Dạy học sinh làm người - Cần những bài học trải nghiệm thực tế

Chương trình học quá nặng, ôm đồm nhiều kiến thức không cần thiết, lấy đâu thời gian cho học sinh trải nghiệm thực tế, học làm người từ những bài học sinh động, những câu chuyện giàu lòng nhân ái, sẻ chia với cộng đồng… Đó là những lời than vãn thường thấy của các bậc phụ huynh và cả các thầy cô giáo trong các trường phổ thông.
Dạy học sinh làm người - Cần những bài học trải nghiệm thực tế

Chương trình học quá nặng, ôm đồm nhiều kiến thức không cần thiết, lấy đâu thời gian cho học sinh trải nghiệm thực tế, học làm người từ những bài học sinh động, những câu chuyện giàu lòng nhân ái, sẻ chia với cộng đồng… Đó là những lời than vãn thường thấy của các bậc phụ huynh và cả các thầy cô giáo trong các trường phổ thông.

        Giáo dục từ những câu chuyện thật

Thực tế cho thấy, những bài học phù hợp với từng lứa tuổi về tình yêu gia đình, thiên nhiên, loài vật… được vun đắp từ cảm xúc, trải nghiệm thực tế sẽ giúp học trò lĩnh hội giá trị nhân văn, từng bước hình thành nhân cách, lối sống chuẩn mực. Thế nhưng, nhìn lại những bài học về đạo đức và môn giáo dục công dân ở các cấp học ở nước ta lại nặng về lý thuyết, nội dung khô cứng, thiếu hình ảnh hấp dẫn, thậm chí nhiều tình huống, nội dung bài học chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Cụ thể, ở lớp 3, học sinh được dạy bài “Đoàn kết với thiếu nhi quốc tế”, đến lớp 5 học bài “Tình bạn” qua câu chuyện của nhà đại văn hào Lep Tônxtôi và “Tìm hiểu về Liên hiệp quốc”… Đây là những kiến thức chưa cần thiết, chưa phù hợp, thiếu gần gũi với cảm xúc, nhận thức của lứa tuổi này.

Theo nhiều giáo viên tiểu học, nên thay đổi nội dung giáo dục đạo đức học sinh bằng những câu chuyện dễ hiểu, dễ cảm nhận và gần gũi với các em thì tính giáo dục mới cao. Cụ thể ở lứa tuổi tiểu học, nên giáo dục các em bằng những việc làm thiết thực như tham gia giúp đỡ, sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn như giúp đỡ người già neo đơn, trẻ khuyết tật…

Các em học sinh tham quan triển lãm Ngày hội Thanh niên với nghề nghiệp do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Ảnh: Mai Hải

Các em học sinh tham quan triển lãm Ngày hội Thanh niên với nghề nghiệp do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Ảnh: Mai Hải

Một phụ huynh có cháu học ở nước ngoài chia sẻ rằng cách dạy trẻ làm người - biết sẻ chia với cộng đồng ở các trường tiểu học Canada rất thiết thực, gần gũi. Học sinh lớp 5 phải đăng ký đến các trại dưỡng lão tự tay chăm sóc người già neo đơn thì mới được công nhận đã hoàn thành môn học về kỹ năng sống. Còn ở nước ta, việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh chủ yếu là lý thuyết, đánh giá bằng bài kiểm tra cuối học kỳ, cả năm.

Trong một buổi họp phụ huynh trước đây, chúng tôi được nghe câu chuyện cười ra nước mắt vì con cái của mình hiểu lòng nhân ái theo khuôn mẫu sách giáo khoa. Khi giáo viên lớp 4 ra đề bài kiểm tra “Hãy kể lại một việc làm tốt giúp đỡ người khác” thì cả lớp chọn câu chuyện mẫu đã học trên lớp và “nhân bản” lòng nhân ái thành mẫu số chung. Đại để là “Trên đường đi học về, em thấy một cụ già tóc bạc phơ đứng bên đường. Bà tỏ ra sợ sệt và không dám đi qua đường vì đông người, xe cộ qua lại. Thấy vậy em chạy qua đường, giúp bà sang đường bên này an toàn…”.

Không ít giáo viên vẫn coi sách giáo khoa là pháp lệnh và không chịu tìm tòi, sáng tạo trong việc sưu tầm, cập nhật những tấm gương người tốt việc tốt sinh động, hấp dẫn học sinh. Không phải ngẫu nhiên mà đợt khảo sát lắng nghe ý kiến của học sinh tiểu học và THCS về môn giáo dục công dân, học sinh lớp 7 Trường THCS Lý Phong, quận 5 TPHCM đã kiến nghị: “Thầy cô nên sưu tầm những mẩu chuyện gần gũi với bài học, nhất là trong cuộc sống để giúp các em làm quen, xử lý đúng tình huống, thực hiện tốt các hành vi đạo đức”.

Tương tự, em Nguyễn Hoàng Khánh Vy, lớp 9/3 Trường THCS Ba Đình, đề đạt nguyện vọng: “Để môn học giáo dục công dân thực sự bổ ích, hấp dẫn, bên cạnh giờ học trên lớp, nhà trường nên tổ chức cho chúng em đi thăm các trại mồ côi, viện dưỡng lão… Có như thế chúng em mới hiểu rõ thực tế, có hành vi đạo đức đúng, biết chia sẻ với những mảnh đời kém may mắn”.

        Giảm nhàm chán bằng tăng hấp dẫn

Tại nhiều cuộc hội thảo bàn về việc đổi mới cách dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, nhiều chuyên gia sư phạm, nhiều nhà giáo đã bức xúc chỉ ra những hạn chế chung khiến mục tiêu giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh chưa đạt yêu cầu. Cụ thể là ở bậc tiểu học, mỗi tuần chỉ có duy nhất 1 tiết đạo đức nhưng những bài học còn xơ cứng, thiếu tính gần gũi, đời thường, thậm chí quá nặng nề so với độ tuổi của các em.

Tương tự, ở cấp THCS, môn giáo dục công dân cũng chỉ có 26 tiết/năm, trong đó tiết đạo đức được phân bổ 12 - 15 tiết. Nhìn chung, học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 cũng phải nạp nhiều kiến thức không cần thiết, nặng lý thuyết, thiếu thời gian trải nghiệm thực tế, thực hành kỹ năng sống. Do thời lượng tiết học ít, lại thêm những bài giảng về đạo đức thiếu hấp dẫn, ít liên hệ với thực tiễn - những mẩu chuyện thời sự đang diễn ra trong cuộc sống nên học sinh cảm thấy nhàm chán, khó tiếp thu kiến thức. Thế nhưng, chuyện khó này vẫn có thể làm được nếu giáo viên, ban giám hiệu nhà trường có tư duy sáng tạo, dám đổi mới cách dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân để bớt nhàm chán.

Từ thực tế, cô Nguyễn Mai Hoa của Trường Tiểu học Bàu Sen quận 5 chia sẻ, học sinh tiểu học rất thích nghe kể chuyện và mỗi buổi học cô thường chuẩn bị một câu chuyện cổ tích, mẩu chuyện về danh nhân, khám phá khoa học… Những câu chuyện này không chỉ kích thích học sinh ham học mà còn gieo vào tâm hồn các em những đức tính tốt, những hành vi sống đẹp, sống có ý nghĩa.

Nhiều thế hệ học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn quận 1 đã trưởng thành luôn nhớ lại những câu chuyện giàu tính nhân văn được thầy hiệu trưởng sưu tập và kể dưới cờ mỗi đầu tuần. Mỗi câu chuyện ngắn nhưng đầy tính thời sự này giống như luồng gió mát tưới tươi tâm hồn, giúp học trò hình thành nhân cách, lối sống đẹp, có trách nhiệm với gia đình, xã hội.

Nhiều giáo viên, nhà quản lý giáo dục kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm có giải pháp giảm tải chương trình, sách giáo khoa, trong đó sớm thay đổi cách dạy và học môn giáo dục công dân. Cần tạo điều kiện cho giáo viên bộ môn này sáng tạo, cập nhật nhiều mẩu chuyện, tình huống giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Để giúp học sinh biết làm người thì phải bớt thời lượng học kiến thức, học lý thuyết và tăng thời gian đi thực tế, trải nghiệm cuộc sống, rèn luyện kỹ năng sống như mong muốn của các em.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục