Dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh: Thầy, trò cùng... đuối!

Học sinh rơi rụng dần...
Dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh: Thầy, trò cùng... đuối!

Thực hiện đề án nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông của TPHCM và định hướng của Bộ GD-ĐT, trong năm học qua TPHCM đã triển khai chương trình thí điểm dạy các môn toán, khoa học tự nhiên ở 45 lớp với trên 1.600 học sinh theo học. Thế nhưng, do phải tự mày mò tìm hướng đi nên nhiều trường THPT cảm thấy đuối sức.

Thầy Bùi Tước Hoàn, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 TPHCM trong giờ dạy môn toán bằng tiếng Anh cho học sinh lớp 10. Ảnh: Mai Hải

Thầy Bùi Tước Hoàn, Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 TPHCM trong giờ dạy môn toán bằng tiếng Anh cho học sinh lớp 10. Ảnh: Mai Hải

Học sinh rơi rụng dần...

Nhìn chung học sinh ở bậc THCS theo học môn toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh có phần đông hơn và các em hào hứng hơn. Theo một số hiệu trưởng, ở bậc học này, học sinh chưa bị áp lực học tập và cảm thấy thích thú với việc làm quen với các môn học bằng tiếng Anh. Hơn nữa, nhiều học sinh ở những trường chuyên, trường điểm còn có động lực học môn toán bằng tiếng Anh để tham dự kỳ thi môn toán châu Á - Thái Bình Dương (APMOS) được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, ở bậc học cao hơn - THPT, nhiều học sinh chưa xác định rõ mục tiêu của chương trình này sẽ được gì nên còn đắn đo.

Sau khi thí điểm dạy các môn toán, khoa học tự nhiên ở 5 trường, năm học 2012 - 2013, Sở GD-ĐT TP mở rộng thêm 5 trường khác, nâng tổng số lên 10 trường triển khai chương trình này. Việc ngành giáo dục TP đặt mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh, giúp học sinh tự nghiên cứu, tham khảo thêm tài liệu các môn khoa học tự nhiên - toán, lý, hóa trên internet là cần thiết, phù hợp với xu thế hội nhập, tiếp cận chuẩn giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, sau 1 năm thí điểm, chương trình mang lại kết quả không như mong đợi và đa phần các hiệu trưởng đều có tâm trạng ngổn ngang, thậm chí cảm thấy “hụt hơi” nếu tiếp tục đi tiếp vì nhiều lý do.

Lúc đầu học sinh lớp 10 (năm học 2012 - 2013) đăng ký học tương đối đông nhưng đến cuối năm học rơi rụng dần. Như Trường THPT Lương Thế Vinh khối lớp 10 có 40 em theo học nhưng đến lớp 11 này chỉ còn 30 em đăng ký học tiếp. Tương tự, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có trên 30 em lớp 10 theo học nhưng đến lớp 11 chỉ còn lại 13 em và chưa biết năm nay có bao nhiêu học sinh mới vào lớp 10 đăng ký học (vì chưa họp bàn với phụ huynh). Tại Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, tình hình cũng không khả quan hơn với môn toán được khoảng 20 học sinh, còn môn lý vỏn vẹn 8 em theo học. Ở các trường còn lại, tình hình học sinh giảm dần vì lý do như đi du học hoặc không muốn học tiếp cũng trở thành nỗi băn khoăn của ban giám hiệu. Có thể nói chỉ duy nhất Trường THPT Lê Quý Đôn - đơn vị thực hiện mô hình giáo dục tiên tiến, vẫn duy trì ổn định sĩ số của 3 lớp 10 đầu khối A và lên lớp 11 của năm học mới này. Sở dĩ số học sinh ở đây không hao hụt là do việc tổ chức dạy chương trình theo nguyên lớp, phần đông học sinh có mục tiêu đi du học. Những trường khác tổ chức lớp học theo sự tự nguyện nên nguồn học sinh phải gom từ nhiều lớp, cộng thêm phải học giờ ngoại khóa và đóng thêm chi phí khoảng 100.000 - 150.000 đồng/học sinh/tháng nên khó duy trì sĩ số.

Một hiệu trưởng băn khoăn, nếu chỉ đặt mục tiêu như đề án nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông là có thể đọc tài liệu, nghiên cứu tài liệu các môn khoa học tự nhiên thì chương trình chưa thật sự hấp dẫn các em. Trừ một số ít học sinh muốn đi du học, hướng tới việc lấy chứng chỉ SAT thì mặn mà, còn lại đều cảm thấy chưa cần thiết phải học. Đó là chưa kể học sinh khối 11 chuẩn bị cho kỳ thi đại học nên xác định mục tiêu gần hơn là xa. Đây là nguyên nhân khiến chương trình khó có thể mở rộng với quy mô lớn hơn.

Thiếu giáo viên và chương trình chuẩn

Nhiều trường còn bộc bạch cái khó khác là phải tự mày mò cách làm để triển khai chương trình thí điểm này. Hai cái khó lớn nhất là thiếu giáo viên có trình độ tiếng Anh đạt chuẩn và thiếu chương trình chuẩn, thống nhất. Do không được Sở GD-ĐT TPHCM cung cấp giáo trình chuẩn nên mỗi trường tự liên hệ với đối tác nước ngoài, tự tìm chương trình, sách tham khảo để biên soạn giáo án giảng dạy. Chính vì thế, mỗi trường một kiểu và dạy theo đủ loại giáo trình của Úc, Canada hoặc Cambridge. Tuy giáo trình của ĐH Cambridge được xem chuẩn nhất nhưng chi phí mua lại quá cao nên nhiều trường không kham nổi. Về giáo viên, các trường đều bị động, phải tự đào tạo, tự bồi dưỡng hoặc tìm nguồn thuê, hợp đồng từ bên ngoài là chính. Trừ một số ít trường có điều kiện, đưa giáo viên đi nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn việc dạy môn toán, lý, hóa bằng tiếng Anh như Trường THPT Lê Quý Đôn, Trần Đại Nghĩa, số còn lại đều gặp khó khăn như nhau.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới 2013 - 2014, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận chỉ đạo ngành GD-ĐT TP tiếp tục mở rộng chương trình dạy các môn toán và khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh. Đây là nhiệm vụ phải làm nhằm đổi mới cơ bản giáo dục ngoại ngữ, nhưng nếu TP không có giải pháp đầu tư bài bản, nhất là hỗ trợ các trường tháo gỡ những trở ngại, khó khăn như trên thì rất khó đạt được mục tiêu đề ra.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục