Bia hút vốn đầu tư

Bia hút vốn đầu tư

Các nhà máy bia đang trong quá trình cổ phần hóa cũng như các dự án sản xuất mới đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư công chúng. Nhiều tập đoàn kinh tế vốân xa lạ với bia cũng khởi động các dự án đầu tư sản xuất bia. Ngành sản xuất bia đang trở thành trung tâm thu hút vốn đầu tư.

  • Nhu cầu trong nước tăng mạnh
Bia hút vốn đầu tư ảnh 1
Dây chuyền sản xuất bia ZoRok của Vinamilk. Ảnh: P.Ngọc

Đầu tháng 5-2007, Tổng Công ty Bia Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chính thức đưa Nhà máy Bia Đắk Lắk vào hoạt động, với công suất 30 triệu lít/năm. Hơn 3 năm trước, khi làm đề án xây dựng nhà máy bia này, dự kiến vào thời điểm hiện nay nhu cầu chỉ khoảng 15 triệu lít, nên dự án 25 triệu lít/năm là dư công suất.

Tuy nhiên, khi nhà máy đi vào hoạt động với công suất tối đa 30 triệu lít/năm vẫn chưa đáp ứng nhu cầu hiện nay của khu vực này. Thế là Đắk Lắk và Sabeco phải bàn đến phương án triển khai nhanh giai đoạn 2 của dự án Nhà máy bia Đắk Lắk lên 50 triệu lít/năm. Không chỉ Đắk Lắk, vùng đồng bằng sông Cửu Long vốn nổi tiếng về gu uống rượu thì nay chuyển sang sử dụng bia. Các nhà máy bia của hệ thống Sabeco như Cần Thơ, Sóc Trăng... tăng công suất cũng không đáp ứng được yêu cầu. Hiện Sabeco đang chuẩn bị triển khai dự án Nhà máy Bia Sài Gòn-Vĩnh Long công suất giai đoạn 1 dự kiến 50 triệu lít/năm.

Đầu năm nay, UBND tỉnh Long An, Ban Quản lý KCN Đức Hòa 3 (Long An) đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Kronenbourg Việt Nam. Đây là dự án xây dựng nhà máy sản xuất bia cao cấp và thức uống có cồn do Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và Tập đoàn Scottish & New Castle (S&N) của Anh liên doanh hợp tác. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 6 ha với tổng số vốn đầu tư 75 triệu USD, khi đi vào hoạt động sẽ có công suất 150 triệu lít/ năm. Dự án này cũng nằm trong quá trình tái cấu trúc mô hình tổ chức của Vinataba nhằm thúc đẩy Vinataba trở thành một tập đoàn chế biến thực phẩm hàng đầu ở Việt Nam.

Vào thời điểm này, cùng với thông tin về việc khởi động xây dựng các nhà máy bia mới của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) tại khu vực miền Trung, Tổng Công ty Bia Rượu và Nước giải khát Hà Nội tại Vĩnh Phúc và Bà Rịa - Vũng Tàu,  các dự án của Sabeco mở rộng năng lực mới tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi... giới đầu tư cũng chú ý đến vụ Asia Pacific Breweries (APB) mua lại Tập đoàn bia Foster tại Việt Nam. APB đã hoàn thành quá trình tiếp nhận các nhà máy tại Đà Nẵng và Tiền Giang, phát triển các thương hiệu của Foster’s như BGI, Larue, Larue Export, Larue Superior…  APB sẽ nâng cấp các nhà máy Bia Việât Nam tại TPHCM lên 230 triệu lít/năm, Hà Tây lên 50 triệu lít/năm, hợp tác với Bia Qui Nhơn đưa công suất lên 20 triệu lít/năm, càng làm cho thị trường thêm sôi động.

  • Cạnh tranh quyết liệt

Ngay trước Tết Đinh Hợi, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam  (Vinamilk) tung ra thị trường nhãn hiệu bia mới ZoRok. Đây là sản phẩm liên doanh giữaVinamilk và Tập đoàn bia hàng đầu Hoa Kỳ SABMiller. Công nghệ do phía đối tác nước ngoài chuyển giao. Chai ZoRok khi trình làng được thiết kế đẹp, nhỏ gọn theo tiêu chuẩn quốc tế, nồng độ cồn tương đương các loại bia chai khác. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, cho biết liên doanh sản xuất bia này có công suất giai đoạn đầu 50 triệu lít/năm và cuối năm nay sẽ nâng cấp lên 100 triệu lít/năm. Với hệ thống đại lý đã xây dựng, tiếp thu kinh nghiệm bán hàng của SAB Miller,ZoRok hy vọng là một đối thủ mới nặng ký trên thị trường bia Việt Nam.

Với sự ra đời của hàng loạt nhà máy bia mới, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều thương hiệu bia nổi tiếng thế giới, cuộc cạnh tranh giữa những thương hiệu sẽ diễn ra quyết liệt. Từ Sabeco, một trong những nhà sản xuất bia hàng đầu tại Việt Nam, có sản phẩm chiếm lĩnh thị trường với các thương hiệu bia của Sabeco từ lâu như Sàigòn, 333, Saigon Special, Saigon Export, đến các nhãn hiệu bia của Habeco (đang tiến vào phía Nam) cùng hàng loạt các nhãn hiệu bia địa phương như: Bến Thành, Nada, Huda, Festival… sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với nhãn hiệu bia như Tiger, Heineken, Coors Light, Poster’s Lager, Larue, BGI, Bivina, Carlsberg và Halida... Và trong “cuộc chiến” giữa các thương hiệu bia, người tiêu thụ sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Văn Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục