Đẩy mạnh đầu tư sản xuất ô tô

Bất chấp thuế nhập khẩu ô tô trong khối ASEAN về mức 0% vào đầu năm 2018, cũng như lộ trình cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang diễn ra, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành vẫn mạnh tay đầu tư sản xuất. 
Tăng cường liên doanh
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuấ ô tô Việt Nam (Vama), tính đến năm 2015, Việt Nam có khoảng 400 DN sản xuất, kinh doanh ô tô với tổng công suất lắp ráp 460.000 xe/năm (bao gồm cả xe tải và xe con). Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, còn lại là DN trong nước với tốc độ tăng trưởng khá cao, khoảng 17%/năm. Mặc dù số lượng tham gia sản xuất, kinh doanh khá đông đảo nhưng thực tế những năm qua việc đầu tư sản xuất ô tô bài bản tại Việt Nam chỉ có một số “thành danh” như Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), Toyota Việt Nam (TMV), Honda Việt Nam và Công ty Xuân Kiên (Vinaxuki).
Đối với Vinaxuki, sau khi đổ lượng vốn rất lớn vào đầu tư máy móc, nhà xưởng với mục tiêu sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam, đến nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nợ ngân hàng, khả năng phá sản rất lớn. Gần đây, những thông tin về thuế nhập khẩu ô tô trong khối ASEAN về 0% vào năm 2018, TMV “bắn tiếng” sẽ chuyển hướng sản xuất ô tô tại Thái Lan, sau đó bán sang Việt Nam hoặc duy trì sản xuất tại Việt Nam với điều kiện có những chính sách ưu đãi hợp lý từ phía Chính phủ. Từ đầu năm, Honda Việt Nam cũng có quyết định chuyển từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc mẫu xe Civic, với lý do doanh số thấp không đủ để duy trì lắp ráp.
Trong khi một số DN án binh bất động hoặc đánh tiếng rút lui khỏi thị trường như nêu trên, một số DN khác lại tiếp tục rót mạnh vốn để mở rộng sản xuất ô tô, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đơn cử, mới đây Thaco quyết định chi  2.000 tỷ đồng cho dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô với sản phẩm xe buýt lớn và mini buýt . Nhà máy xe buýt mới có công suất khoảng 20.000 xe/năm, gồm 8.000 xe buýt lớn và 12.000 xe mini buýt sẽ do 2 đối tác là Thaco và Hyundai cùng triển khai. Dự án của Thaco thực hiện trên cơ sở hợp tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc), ngoài phục vụ thị trường nội địa còn hướng đến xuất khẩu sang thị trường khu vực ASEAN.
Bên cạnh đó, Thaco cũng ráo riết chuẩn bị dự án sản xuất, lắp ráp 100.000 xe Mazda/năm (giai đoạn 1 là 50.000 xe) tại Khu công nghiệp ô tô Chu Lai - Trường Hải ở tỉnh Quảng Nam, với sự hợp tác của Công ty Mazda (Nhật Bản). Ở dự án này, ngoài Mazda, còn có hàng loạt DN Nhật Bản là vệ tinh cho Mazda cùng tới Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) đầu tư. Tương tự, Hyundai Thành Công hiện vừa đạt được những thỏa thuận ban đầu và hoàn tất bước quan trọng trong việc hợp tác với Hyundai để đầu tư sản xuất lắp ráp các sản phẩm của Hyundai tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp xe Hyundai tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Các liên doanh đã đầu tư sản xuất tại Việt Nam sẽ không bỏ hẳn mảng lắp ráp nhằm đề phòng khi thị trường tốt lên, nhưng có thể sẽ không đầu tư mới mà tận dụng hạ tầng cũ và duy trì lắp những dòng sản phẩm có sản lượng đủ lớn, từ 10.000 xe/năm trở lên. Dự đoán, các sản phẩm lắp ráp có sản lượng dưới 5.000 xe/năm sẽ dần chuyển sang nhập khẩu nguyên chiếc nếu có hàng từ khu vực ASEAN”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Minh Hải, Đại học Quốc gia TPHCM, nhận định.
Đẩy mạnh đầu tư sản xuất ô tô ảnh 1 Dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô tại Hyundai Thành Công
Nâng cao giá trị gia tăng
Nhằm thu hút, đẩy mạnh phát triển ngành ô tô trong nước, mới đây Chính phủ đã ban hành quyết định quy định cơ chế, chính sách thực hiện “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị để sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, lắp ráp ô tô và xe chuyên dùng của các DN trong nước được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước. Các DN sản xuất các dòng xe ưu tiên được hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia. Riêng đối với DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất, xuất khẩu linh kiện, phụ tùng và xe nguyên chiếc, được hưởng chính sách tín dụng xuất khẩu theo quy định hiện hành. 
Quyết định cũng quy định cụ thể các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai. Các dự án đầu tư sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô được hưởng các ưu đãi đất đai theo quy định pháp luật về công nghiệp hỗ trợ. Các dự án đầu tư có quy mô lớn sản xuất dòng xe ưu tiên và các bộ phận động cơ, hộp số và cụm truyền động, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức ưu đãi hơn vê tiền thuê đất (miễn, giảm) cụ thể đối với từng dự án. Các dự án sản xuất, lắp ráp các dòng xe ưu tiên phát triển có quy mô lớn, ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi như trên sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ, ưu đãi đối với từng dự án cụ thể theo quy định.
Theo Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) Trương Thanh Hoài, ngành công nghiệp ô tô đã được Chính phủ xác định là ngành rất quan trọng, có tác động lan tỏa đến rất nhiều ngành khác nhau như: cơ khí, điện tử, luyện kim hay hóa chất, đặc biệt là tạo điều kiện để các DN Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất toàn cầu. Các chính sách hiện nay đối với ngành ô tô được Chính phủ tập trung để nâng cao dung lượng thị trường, qua đó có thể nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giúp giảm nhập khẩu linh kiện. Từ đó, nâng cao giá trị gia tăng của ngành ô tô sản xuất trong nước.

Tin cùng chuyên mục