Xây đường cao tốc

Đột phá bằng cơ chế mới

Đột phá bằng cơ chế mới

Có thể gọi năm 2008 là năm đột phá xây dựng đường cao tốc với hàng loạt dự án lớn, quy mô vốn hàng chục ngàn tỷ đồng được khởi công. Nhiều cơ chế mới được áp dụng đã khai thông những ách tắc trước đây trong đầu tư đường cao tốc, vốn được coi là khá “xương xẩu” trong xây dựng hạ tầng giao thông.

Ách tắc: vẫn làm

Đột phá bằng cơ chế mới ảnh 1
Thi công đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, đoạn qua Tiền Giang. Ảnh: T.M.T

Cho đến nay, hàng loạt dự án làm đường cao tốc đang triển khai đều bị ách tắc. Trong đó, có thể kể đến tuyến cao tốc Láng – Hòa Lạc có tổng mức đầu tư 7.527 tỷ đồng, triển khai đã gần 3 năm nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc về vốn và mặt bằng.

Một tuyến cao tốc khác ở phía Bắc là Cầu Giẽ – Ninh Bình, được Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khởi công cách đây 2 năm cũng đang rơi vào bế tắc vì tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) quá chậm. Dự án này có tổng mức đầu tư lên tới 7.692 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Ở phía Nam, dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương có tổng chiều dài 62 km sẽ không thể hoàn thành vào cuối năm 2008 như dự định do chưa giải tỏa được mặt bằng.  

Những ách tắc trong xây dựng đường cao tốc không làm nản lòng các nhà đầu tư. Dự kiến, trong năm nay, có ít nhất 3 dự án đường cao tốc lớn, với số vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng sẽ được khởi công xây dựng. 

Ngay trong những ngày đầu tháng 1 này, dự án đường cao tốc TPHCM- Long Thành - Dầu Giây (một bộ phận của đường cao tốc Bắc - Nam) dài 55 km, có tổng mức đầu tư trong giai đoạn 1 lên tới 9.890 tỷ đồng, đã được khởi động với việc chủ đầu tư bàn giao tiểu dự án giải phóng mặt bằng cho địa phương. Khi hoàn thành, tuyến đường gồm 4 làn xe, chiều rộng nền đường 27,5 m, tốc độ thiết kế cho xe lưu thông 120 km/giờ.

Ở phía Bắc, một “siêu” dự án khác là đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng mức đầu tư 20.000 tỷ đồng, dài 264 km cũng đã chính thức được khởi động. Tiểu dự án GPMB của dự án trị giá 1.600 tỷ đồng đã được bàn giao cho các cơ quan có thẩm quyền thuộc 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Tiểu dự án này sẽ được triển khai trong tháng 1 và cơ bản hoàn thành vào tháng 8 năm nay.

Ngay khi có mặt bằng, dự án sẽ chính thức được khởi công. Trong khi đó, dù chỉ vừa ra mắt trong tháng 1, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) dự kiến sẽ khởi công xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng có tổng dự toán 24.000 tỷ đồng vào tháng 5 tới.

GPMB: Chuyên nghiệp hóa

Điểm mới nhất trong 2 dự án cao tốc của VEC (TPHCM– Long Thành - Dầu Giây và Hà Nội - Lào Cai) là việc bàn giao cho địa phương, nơi có dự án làm công tác giải phóng mặt bằng. Chỉ khi có mặt bằng “sạch”, chủ đầu tư mới bắt đầu triển khai xây dựng.

Thực tế đã chứng minh với cơ chế cũ (chủ đầu tư kiêm luôn nhiệm vụ GPMB), công tác GPMB luôn gặp khó khăn, bởi với người dân phải di dời, việc đòi doanh nghiệp phải bồi thường luôn là “càng cao, càng tốt”. Nhiều dự án hạ tầng giao thông đội vốn lên gấp 2-3 lần cũng do kinh phí GPMB tăng lên so với dự toán ban đầu.  

Tại nhiều hội nghị tổng kết ngành cuối năm 2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo phải nghiên cứu, sửa đổi chính sách để có cơ chế thông thoáng hơn trong đầu tư xây dựng hạ tầng. Các dự án cao tốc sẽ triển khai trong năm 2008 là ví dụ điển hình cho hướng đi này. 

Với cơ chế mới, thực hiện chức năng chủ đầu tư các tiểu dự án GPMB, chính quyền các địa phương sẽ đảm nhận tất cả các khâu trong quá trình GPMB từ đo đạc, kiểm đếm, lập phương án bồi thường cho tới thanh, quyết toán phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án.

Phía VEC - chủ đầu tư xây dựng giao thông có trách nhiệm phối hợp với địa phương trong công tác GPMB, đảm bảo đủ kinh phí để địa phương chi trả kịp thời tiền đền bù, hỗ trợ và tái định cư, chịu trách nhiệm quyết toán phần kinh phí xây lắp của dự án. “Với cơ chế mới này, chắc chắn những ách tắc trước đây sẽ được giải quyết” - ông Trần Xuân Sanh, Tổng giám đốc VEC hồ hởi nói.

Hiện nay công tác chuẩn bị đầu tư của VEC ở cả hai “siêu” dự án trên đã cơ bản hoàn thành, thu xếp xong vốn bao gồm cả kinh phí xây lắp và GPMB từ nguồn vốn vay của ADB và JBIC.

Theo ông Sanh, VEC cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong quá trình thực hiện, đặc biệt là đáp ứng đủ, kịp thời nguồn vốn cho tiểu dự án. Một thuận lợi nữa là hiện nay ở một số địa phương, cấp quận, huyện đã thành lập ban GPMB chuyên nghiệp (không kiêm nhiệm) để giúp việc cho Hội đồng GPMB của địa phương. Chính vì thế, dù thực tế GPMB còn gặp không ít trở ngại và khó khăn, nhưng các địa phương đều đón nhận các tiểu dự án GPMB với thái độ hưởng ứng.

Nhà đầu tư quyết định mức thu phí

Lâu nay, xây dựng đường cao tốc khiến nhiều nhà đầu tư e ngại bởi đầu tư lớn mà thời gian hoàn vốn quá dài. Nhưng với dự án khổng lồ 24.000 tỷ đồng xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, “nút thắt” này đã được gỡ bỏ. Để hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho mô hình ngân hàng đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế, chính sách thí điểm cho dự án này.

Theo đó, Chính phủ cho phép VDB và Vietcombank – hai cổ đông lớn nhất của VIDIFI (chủ đầu tư dự án) thu xếp vốn vay với tỷ lệ tương ứng là 70% và 30% trong tổng số vốn vay để thực hiện dự án. Ngoài việc được miễn thẩm định hồ sơ vay vốn của VIDIFI, 2 tổ chức tín dụng này còn được huy động vốn trong nước và nước ngoài (kể cả vốn ODA nếu có) để cho VIDIFI vay lại, theo nguyên tắc ngân sách không phải cấp bù lãi suất và được Chính phủ bảo lãnh các khoản vay nếu phía nước ngoài yêu cầu.

Một điểm nổi bật nữa trong số các ưu đãi mà Chính phủ dành cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, là chủ đầu tư được quyền quyết định mức thu phí khi dự án hoàn thành để đảm bảo hoàn vốn. Đây cũng là lần đầu tiên một nhà đầu tư hạ tầng, với tư cách là người bán hàng được toàn quyền quyết định giá bán hàng. VIDIFI còn được giao đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, các khu dịch vụ, hậu cần dọc tuyến đường.

Trong số này có 3 khu đô thị mới tại Hà Nội, Hải Dương và Hải Phòng. Ông Đào Văn Chiến, Tổng giám đốc VIDIFI, cho rằng những cơ chế này sẽ phát huy tác dụng rất lớn để thu hút nguồn vốn vào đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam. Bộ trưởng Bộ GT-VT Hồ Nghĩa Dũng thì hy vọng những thành công từ cơ chế đặc thù ở dự án BOT này sẽ mở ra cơ hội cho nhiều dự án cao tốc khác của Việt Nam.

Bảo Minh

Tin cùng chuyên mục