Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Kiểm soát chặt chẽ tín dụng

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Kiểm soát chặt chẽ tín dụng

Tại hội nghị toàn ngành ngân hàng (NH) tổ chức hôm qua, 9-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ của năm 2008 là ngành NH phải tiếp tục tăng cường hiệu quả thanh tra, giám sát các hoạt động tín dụng, đặc biệt là cho vay CK, cho vay BĐS.

Phải làm tốt công tác dự báo

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Kiểm soát chặt chẽ tín dụng ảnh 1

Phải chăng tăng trưởng tín dụng năm 2007 là do cơn sốt thị trường bất động sản? Ảnh: Cao Thăng

Thủ tướng nhận định: Trong bối cảnh khó khăn của năm 2007, cả nước đã vượt qua nhiều thử thách để đạt tốc độ tăng trưởng cao gần 8,5%; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện. Trong đó, có sự đóng góp nhất định của ngành NH, thể hiện ở việc kiểm soát được lãi suất, tỷ giá, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, cán cân thanh toán tổng thể vẫn có bội thu…

Tuy nhiên, điểm yếu kém nổi cộm nhất là giá cả tăng quá cao (12,6%), gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Cũng có nguyên nhân khách quan, nhưng nếu điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn, dự báo tốt hơn thì lạm phát sẽ không đến hai con số. Xét cho cùng, giá cả tăng đều có nguyên nhân từ tiền tệ. NHNN cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác dự báo, không để lúng túng.

Trước đó, trả lời báo chí về những vấn đề của ngành NH, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết: Hiện các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ, các giải pháp điều hành trong năm 2008 đang trình Chính phủ.

Riêng về vấn đề tỷ giá và diễn biến trong thời gian gần đây, quan điểm của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu là đề cao nguyên tắc thị trường, nhưng cần theo sức chịu đựng của nền kinh tế và yêu cầu về ổn định. Trước ảnh hưởng của nguồn cung, không phải cứ nguồn cung nhiều là mua vào, mà phải tìm cách hấp thụ sao cho có lợi nhất đối với nền kinh tế. Theo đó NHNN chỉ can thiệp ở thời điểm thích hợp.

Trả lời câu hỏi về việc tỷ giá VND/USD giảm, gây bất lợi cho xuất khẩu và làm nhập siêu tăng mạnh hơn, ông Giàu cho biết: Trên thế giới, USD liên tục mất giá và mất tới hơn 10% so với đồng euro. Tại Việt Nam, đồng USD không bị mất giá quá mức như trên thị trường thế giới, nên NHNN phải điều hành tỷ giá theo những tín hiệu của thị trường để duy trì mục tiêu khuyến khích xuất khẩu.

Ông Giàu cũng nhận định giá cả của nhiều mặt hàng chủ chốt như dầu, USD... trên thị trường thế giới biến động rất khó lường nên phải chờ tình hình ổn định mới có biện pháp. Điều này hoàn toàn phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách khoa học, theo nguyên tắc thị trường. Và điều quan trọng hơn, chính sách này cần được điều hành một cách chủ động và linh hoạt. Thủ tướng yêu cầu NHNN nâng cao khả năng nghiên cứu, dự báo chính sách tiền tệ, kể cả tính đến việc tăng thêm tổ chức để làm tốt vấn đề này.

Tín dụng tăng do CK và BĐS?

Liên quan đến kết quả hoạt động của ngành NH năm 2007, Thủ tướng yêu cầu phải phân tích kỹ để làm rõ tại sao dư nợ tín dụng lại tăng lên đột biến: “Năm 2007, tổng dư nợ tín dụng tăng 37,8%, trong khi GDP tăng 8,5%, giá cả tăng 12,6%. Năm 2006, tổng dư nợ tín dụng chỉ tăng 24,8%, trong khi GDP cũng tăng 8,2%, giá cả tăng 8,6%. Tổng phương tiện thanh toán năm 2005 và 2006 tăng 24,4% và 29,7%, trong khi tổng phương tiện thanh toán năm 2007 tăng đến 37%. Phải làm rõ tại sao lại như vậy, phải chăng tín dụng tăng là do CK và BĐS?”.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí về vấn đề phối hợp với UBCKNN trong việc kích cầu cho TTCK, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thừa nhận sẽ có cơ chế kiểm soát mới đối với cho vay CK, nhưng các biện pháp được đưa ra phải giải quyết hài hòa cho sự phát triển của thị trường chứ không phải biện pháp dành cho những người đầu cơ CK.

Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng được Thủ tướng chỉ đạo NHNN thực hiện trong năm 2008 là tạo điều kiện để phát triển hệ thống các NHTM và định chế tài chính một cách vững chắc và hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện đúng tiến độ việc cổ phần hoá các NHTM  nhà nước, rút ra kinh nghiệm từ việc cổ phần hóa Vietcombank.

Đối với NH TMCP, Thủ tướng cho rằng phải mở cửa nhưng cũng phải vững chắc. Quy định về thành lập NH mới cần phải chặt chẽ và minh bạch. Đến thời điểm hiện nay, quy định mức vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng để thành lập NH là quá ít, có nên tăng lên hay không, NHNN cần nghiên cứu.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục