"Thung lũng Silicon" của Trung Quốc

"Thung lũng Silicon" của Trung Quốc

Công viên Z - khu công nghệ cao lớn nhất Trung Quốc, là “bà đỡ” cho các sáng tạo công nghệ cao và cũng là nơi thử nghiệm các chính sách tự do hóa kinh tế của Chính phủ Trung Quốc.

  • Một trung tâm ý tưởng
"Thung lũng Silicon" của Trung Quốc ảnh 1

Một góc công viên Z.

Không lâu trước Tết Âm lịch (tháng 2-2007), Olay đã tung ra các sản phẩm chống lão hóa cũ với bao bì mới. Thành công tức thì, chủ yếu nhờ vỏ hộp bắt mắt. Theo James Kaw, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Procter & Gamble’s (P&G) tại Công viên Z (tên tắt của Công viên Khoa học Zhongguancun – Trung Quan Thôn), thiết kế mới đã tạo ra hiệu quả bán hàng.

Lãnh đạo của Olay, một thương hiệu do P&G sở hữu, không công khai doanh số của các sản phẩm “rượu cũ bình mới” này. Thiết kế nói trên do trung tâm của James Kaw phát triển. Nó là một công trình tập thể, kết quả hợp tác giữa các chuyên viên người Trung Quốc của P&G và các nhà cung cấp bao bì nội địa. Tuy nhiên, Olay sử dụng vỏ hộp mới không chỉ để nhắm tới người tiêu dùng Trung Quốc, mà còn cả tới người tiêu dùng toàn cầu.

Trong thực tế, Công viên Z đã trở thành một địa chỉ quan trọng đối với các doanh nghiệp toàn cầu đang muốn triển khai các hoạt động R&D trên mọi lĩnh vực cũng như thâm nhập thị trường Trung Quốc. Công viên Z cũng là khu công nghệ cao lâu đời và lớn nhất trong số 53 khu công nghệ cao của Trung Quốc. Công viên Z gồm một nhóm 7 công viên công nghệ cao, chiếm diện tích 100 cây số vuông, ở ngoại ô Tây Bắc Thủ đô Bắc Kinh; nằm gần các trường đại học nổi tiếng được thế giới công nhận như Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Công viên Z hình thành vào năm 1980, khởi đầu với một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của Trung Quốc do một nhà nghiên cứu thành lập.

Sau khi đi thăm Silicon Valley ở Hoa Kỳ về, nhà nghiên cứu này, nguyên cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã nảy ra ý nghĩ xây dựng nơi đây thành một Silicon Valley mới. Dần dần, một số nhà khoa học Trung Quốc khác đã tới đây mở doanh nghiệp. Tất cả đều được Chính phủ và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc hỗ trợ hết mình. Đó là chưa kể họ còn có các mối liên kết với các trường đại học Trung Quốc.

  • Tìm vị trí quốc tế 

Năm 1988, chính quyền thành phố Bắc Kinh chính thức thừa nhận khu vực này là Khu Thử nghiệm Phát triển các Công nghệ mới. Nhờ đó, Công viên Z tăng trưởng mạnh hơn. Đến năm 1996, nhiều tập đoàn nước ngoài đã kéo đến đây lập trung tâm R&D, trong đó có IBM, Sun, Nokia và Microsoft. Các tập đoàn không kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ cao như P&G cũng hiện diện tại Công viên Z. Hiện nay khoảng 18.000 công ty đã đặt cơ sở tại đây, trong đó có hơn 1.000 doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2006, doanh số của các cơ sở này là 85,75 tỷ USD. 

Năm 2007, ban lãnh đạo Công viên Z đã công bố các kế hoạch táo bạo nhằm phát triển lên tầm cao mới. Đại diện của họ thường xuyên đi đến các khu công nghệ cao như Thung lũng Silicon và Công viên Tam giác Nghiên cứu (Research Triangle Park ở Bắc Carolina, Hoa Kỳ) để quảng bá cho Công viên Z. Các đại diện này luôn nhấn mạnh đến những lợi ích như tiền thuê đất, nhà xưởng rẻ, việc thành lập doanh nghiệp dễ dàng và lương cao. Cũng nhờ đó, họ đã kéo được hàng chục nghìn người Trung Quốc làm việc trong các trung tâm công nghệ cao nước ngoài trở về phục vụ.

Chính phủ Trung Quốc đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng một môi trường, trong đó các doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp tăng trưởng cao có thể phát triển (hoặc chết đi). Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các điều kiện ràng buộc để mở công ty tại Công viên Z. Đó là 50% doanh số công ty phải do các dự án công nghệ cao đem lại, R&D phải chiếm ít nhất 3% tổng doanh số và ít nhất 20% lực lượng lao động phải có bằng đại học.

Ban lãnh đạo Công viên Z cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn làm ăn. Ngoài ra, còn có ưu đãi về thuế. Ví dụ: thuế thu nhập của nhân viên các công ty nước ngoài chỉ có 15%; 10% nếu công ty xuất khẩu hơn 40% sản phẩm. Công ty công nghệ cao cũng được miễn thuế trong ba năm đầu hoạt động và miễn 50% thuế cho ba năm tiếp theo. Về phương diện nào đó, Công viên Z là “phòng thí nghiệm” về tự do hóa kinh tế của Trung Quốc. Chính phủ có thể thực hiện các chính sách khác nhau tại đây, rút kinh nghiệm, trước khi cho áp dụng đại trà. Thuế thu nhập 15% chẳng hạn, sắp được áp dụng ở cấp quốc gia.

Ngọc Trung (Theo Business Week)

Tin cùng chuyên mục