Đẩy lùi xung đột, bạo lực trong từng gia đình

Những năm gần đây, ở huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đã ra đời các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và nhóm phòng chống bạo lực gia đình. Các câu lạc bộ này đã giúp gắn kết, dung hòa mối quan hệ gia đình cho các cặp vợ chồng có những bất hòa, rạn nứt trong hôn nhân, đẩy lùi xung đột, bạo lực trong từng gia đình.
Bớt nhậu, lo làm ăn và biết thương vợ
Gia đình anh Nguyễn Văn Khổng và chị Nguyễn Thị Tuyết Oanh hiện đang sinh sống đầm ấm và hạnh phúc ở ấp K8 (xã Phú Đức, huyện Tam Nông). Hàng ngày, anh Khổng cần mẫn chăm sóc 4 ha ruộng lúa, còn chị Oanh lo việc nội trợ và bán quán nước giải khát tại nhà.
Họ cùng gắng làm lụng để kiếm thu nhập nuôi 2 con đang học lớp 9 và lớp 10. Cuộc sống gia đình ấy đã êm ấm, khác xa ngày trước.
Chị Oanh bày tỏ: “Trước khi tham gia Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, vợ chồng tôi hay cãi vã, đánh nhau. Xảy ra xung đột thì tôi giận chồng, bỏ về nhà mẹ, không có mần ăn gì nữa. Còn anh Khổng thì đi nhậu say sưa và còn này kia nọ…Từ khi chúng tôi tham gia câu lạc bộ, được hướng dẫn việc tổ chức cuộc sống gia đình, biết cư xử có văn hóa và có trách nhiệm với nhau, chồng tôi biết quan tâm lo lắng cho gia đình, phụ vợ mần ăn, dạy con cái học hành. Nhờ vậy cuộc sống gia đình bây giờ cũng hạnh phúc”. 
Đẩy lùi xung đột, bạo lực trong từng gia đình ảnh 1 Từ khi tham gia Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, vợ chồng anh Khổng và chị Oanh đã có cuộc sống êm ấm hạnh phúc
Nghe vợ kể vậy, anh Khổng cũng vui vẻ chia sẻ: “Thiệt tình lúc trước tôi hay nhậu nhẹt với bạn bè, rồi về nhà gây sự, nên vợ chồng chửi lộn, đánh lộn hoài hà. Từ khi vô câu lạc bộ, được hướng dẫn, nhắc nhở, tôi không vậy nữa, mà chăm chỉ làm việc phụ với vợ để lo cho hai đứa con ăn học. Hàng ngày tôi  đi đồng rải phân, xịt lúa; ngày nào ở nhà thì lặt rau, nấu cơm, nấu nước hụ hợ với vợ, chứ không còn la cà nhậu nhẹt như trước nữa. Nhờ vậy gia đình cũng đầm ấm, vui vẻ”.
Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững ấp K8 được thành lập năm 2016, với 26 cặp vợ chồng thành viên, sinh hoạt định kỳ 2 tháng một lần. Trong số này hiện có 50% cặp vợ chồng hạnh phúc và 50% cặp vợ chồng có xung đột, bạo lực gia đình.
Mỗi lần sinh hoạt đều có thảo luận các chủ đề như xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe dạy con ngoan, sinh đẻ có kế hoạch, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, hướng nghiệp dạy nghề, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình…
Những lần sinh hoạt, các thành viên đều tham gia đầy đủ và đóng góp nhiều ý kiến xây dựng thiết thực và bổ ích. Chính các cặp vợ chồng hạnh phúc là mẫu mực, là tấm gương để các cặp vợ chồng khác tham khảo kinh nghiệm và học tập. 
Góp phần xây dựng đời sống văn hóa 
Ông Phan Hùng Dũng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững ấp K8, cho biết: “Trong mỗi lần sinh hoạt định kỳ, chúng tôi cùng ngồi lại uống nước rút kinh nghiệm, đánh giá lại mặt mạnh, mặt yếu trong cách tổ chức cuộc sống gia đình. Từ đó mà các cặp vợ chồng cùng nhắc nhở, động viên nhau thay đổi trong cách cư xử có văn hóa và có trách nhiệm với nhau. Chuyển biến rõ nhất là nhiều cặp vợ chồng trước đây không chí thú làm ăn nhưng nay đã chịu khó làm ăn hiệu quả, ổn định cuộc sống gia đình”.
Xã Phú Đức hiện có 3 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ở 3 ấp. Mỗi câu lạc bộ có từ 20 - 30 gia đình thành viên. Các câu lạc bộ đều được trang bị 1 tủ sách pháp luật, với 27 đầu sách các loại phục vụ công tác tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình.
Trong thời gian qua, các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững trong xã đã tham gia hòa giải thành 100% số vụ liên quan đến bao lực gia đình, tư vấn cho 5 trường hợp cả người bị bạo lực lẫn người gây ra bạo lực, giúp họ có những lựa chọn hướng đi đúng và thích hợp, không còn xảy ra bạo lực gia đình, biết luôn chí thú làm ăn phát triển kinh tế, chăm lo nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đức, nhận xét: “Các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững ở địa phương đang hoạt động tốt, hiệu quả. Qua công tác tuyên truyền, vận động như thế, ý thức của người dân được nâng lên. Những trường hợp có hành vi bạo lực gia đình đã ý thức đó là hành vi vi phạm pháp luật, nên có chuyển biến, biết chí thú làm ăn để phát triển kinh tế gia đình, nhờ vậy tình hình trật tự xã hội và tệ nạn xã hội đã giảm dần, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương và góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Khi các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững hoạt động tốt, cũng góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương”.

Tin cùng chuyên mục