Tỷ phú làm từ thiện

Tỷ phú làm từ thiện

Khác với các thế hệ tỷ phú trước, thế hệ tỷ phú ngày nay chú tâm nhiều hơn đến các hoạt động từ thiện như một cách để “nâng cấp” bản thân và xã hội họ đang sống. Xu hướng này đặc biệt đang phổ biến tại các thị trường mới nổi.

“Đại gia” phải làm từ thiện

Tỷ phú làm từ thiện ảnh 1
Tỷ phú Thổ Nhĩ Kỳ Husnu Ozyegin.

Từ năm 2000, tỷ phú Husnu Ozyegin đã dùng hơn 50 triệu USD tiền túi để xây 36 ngôi trường tiểu học và ký túc xá nữ tại những nơi nghèo nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Ozyegin là “Mạnh Thường Quân” lớn nhất của ngành giáo dục nước này. “Không tệ. Nếu tôi có tác động tốt đến 1 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ trong 10 năm tới, tôi sẽ rất hạnh phúc” - Ozyegin nói.

Thế giới ngày càng giàu có đã tạo ra một kiểu tỷ phú mới ở các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Mexico và Nga. Được thúc đẩy bởi nền kinh tế đang thăng hoa, đồng tiền mạnh và những công ty cạnh tranh toàn cầu, họ cưỡi trên sự thăng hoa của thị trường chứng khoán địa phương nay đã đạt đến những đỉnh cao chưa từng có trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhiều người trong số họ đang dùng sự giàu có của mình để củng cố vị trí của họ và thúc đẩy thay đổi xã hội tại địa phương.

Những nhà doanh nghiệp này, những người đã kiếm được hàng tỷ USD trong các ngành như: bưu chính viễn thông, hóa dầu và tài chính, đang tạo sự khác biệt với thế hệ tỷ phú trước đây của thế giới. Trong một thời gian dài trước đây thường có sự khác biệt rất lớn giữa một bộ phận nhỏ những người giàu có và lượng lớn những người nghèo khó, thế hệ tỷ phú mới chia sẻ sự giàu có của mình ngày càng nhiều hơn.

Và như các tỷ phú của Rockefellers, Carnegies và Morgans trước đây thường dùng công tác từ thiện để gây thanh thế cho mình - cũng như thế hệ các tỷ phú Hoa Kỳ hiện nay như Bill Gates của Microsoft và Sanford Weill của Citigroup - các tỷ phú địa phương tại các thị trường mới nổi cũng đang cố gắng làm tương tự.

Carlos Slim, ông trùm truyền thông tại Mexico với tài sản hơn 50 tỷ USD, đã rót hàng tỷ USD vào 2 quỹ từ thiện của ông trong lĩnh vực  giáo dục và y tế. Người giàu nhất nước Nga Roman Abramovich, với tài sản ròng 18 tỷ USD, đã hiến hơn 1 tỷ USD cho tỉnh nghèo Arctic ở Chukotka để xây trường học và bệnh viện.

Càng giàu càng phải có trách nhiệm

Tỷ phú Ozyegin với tài sản ròng 3,5 tỷ USD là sáng lập viên ngân hàng Finansbank. Ông kiếm tiền từ cơn sốt lãi suất của các tổ chức tài chính nước ngoài đổ xô vào các Ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái và bán một lượng cổ phần kiểm soát của ông cho ngân hàng Quốc gia Ai Cập để nhận 2,7 tỷ USD tiền mặt.

Ông quyết định làm hết khả năng để nâng cấp chuẩn mực giáo dục trong nước ở bậc tiểu học và đại học. Thường xuyên đi sang các nước Đông Nam Á, Trung Quốc và Nga, ông nghĩ rằng cần phải giúp Thổ Nhĩ Kỳ cạnh tranh hơn trong nền kinh tế toàn cầu. “Vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cấp nền giáo dục” - ông nói và cho rằng kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ tăng trưởng nhanh một phần vì số du học sinh của họ rất cao.

Ngoài việc đầu tư cho các trường công, Ozyegin còn có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD trong vòng 15 năm tới cho một đại học tư, sẽ được gọi là trường đại học Ozyegin. “Tôi muốn làm việc gì đó có tính quy mô hơn. Nguyện vọng của tôi là góp phần giúp đất nước tôi đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo và xuất khẩu nhân lực” - Ozyegin nói và hy vọng tập trung vào giáo dục như một công cụ phát triển kinh tế sẽ giúp xóa bỏ những tư tưởng lạc hậu của tôn giáo trong vấn đề nữ quyền. “Tôi muốn Thổ Nhĩ Kỳ có được nền giáo dục ngang tầm châu Âu vào 25 năm nữa” - ông nói.

Vĩnh Cẩm
(Theo S.P)

Tin cùng chuyên mục