đối lưu đẩy nhanh tiến trình enzim hóa protein nhằm rút ngắn thời gian làm nước mắm từ 180 ngày xuống còn 45-60 ngày. Miệt mài suốt 8 năm ròng, từ năm 1966 đến năm 1974, đề tài trên của kỹ sư Hưởng và các cộng sự được Hội đồng Khoa học Nhà nước nghiệm thu. Sau đó, ông được điều về làm Giám đốc Xí nghiệp chế biến nước mắm thành phố Nam Định.

Cuối năm 1991, ông Hưởng nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng hương vị thơm nồng, màu vàng óng của nước mắm vẫn cứ day dứt trong ông. Ông tâm sự: “Hình như cả cuộc đời tôi bị ám ảnh bởi khát vọng tìm ra một hướng đi mới cho quy trình chế biến nước mắm an toàn, chất lượng cao mang thương hiệu Việt”. Sau nhiều đêm không ngủ, ông quyết định đưa cả gia đình từ Hà Nam vào định cư tại vùng biển Cà Ná thuộc xã Phước Diêm (Ninh Phước, Ninh Thuận). “Ở độ tuổi “an chi giả lão”, sao chú không nghỉ dưỡng già cho khỏe tại quê nhà, mà lại vào tận đây để tiếp tục làm việc?” –chúng tôi hỏi. Ông cười hiền lành: “Cà Ná là vùng biển ấm áp có đàn cá cơm sinh sống lớn nhất Việt Nam. Cá cơm muối chượp cho ra nước mắm đặc biệt thơm ngon. Cà Ná cũng là địa điểm có số ngày nắng cao nhất trong cả nước rất thích hợp cho quy trình chế biến nước mắm sử dụng nhiệt mà tôi đã dày công nghiên cứu từ thời trai trẻ. Cá cơm Cà Ná kết hợp với muối tinh và nắng trời Cà Ná sẽ cho ra sản phẩm nước mắm mang hương vị đặc trưng của vùng biển nổi tiếng đẹp nhất nhì Việt Nam”.

Khẳng định thương hiệu

Đến thăm cơ sở chế biến nước mắm của kỹ sư Hưởng, chúng tôi bị bất ngờ bởi không có nhà lều tường xây, mái che kín mít với những dãy thùng gỗ muối chượp cá. “Dinh cơ” làm nước mắm của ông là 25 thùng inox sáng loáng nằm phơi nắng trời Cà Ná. Có lẽ kỹ sư Hưởng là người duy nhất ở Việt Nam làm nước mắm theo kiểu riêng của ông. Buổi đầu về Cà Ná lập nghiệp, vợ chồng ông lặn lội mua cá cơm về hấp, phơi khô bán lẻ cho người tiêu dùng. Gom góp được ít vốn liếng, đầu năm 1994, ông quyết định đầu tư 100 triệu đồng mua 25 thùng inox về muối chượp cá. Mỗi thùng có dung tích 1.750 lít có thể muối được 1 tấn cá cơm theo phương thức truyền thống 3 cá kết hợp 1 muối. Thùng vuông vức có nắp đậy, có khóa để tránh bụi bặm, chuột bọ chui vào. “Thùng inox phơi nắng sẽ đẩy nhanh tiến trình phân hủy cá chượp cho ra nước mắm thơm ngon” –ông Hưởng nói.

Cơ sở nước mắm của ông ngày càng phát triển. Hàng năm ông tiêu thụ trên 20.000 lít nước mắm, doanh thu vài trăm triệu đồng. Ông quả quyết: “Tôi làm nước mắm vì lòng đam mê nghiên cứu khoa học, lấy kết quả nghiên cứu và sức khoẻ người tiêu dùng làm tiêu chí hàng đầu”. Theo kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật 1 (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn- Đo lường- Chất lượng) công bố tháng 8 vừa qua, sản phẩm nước mắm của kỹ sư Trần Văn Hưởng có độ đạm và acid amin đạt tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt, trong sản phẩm nước mắm của ông không có vi khuẩn E. Coli và dư lượng kim loại nặng thấp hơn 100 lần tiêu chuẩn cho phép (0,01 gr/lít sản phẩm).

Ông tiến hành đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và bản quyền sản phẩm nước mắm sạch. “Tôi tin rằng mình còn đủ sức khỏe và thời gian để quảng bá quy trình sản xuất nước mắm sạch chất lượng cao phục vụ người tiêu dùng. Do đó tôi cũng mong muốn liên kết cùng các doanh nghiệp đầu tư đưa sản phẩm nước mắm sạch Cà Ná vươn ra thị trường nước ngoài” -kỹ sư Trần Văn Hưởng bộc bạch.

Cách đây tròn 80 năm, các chủ đồn điền Pháp đã lợi dụng nắng gió Cà Ná để xây dựng đồng muối công nghiệp rộng 500 mẫu tây, lớn nhất Việt Nam với sản lượng hàng năm trên 55.000 tấn. Muối Cà Ná đã phục vụ cho công nghiệp chế biến trên toàn khu vực Đông Dương. Và ngày nay có một kỹ sư Việt Nam cũng đã tận dụng nguồn năng lượng “trời cho” để sản xuất nước mắm sạch mang tên Trần Văn Hưởng.

Thái Ngọc Sơn

Tin cùng chuyên mục